Giảm ùn tắc, dân phải chấp nhận những bất hợp lý

Giảm ùn tắc, dân phải chấp nhận những bất hợp lý
Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh, GĐ CA Hà Nội cho rằng, khi triển khai những biện pháp giảm ùn tắc giao thông như: đổi giờ làm việc, cấm xe máy trên một số tuyến đường, người dân phải chấp nhận những mặt trái.
Giảm ùn tắc, dân phải chấp nhận những bất hợp lý ảnh 1
Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh. Ảnh: ĐL

Thưa ông, khi đưa ra kiến nghị bố trí lệnh giờ làm việc tại HN, công an thành phố đã lường ra những bất hợp lý nào có thể gặp phải?

Công an Hà Nội đã kiến nghị UBND thành phố bố trí lệch giờ làm việc các cơ quan hành chính. Theo đó, cơ quan trung ương duy trì làm việc 7h30 sáng và kết thúc 4h30 chiều. Cơ quan thuộc thành phố nên làm từ 8h30 đến 5h30 chiều.

Các cơ sở mang tính chất phục vụ như trường học phổ thông thì phải học theo giờ thành phố, Đại học, Cao đẳng phải học theo giờ trung ương. Lệch pha một giờ sẽ khiến giảm ùn tắc hơn một chút.

Tất nhiên, sẽ có bất cập như bố mẹ làm cơ quan trung ương, con cái học theo giờ thành phố, đây là những mặt trái, không bao giờ có giải pháp giao thông hoàn thiện nên người dân cần chấp nhận.

Trong Nghị quyết 32 của Chính phủ đã cho phép một số tuyến, nút giao thông được cấm các phương tiện giao thông cá nhân. Đây là giải pháp để “gỡ” việc tranh luận việc dừng đăng ký xe máy hay không.

Tới đây thành phố sẽ phải áp dụng tại một số tuyến thường ùn tắc, người dân có quyền sở hữu phương tiện song phải chấp hành tổ chức giao thông của thành phố. Chúng tôi vẫn đang cân nhắc nên cấm đường nào, cấm tuyến nào… đây là một bài toán phải đo đếm kỹ càng, khoa học.

Tại Quốc hội, ông đã kiến nghị Chính phủ có lộ trình phát triển phương tiện cá nhân, đề xuất này cụ thể ra sao?

Kinh nghiệm của nhiều nước là phải hạn chế các phương tiện giao thông cá nhân. Phương tiện công cộng bao giờ cũng chiếm tỉ trọng 70-80%, nhưng ở nước ta hiện nay thì ngược lại, 80% là phương tiện giao thông cá nhân.

Hiện nay có tình trạng là dân cứ có tiền mua ô tô, xe máy đổ xăng là chạy. Như các nước, họ luôn tính toán xem cho tăng trưởng bao nhiêu phương tiện, đồng thời loại bỏ những cái cũ nát, gây ô nhiễm môi trường.

Do vậy, đã đến lúc phải có biện pháp phát triển theo lộ trình, có thể bằng tăng thuế trước bạ. Nhưng tóm lại, cái nào có lợi hơn thì phải làm, có hại nhiều hơn phải tự điều chỉnh.

Về lâu dài, ông thấy giải pháp nào sẽ hữu hiệu cho bài toán giao thông ở các đô thị lớn?

Theo tôi, ùn tắc giao thông vẫn còn là vấn đề bức xúc, khó khăn trong nhiều năm tới. Nếu Chính phủ phấn đấu quyết liệt thì đến 2010 sẽ đỡ phần nào.

Về lâu dài, tôi thấy có 3 giải pháp. Đó là quy hoạch lại giao thông cả nước cũng như các thành phố lớn. Thứ hai, có lộ trình về vấn đề phát triển phương tiện giao thông cá nhân. Thứ ba, tăng phương tiện giao thông công cộng và giảm dần phương tiện giao thông cá nhân.

Bản thân tôi nghiêng về giải pháp thứ hai, vì hạ tầng giao thông nước ta yếu kém, trong khi xây dựng hệ thống tàu điện ngầm tính ra tiêu tốn 100 triệu USD/km, nước nghèo bao giờ cho làm nổi. Nếu xây tàu điện trên cao xuyên tâm sẽ ảnh hưởng phố cổ HN, chưa kể tới ô nhiễm môi trường.

Cá nhân tôi có khuynh hướng là nên giữ thủ đô cũ, phải giảm bớt mật độ dân số, không nên để quá tải (vốn đã quá tải rồi). Nội thành không thể xây quá nhiều tòa nhà như Vincom. Những tòa nhà dạng này phải đưa ra tận Mỹ Đình, Cầu Giấy, Đông Anh, Long Biên.

Sự bất hợp lý trong hạ tầng giao thông cũng như tổ chức phương tiện đã được đề cập nhiều, là người đứng đầu cơ quan có trách nhiệm điều phối lưu thông, ông nghĩ gì về trách nhiệm của công an thành phố?

Hiện nay thì cũng có quy hoạch nhưng là mang tính chắp vá và không đầy đủ. Ví dụ như ở Hà Nội, quy hoạch cho giao thông tĩnh gần như không có. Chẳng hạn như xây nhà cao tầng là phải có tầng hầm để xe, không thể để xe ra ngoài đường, đó là chỗ cho giao thông công cộng. Bây giờ xe đều đỗ ở ngoài đường nên chiếm hết mặt đường.

Quy hoạch chung về giao thông đô thị cũng không hợp lý. Ví dụ như ở nước ngoài thì không bao giờ cho bán hàng trên vỉa hè. Vỉa hè cũng là hạ tầng giao thông, là của người đi bộ. Nhưng ở mình thì vỉa hè là để bán hàng, để xe máy nên người đi bộ phải xuống lòng đường, như thế là vi phạm giao thông và dễ xảy ra tai nạn.

Hay nước ngoài thường có quy hoạch đường đi bộ ngầm dưới đất, hoặc vượt lên trên tại các nút giao thông quan trọng. Còn ở ta thì làm rất chậm, Hà Nội mới được một, hai cái.

Toàn bộ những quy hoạch và kết cấu hạ tầng giao thông nhìn chung là chậm. Tất nhiên là nếu đi sâu và thì có nhiều nguyên nhân như cơ chế, thiếu vốn...

Có đại biểu Quốc hội cũng nêu ý kiến là xử lý người vi phạm qua hệ thống camera. Nhưng mỗi camera bây giờ có giá 2,5 tỷ, muốn giám sát được giao thông cần vài trăm cái camera.

Tất nhiên, số tiền đó chi cho thủ đô không phải là lớn nhưng nó thể hiện sự quan tâm. Công an muốn lắp đặt cũng không được, cơ chế cấp kinh phí rất phức tạp, rồi đấu thầu hàng năm.

Những vấn đề hạ tầng, quy hoạch và giao thông là những vấn đề rất quan trọng, mình ngành giao thông và Công an thì không làm được.

Theo Đoàn Loan
Vnexpress

MỚI - NÓNG