Giảm tối đa đầu tư công

Giảm tối đa đầu tư công
TP - Thảo luận chiều 26-4 về Tờ trình của Chính phủ phương án phân bổ sử dụng nguồn vượt thu và dự toán ngân sách trung ương năm 2010, các ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng cần giảm tối đa đầu tư công để chống lạm phát và giữ mức bội chi ngân sách năm nay khoảng 5%.

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết: Năm 2010, số thu vượt dự toán ngân sách trung ương là 48.584 tỷ đồng (Tổng thu NSNN 2010 vượt 97,6 nghìn tỷ đồng, tức 21,2%). Khoản này chưa kể số dư 550 tỷ đồng chưa chi hết (lĩnh vực y tế: 300 tỷ, quản lý hành chính: 150 tỷ, trợ giá: 100 tỷ đồng).

Chính phủ đề nghị bố trí 8.260 tỷ đồng để giảm bội chi NSNN năm 2010 (ở mức 5,6%), tăng chi trả nợ năm 2010 là 10 ngàn tỷ đồng, chuyển nguồn đảm bảo cân đối NSNN năm 2011 thêm 10 ngàn tỷ đồng. Ngoài ra, mua dự trữ bổ sung 102 ngàn tấn gạo (1.050 tỷ đồng), hỗ trợ huyện nghèo theo đề án 30a (1.254 tỷ đồng), bổ sung hỗ trợ hộ nghèo cải thiện nhà ở 541 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Chính phủ đề nghị dành 1.700 tỷ đồng hỗ trợ trở lại cho TP Hà Nội và TPHCM và hỗ trợ một số địa phương kinh tế trọng điểm có số thu cao để đầu tư phát triển hạ tầng 1.050 tỷ đồng từ khoản vượt thu. Ngoài ra có một số khoản đã được các địa phương chi từ trước sẽ khấu trừ.

Nhất trí việc phân bổ này, Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhấn mạnh “cần sử dụng nguồn vượt thu ưu tiên tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là trong bối cảnh hiện nay chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 4 đang ở mức cao 3,32% và 4 tháng đầu năm đã là gần 9,4%”.

“Riêng khoản hỗ trợ trở lại Hà Nội, TPHCM và các địa phương trọng điểm để đầu tư hạ tầng cần đảm bảo tính công khai, minh bạch. Có ý kiến cho rằng, Hà Nội và TPHCM có nhiều lợi thế về kinh tế, có cơ chế đặc thù trong định mức phân bổ ngân sách do đó việc bố trí đầu tư trở lại cho hai địa phương này từ nguồn vượt thu là chưa hợp lý”- Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban cho biết.

Chi rải mành mành kém hiệu quả

“Chính phủ nên có tiêu chí đối với việc hỗ trợ các tỉnh, tránh nơi có nguồn thu cao vẫn được hỗ trợ, còn nơi nghèo lại chẳng được gì”- Chủ tịch HĐDT Ksor Phước nói. Ông Ksor Phước cho biết, hiện còn khoảng 1.000 xã cũng đang rất khó khăn (không thuộc đề án 30a) nhưng chưa có nguồn đầu tư, Chính phủ cần nghiên cứu, xem xét có phương án hỗ trợ.

Để sử dụng nguồn vượt thu hiệu quả hơn, Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền đề nghị “nên dồn vào một khoản lớn đầu tư cho y tế nhằm giảm bớt quá tải bệnh viện, không để bệnh nhân phải nằm chung 3-4 người/giường. Không nên chi theo kiểu rải mành mành ra, hiệu quả không cao”.

Một số ý kiến cho rằng, để giảm bội chi NSNN năm 2011 ở mức thấp và kéo mức bội chi xuống dưới 5% GDP cần tiếp tục cắt giảm các khoản đầu tư công. Cần tăng mua dự trữ gạo cho dân, nâng tổng dự trữ lương thực cả nước khoảng 500 ngàn tấn và tăng các khoản chi cho an sinh xã hội và cho người nghèo.

“Dù mỗi khoản ít cũng nên chú ý để thực hiện tốt chủ trương của Đảng và Nhà nước là cắt giảm đầu tư công để chống lạm phát hiệu quả. Cần nghiên cứu, có tiêu chí đảm bảo công khai, công bằng cho các địa phương trong việc phân bổ” - Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên đồng tình.

Lập kiểm toán nhà nước khu vực

UBTVQH đã biểu quyết thông qua nghị quyết Tờ trình về thành lập thêm 4 đơn vị kiểm toán Nhà nước khu vực (đặt tại Thái Nguyên, Thanh Hóa, Đăk Lăk và Bà Rịa –Vũng Tàu) và 1 đơn vị kiểm toán chuyên ngành vào năm 2011.

Các đơn vị này đều thực hiện chức năng kiểm toán Nhà nước (Kiểm toán chủ yếu đối tượng thụ hưởng ngân sách, DN có vốn đầu tư của Nhà nước). Cũng theo tờ trình, biên chế Kiểm toán nhà nước sẽ tăng thêm 400 người.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG