Giám sát chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng: Không thấy ai chịu trách nhiệm

Giám sát chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng: Không thấy ai chịu trách nhiệm
Ông Nguyễn Đình Xuân (ĐBQH Tây Ninh) đã thẳng thắn nói như vậy khi Quốc hội thực hiện giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về dự án trồng mới  5 triệu ha rừng ngày 23/11.
Giám sát chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng: Không thấy ai chịu trách nhiệm ảnh 1
Hàng trăm hecta rừng dự án 327 trồng hơn 10 năm nay ở xã Sông Trà, Hiệp Đức, chỉ toàn lau lách và cây dại. Người dân đang phá đốt để tự trồng lại. Ảnh: Tuổi trẻ

“Tôi thấy cả 3 mục tiêu về môi trường, về xã hội, về kinh tế của dự án  này đều chưa đạt. Việc thực hiện diện tích rừng trồng mới cũng chỉ đạt 28,5% mục tiêu được đặt ra trong nghị quyết của Quốc hội vậy mà tôi không thấy bóng dáng của một cơ quan, một cá nhân nào phải chịu trách nhiệm cả”- Ông Nguyễn Đình Xuân bức xúc nói tiếp. 

Ông Xuân dẫn chứng: “Có tỉnh để cháy hàng trăm héc-ta rừng mà cũng chẳng có ai bị xử lý kỷ luật. Thủ tướng có chỉ thị nêu rõ nếu để cháy rừng trách nhiệm thuộc Chủ tịch UBND tỉnh, tỉnh lại nói trách nhiệm thuộc Chủ tịch huyện, huyện giao trách nhiệm cho xã vậy mà chẳng thấy ai chịu trách nhiệm cả”. 

Cụ thể hơn, ông Nguyễn Ngọc Trân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội nói rằng thời gian qua chúng ta đã tiêu 8.000 tỷ đồng cho dự án này.

“Số tiền này mà so sánh với mức chi cho chương trình 135 là 450 triệu đồng/xã/năm thì sẽ có thêm khoảng 1.800 xã được thụ hưởng trong 10 năm. Nói vậy để thấy đó là số tiền không hề nhỏ. Tôi thấy chúng ta cứ “xài” tiền như thế, trong khi kết quả thực hiện không đạt mà không thấy chua xót gì”- Ông Trân bức xúc.

Ông Trân còn nói thêm, nếu cho thanh tra thì Ban quản lý dự án này tiêu cực có thể không kém gì trong các dự án giao thông.

“Báo cáo nói quy hoạch kém nhưng tại sao kém lại không chỉ rõ. Chính phủ đề nghị Quốc hội cho điều chỉnh mục tiêu chương trình nhưng lại không bắt đầu từ khâu quy hoạch. Như thế là chẳng rút kinh nghiệm gì trong 8 năm qua”- Ông Trân viện dẫn. Từ đó, ông Trân kiến nghị bỏ chương trình 5 triệu ha rừng và kêu gọi “đừng tiếp tục đem tiền vứt vào vũ trụ mà không biết trách nhiệm sẽ thuộc về ai”.

Phải để người dân sống được từ rừng

“Gia đình ông A có 2 lao động chính được phân cho 3 ha rừng. Với thu nhập hiện nay là 4 triệu đồng/ha thì tổng cộng họ thu được 12 triệu đồng/năm. Số tiền này đem chia ra thì mỗi lao động được 500.000 đồng/tháng.

Như vậy thì không cải thiện được cuộc sống cho người trồng rừng”- Ông Lê Đủ (ĐBQH Phú Yên) phân tích như vậy để minh chứng cho lập luận: chính sách hiện nay chưa thu hút được người dân tham gia trồng rừng.  Chính vì thế, khá nhiều ý kiến cho rằng bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt hơn của Chính phủ, việc tăng cường giám sát đối với dự án này thì việc quan trọng hàng đầu là đổi mới cơ chế tài chính hiện nay.

“Chính sách  đầu tư cào bằng hiện nay rõ ràng là bất cập vì nó  khiến cho người dân có tâm lý dễ thì làm, khó thì bỏ”- Ông Nguyễn Đình Xuân nhận định. Vì thế, ông Xuân đề nghị cần xem lại giá trị đầu tư cho từng khu vực là bao nhiêu để phù hợp với tình hình thực tiễn. 

Trong khi đó, ông Nguyễn Đăng Vang (ĐBQH Bình Định) lại đề xuất cần phải cho bà con được phép khai thác rừng. “Trước đây, thời HTX chúng ta không cho phép giết bò làm thịt, vì thế bò ốm cũng cứ phải để vậy. Thế nhưng sau khi cho phép giết bò làm thịt thì đàn bò cả nước lại tăng từ 2,8 lên 5,6 triệu con. Rừng cũng vậy, cây đã già mà không cho khai thác thì cây cũng sinh bệnh”- Ông Vang lập luận. Theo ông Vang nếu cho phép khai thác rừng một cách hợp lý sẽ xã hội hóa được việc đầu tư trồng rừng và rừng sẽ phát triển.  

Nhiều ĐBQH cũng tán đồng ý kiến trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban TVQH là đẩy mạnh xã hội hóa nghề rừng theo hướng dân làm, dân hưởng và tăng suất đầu tư  cho việc bảo vệ, khoanh nuôi và trồng mới đối với cả 3 loại rừng và có cơ chế, chính sách hưởng lợi hợp lý.

Phát biểu sau đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát hứa sẽ tiếp thu những ý kiến này để báo cáo với Chính phủ để có phương án trình Quốc hội xem xét, quyết định.

MỚI - NÓNG