Giảm tắc nghẽn nhưng ùn ứ chưa giảm

Giảm tắc nghẽn nhưng ùn ứ chưa giảm
TP - Sáng 11-11, trong chương trình “Lắng nghe và trao đổi” về an toàn giao thông (ATGT) do HĐND TPHCM tổ chức, Phó Ban ATGT TPHCM Nguyễn Ngọc Tường cho biết trong 10 tháng đầu năm, thành phố xảy ra 2 vụ ùn tắc kéo dài trên 30 phút, giảm 80% so với cùng kỳ năm 2011 song tình trạng ùn ứ tại nhiều nơi chưa được cải thiện.

> Ùn tắc giao thông: Áp dụng CNTT và phạt nặng

Đánh trống bỏ dùi, “làm khó” người dân

Một số cử tri ở quận 1 phân tích: Trong nội đô, hầu hết đường giao thông có chiều rộng dưới 8m. Cho xe buýt lớn chạy trong nội đô nên thường xảy ra ùn tắc.

Ngoài ra, mặt đường vốn đã chật chội song tại nhiều giao lộ, Sở Giao thông vận tải cho xây dựng các tam giác (mũi tàu) khiến các phương tiện giao thông bị dồn ứ.

TPHCM cần đưa xe nhỏ vào hoạt động trong nội ô và đưa xe lớn ra ngoại thành. Cần ưu tiên mặt đường cho lưu thông. Chỗ nào cần mới rào chắn, còn không, phải thông thoáng để giảm kẹt xe.

Theo đại biểu Trương Lâm Danh, Phó ban Pháp chế HĐND TPHCM, tổ chức giao thông nhiều nơi chưa hợp lý. Đơn cử: Quốc lộ 1A, Xa lộ Hà Nội,… cho lắp dãy phân cách giữa đường quá dài, không có chỗ quay đầu xe và lối rẽ vào các đường nhánh.

Nếu tuân thủ luật, phải đi “lố” cả chục cây số, vừa hao xăng, vừa mất thời gian nên người dân chọn cách đi ngược chiều, rất nguy hiểm, dễ gây ùn tắc và TNGT.

“Nhiều tuyến đường không có lề bộ hành, người dân phải đi bộ xuống lòng đường. Đường Võ Văn Kiệt không có lối rẽ vào các con hẻm, đường dân sinh nên người dân tự động đắp bục, làm ứ đọng nước và khiến đường mau hư hỏng, xuống cấp” - ông Danh nói.

Thượng tá Trần Thanh Trà, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt cho biết từ đầu năm đến nay, TPHCM xử lý gần 6.000 trường hợp, thu giữ trên 3.000 phương tiện xe 3 - 4 bánh thô sơ tự chế.

Tuy nhiên, loại phương tiện này vẫn hiện diện rất nhiều trên đường phố, gây mất an toàn giao thông. Nhiều hộ dân trước kia nhận tiền hỗ trợ, bàn giao xe, nay lại tiếp tục mua xe quay lại nghề cũ.

Gây ùn tắc, cơ quan cấp phép vô can?

Ông Lâm Nguyên Khôi, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) thừa nhận hiện nay vẫn còn một số cơ sở giáo dục, trung tâm ngoại ngữ tọa lạc khu vực trung tâm, gây ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm.

“DN còn phải được Sở GD&ĐT cấp giấy chứng nhận hành nghề mới được phép hoạt động. Một số cơ sở sau quá trình hoạt động, gây ùn tắc giao thông, nếu địa phương có ý kiến, Sở KHĐT sẽ yêu cầu DN thay đổi địa điểm, trường hợp không chấp hành, DN có thể bị rút giấy đăng ký kinh doanh” - ông Khôi nói.

Bà Trần Thị Kim Thanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT nói việc xem xét, cấp giấy chứng nhận hành nghề của ngành giáo dục cũng căn cứ theo giấy phép của Sở KHĐT và ý kiến của chính quyền địa phương.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM chất vấn: Sở GTVT nhiều lần quyết tâm chấn chỉnh nhưng cung cách phục vụ, thái độ phân biệt đối xử của các tiếp viên, lái xe buýt đối với người khuyết tật (miễn phí), người mua vé tháng, vé lượt vẫn chưa chuyển biến, vì sao?

Ông Bùi Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở GTVT, giải trình: Hàng năm, Sở GTVT TPHCM và các đơn vị vận tải tổ chức nhiều lớp tập huấn dành cho đội ngũ tiếp viên, lái xe buýt, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Tuy nhiên, trong 10 tháng đầu năm, TPHCM đã xử lý hàng trăm trường hợp lái xe, tiếp viên xe buýt vi phạm.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG