Giảm trừ gia cảnh bao nhiêu là hợp lý?

Giảm trừ gia cảnh bao nhiêu là hợp lý?
TP - Sáng qua (24/10), Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (TTNCN). Vấn đề mức giảm trừ gia cảnh là một trong những nội dung có nhiều ý kiến nhất.

>> Hơn 2 triệu người sẽ phải nộp thuế thu nhập

Giảm trừ gia cảnh bao nhiêu là hợp lý? ảnh 1
Việc kiểm soát thu nhập của người dân để thu thuế TNCN không hề đơn giản - Ảnh: Hồng Vĩnh

Giảm trừ mỗi người phụ thuộc bao nhiêu?

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, TTNCN được xây dựng trên nguyên tắc “công bằng” và “khả năng nộp thuế” thể hiện:

Người có thu nhập trung bình trở xuống thì chưa nộp thuế, người có thu nhập cao hơn thì nộp thuế nhiều hơn, người có thu nhập như nhau nhưng hoàn cảnh khác nhau thì mức nộp thuế cũng khác nhau.

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ TP HCM, Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN Đặng Ngọc Tùng hoan nghênh việc Ban soạn thảo Dự án Luật TTNCN đã tiếp thu ý kiến đề nghị của tổ chức công đoàn, về việc không thu thuế đối với tiền lương làm thêm giờ, phụ cấp làm ca 3, cũng như không thu thuế đối với thu nhập từ cổ tức của người lao động được mua cổ phần ưu đãi trong các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa.

Tuy nhiên, theo Website Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có ý kiến đối với việc chỉnh lý Dự án Luật thuế thu nhập cá nhân.

Thủ tướng đồng ý việc miễn thuế thu nhập cá nhân đối với phần lợi nhuận được chia của thành viên hợp danh trong công ty hợp danh, sau khi công ty đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

Nhưng, không miễn thuế đối với các khoản thu nhập là tiền lương làm thêm giờ, làm việc ban đêm (phụ cấp ca ba) và thu nhập là cổ tức của người lao động được mua cổ phần ưu đãi khi doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa.

Một trong những điểm mới của Dự thảo Luật TTNCN là quy định về giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc mà người nộp thuế có trách nhiệm nuôi dưỡng.

Điểm mới này đã nhận được nhiều ý kiến của các vị đại biểu QH, có loại ý kiến cho rằng mọi cá nhân cứ phát sinh thu nhập đều có nghĩa vụ nộp thuế, loại ý kiến khác không đồng ý với mức giảm trừ cá nhân (người sống độc thân) 4 triệu đồng/tháng (mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc - con dưới 18 tuổi, cha, mẹ phải nuôi dưỡng là 1,6 triệu đồng/tháng).

Đại biểu Huỳnh Thành Lập (TPHCM) nói: “Quy định như vậy ở nông thôn có thể được, nhưng ở đô thị thì không hợp lý vì giá cả đắt đỏ”.

Ông Lập đề xuất mức giảm trừ nên lần lượt là 6 triệu đồng và 2 triệu đồng. “Luật không nên quy định con số cụ thể như thế”-Ông Đặng Ngọc Tùng lên tiếng.

Theo Chủ tịch Tổng LĐLĐ, mức giảm trừ gia cảnh nên quy định “bằng mấy lần lương tối thiểu, chẳng hạn như 10 lần”, thì dù giá cả lên xuống hay điều chỉnh lương thì quy định vẫn còn hợp lý và không phải sửa luật.

Ý kiến của ông Lập và ông Tùng được đại biểu cùng thành phố là bà Dao Nhiễu Linh tán thành. Bà Linh khẳng định mức giảm trừ gia cảnh như trong dự thảo khiến luật chưa ban hành đã lạc hậu.

“Một người ở thành phố mỗi tháng ăn, mặc, ở, đi lại..., đã hết ít nhất 6 triệu đồng. Chi tiêu của người phụ thuộc cũng lên đến 3 triệu đồng... Như vậy mức giảm trừ gia cảnh phải 8- 10 triệu mới hợp lý” - Bà Linh nói.

