Gian lận điểm thi THPT quốc gia: Trách nhiệm thuộc về ai?

TPO - Có đại biểu cho rằng, vai trò của gia đình trong vụ gian lận điểm thi “cần phải được suy xét đến tận cùng”; nhưng cũng có đại biểu nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương nơi xảy ra sai phạm.
Gian lận điểm thi THPT quốc gia: Trách nhiệm thuộc về ai? ảnh 1

Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân. Ảnh Như Ý

Phát biểu tại phiên thảo luận về Luật Giáo dục sửa đổi sáng 21/5, đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng, sự kết nối của gia đình, nhà trường và xã hội hình thành phẩm chất đạo đức công dân. Như vậy, gia đình phải cùng với nhà trường chịu trách nhiệm về kết quả học tập của con em mình.

“Thời gian qua, gia đình, xã hội đã toàn tâm toàn ý với giáo dục hay chưa? Khi những tiêu cực trong thi cử bị phát hiện trong thời gian qua đã đặt giáo dục trong tâm điểm của dư luận suốt thời gian dài và chưa dừng lại”.

Ông Nhân đặt vấn đề, và cho rằng vai trò của gia đình trong việc này “cần phải được suy xét đến tận cùng”. Theo ông, cái sai của người lớn trong gia đình lẫn xã hội không chỉ là hệ luỵ quá lớn cho giáo dục mà còn góp phần nhào nặn nên nhân cách của con em mình.

“Cha mẹ và người giám hộ đã tạo điều kiện cho con em hoàn thành chương trình giáo dục bắt buộc theo quy định, nhưng việc này lại được tiến hành theo một cách thức phi giáo dục. Như vậy gia đình ở khía cạnh này có phải là thành trì để bảo vệ các em khỏi cái xấu trong xã hội hay là nơi khởi phát giá trị lệch lạc?

Có thể ví dụ trên chỉ là thiểu số nhưng hiện nay nhiều gia đình vẫn "khoán trắng" trách nhiệm giáo dục cho nhà trường, trong khi chưa chú trọng việc tu thân tề gia, xây dựng và gìn giữ cách cư xử với các thành viên trong gia đình. Do đó việc hành xử thiếu quy chuẩn của trẻ con sẽ rất bất công nếu đổ hết trách nhiệm cho nhà trường và ngành giáo dục về các hành vi xấu, thiếu chuẩn mực của các em cho nhà trường”, ông Nhân cho hay.

Đại biểu đoàn Bình Dương nói thêm, xét ở khía cạnh xã hội đã thực sự xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh. Sức đề kháng của trẻ em đối với thói hư tật xấu còn yếu ớt, trong khi những hành vi lệch chuẩn giữa con người với nhau xảy ra hàng ngày, hàng giờ trong mỗi ngóc ngách, thậm chí ngôi nhà của các em.

“Có một câu hỏi đặt ra là tại sao ngày càng nhiều gia đình văn hoá nhưng các hành vi lệch chuẩn phi giáo dục lại ngày càng bén rễ trong cuộc sống? Bệ đỡ từ gia đình và xã hội chưa thể hiện hết trách nhiệm vì một mình nhà trường không đủ sức gồng gánh cho sự nghiệp giáo dục đào tạo nguồn nhân lực”, ông Nhân nhấn mạnh.

Gian lận điểm thi THPT quốc gia: Trách nhiệm thuộc về ai? ảnh 3 ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền. Ảnh Như Ý

Bên lề kỳ họp này, trao đổi với PV liên quan đến vấn đề trách nhiệm trong vụ gian lận thi vừa qua, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) cho rằng, sai phạm gian lận điểm thi vừa qua xảy ra ở địa phương, thì trách nhiệm thuộc về người đứng đầu, phải nhìn nhận đầu tiên. Tuy nhiên hiện nay suy nghĩ, tư duy và hành động của người đứng đầu chưa rõ nét. Muốn lấy lại niềm tin của người dân về giáo dục, không chỉ cấp Bộ mà còn phải ở địa phương.

Việc xử lý trách nhiệm đứng đầu, qua tiếp xúc cử tri, đại biểu Hiền cho biết, người dân không muốn nhắc tới quy trình, vì nói tới quy trình thì sẽ không biết kéo dài tới bao lâu. Kể từ khi vụ gian lận thi cử đến nay đã gần một năm trôi qua, đã cận kề kỳ thi tiếp theo nhưng vụ việc vẫn chưa rõ ràng. Rất mong cơ quan chức năng trả lời ngay với cử tri và nhân dân cả nước về trách nhiệm người đứng đầu trong vụ việc này.

“Hơn ai hết, những người lãnh đạo gắn trách nhiệm của mình với các sai phạm phải nhận thấy điều đó. Đã ở vị trí, vai trò lãnh đạo, đầu tàu rồi thì đâu cần phải để người dân nhắc? Nếu mình không nhận thấy điều đó thì thôi, để người khác làm”, bà Hiền cho hay.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.