Đáng chú ý, đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng, Việt Nam nên tạo “vùng trũng” thu hút chất xám, thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển, như vậy thuế suất cao nhất chỉ nên là 25% thay vì 35% như dự thảo.

Kiểm soát thu nhập để tính thuế TNCN: Cách nào?

Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết: “Nếu anh độc thân, có thu nhập 5 triệu đồng/tháng thì chỉ phải đóng thuế thu nhập cá nhân có 50 nghìn đồng/tháng, vì thu nhập chịu thuế chỉ là 1 triệu đồng (sau khi giảm trừ gia cảnh 4 triệu đồng), nhân với thuế suất 5% (hiện hành là 10%).

Nếu anh thu nhập 10 triệu đồng/tháng nhưng phải nuôi 2 người phụ thuộc (con nhỏ chẳng hạn) thì chỉ phải đóng thuế thu nhập có 140 nghìn đồng/tháng; có 3 người phụ thuộc thì chỉ đóng có 60 nghìn đồng. Như vậy,  chỉ thu một phần rất nhỏ trong thu nhập của người dân”.

Ông Ninh cũng nói rõ rằng: Mức 4 triệu đồng là đã căn cứ trên lương tối thiểu và có tính đến trượt giá rồi.

Chính phủ đã có lộ trình tăng lương tối thiểu 20%/ năm, vậy thì đến năm  2010, lương tối thiểu  sẽ  lên gần 1 triệu đồng, với hệ số lương bình quân là 2,34 thì lương bình quân của công chức cũng mới chỉ trên 2 triệu đồng.

Như vậy, những người có thu nhập trung bình trở xuống lúc đó vẫn chưa phải đóng thuế thu nhập cá nhân.

Còn thì đến một lúc nào đó kinh tế phát triển và thu nhập của người dân ngày càng tăng, mức 4 triệu đồng trở thành mức phổ biến, khi đó có thể hạ mức thuế suất khởi điểm từ 5% xuống 2-3% thôi. Và như thế thì mới đúng bản chất của luật  thuế thu nhập cá nhân.

Dự kiến của Bộ Tài chính, với mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân như trong dự thảo Luật TTNCN là 5 triệu đồng/tháng (có giảm trừ gia cảnh và giảm trừ cho người phụ thuộc) thì khi luật có hiệu lưc vào 1/1/2009, sẽ có  khoảng 2,3 triệu người nằm trong diện nộp thuế TNCN.

Khoản thu này vào năm đầu tiên  luật có hiệu lực (dự kiến từ 1/1/2009 nếu luật được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này) ước tính khoảng  13.000 tỷ đồng.

Điều quan trọng nhất là làm sao kiểm soát chính xác đối tượng được giảm trừ gia cảnh.

Theo ông Ninh, việc xác định như thế nào là người phụ thuộc, người phải nuôi dưỡng đã được quy định trong Bộ luật Dân sự và Luật Hôn nhân-Gia đình.

Sau này, khi luật thuế TNCN có hiệu lực thì cá nhân những người nằm trong diện chịu thuế TNCN phải tự kê khai bản thân và thân nhân và được cơ quan thuế  cấp mã số thuế (đã quy định việc này trong Luật quản lý thuế có hiệu lực từ 1/7/2007).

Khi đã có mã số thuế thì việc đối chiếu kiểm soát gia cảnh của mỗi người có khả năng làm được. Một vấn đề khác là, trong số đối tượng chịu thuế TNCN tới đây, có  bộ phận lớn là các hộ kinh doanh cá thể vẫn sử dụng  thanh toán bằng tiền mặt là chính.

Vậy làm thế nào để kiểm soát thu nhập của họ để tính thuế TNCN?

Ông Ninh cho rằng, vẫn có thể sử dụng biện pháp mang tính thủ công là điều tra thu nhập, thống kê thu nhập, yêu cầu kê khai thu nhập. Trên cơ sở đó, sẽ tính ra thu nhập bình quân.

Dự thảo Luật TTNCN dự kiến sẽ được QH thảo luận ở hội trường vào ngày 2/11, sau đó biểu quyết thông qua vào ngày 20/11 tới đây. Chiều cùng ngày, QH đã thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Ohòng, chống các bệnh truyền nhiễm.  

MỚI - NÓNG