Gian lận thi cử 2018: Trách nhiệm chính quyền địa phương ở đâu?

Gian lận thi cử 2018: Trách nhiệm chính quyền địa phương ở đâu?
TP - Trao đổi với Tiền Phong bên lề kỳ họp ngày 21/5, đại biểu Quốc hội đề nghị cơ quan chức năng trả lời ngay với cử tri và nhân dân cả nước về trách nhiệm liên quan đến vụ gian lận điểm thi, trước hết là trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương.

ĐBQH Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng):

Trách nhiệm trước hết thuộc chính quyền địa phương

Gian lận thi cử 2018: Trách nhiệm chính quyền địa phương ở đâu? ảnh 1 ĐBQH Nguyễn Bá Sơn 

Trong vụ gian lận điểm thi, khi nói về trách nhiệm phải căn cứ vào luật. Vậy thì Bộ GD&ĐT nói riêng và các bộ nói chung nằm ở vị trí nào? Chính quyền nằm ở vị trí nào? Để từ đó phân ra trách nhiệm thuộc về ai.

Bộ GD&ĐT nghiên cứu chính sách, ban hành chính sách trong phạm vi thẩm quyền của mình, tham mưu chính sách cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Bộ chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện, còn UBND địa phương là cấp tổ chức triển khai thực hiện trực tiếp các chính sách được ban hành.

Bây giờ nhìn lại, chúng ta có thói quen như một trào lưu. Tôi nghĩ chúng ta cần công bằng hơn, không phải cái gì cũng đổ lỗi cho Bộ GD&ĐT. Các trường hợp vi phạm trong gian lận thi cử vừa qua xảy ra ở đâu? Những trường hợp đó là quan chức, dù ở những cấp khác nhau nhưng đều là cấp địa phương, con người của địa phương, do địa phương bổ nhiệm, do địa phương đào tạo. Những trường hợp vi phạm pháp luật ấy, trước hết trách nhiệm phải thuộc về chính quyền địa phương, chứ không thể đổ cho Bộ được?!

Tất nhiên, Bộ có thể thiếu sót ở chỗ này, chỗ kia trong vụ gian lận thi cử vừa qua, nên cần phải rà soát lại. Còn cái gì của địa phương thì phải chỉ ra, do chính quyền địa phương.

ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên):

Bộ GD&ÐT cần có báo cáo giải trình

Gian lận thi cử 2018: Trách nhiệm chính quyền địa phương ở đâu? ảnh 2 ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền

Sai phạm gian lận điểm thi vừa qua xảy ra ở địa phương, thì trách nhiệm thuộc về người đứng đầu địa phương, phải nhìn nhận đầu tiên. Tuy nhiên hiện nay suy nghĩ, tư duy và hành động của người đứng đầu chưa rõ nét. Muốn lấy lại niềm tin của người dân về giáo dục, không chỉ cấp Bộ mà còn phải ở địa phương.

Kể từ khi vụ gian lận thi cử xảy ra đến nay đã gần một năm trôi qua, đã cận kề kỳ thi tiếp theo nhưng vụ việc vẫn chưa rõ ràng. Rất mong cơ quan chức năng trả lời ngay với cử tri và nhân dân cả nước về trách nhiệm người đứng đầu trong các vụ việc này. Hơn ai hết, những người lãnh đạo gắn trách nhiệm của mình với các sai phạm phải nhận thấy điều đó.

Theo tôi, Bộ GD&ĐT cũng cần có báo cáo giải trình riêng về nội dung liên quan đến gian lận thi cử trước Quốc hội. Trong đó nêu rõ quan điểm, phản ánh đầy đủ thông tin và trung thực các vụ việc đã xảy ra, nhất là những vấn đề đang còn tồn tại trong quy chế kỳ thi cấp quốc gia, trong cách thức tổ chức, thực hiện; đánh giá khách quan hiện trạng năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên hiện nay như thế nào; trách nhiệm của người đứng đầu ở địa phương và của ngành trong các vụ bê bối đã xảy ra vừa qua…

ĐBQH Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa):

Ba chủ thể phải chịu trách nhiệm

Gian lận thi cử 2018: Trách nhiệm chính quyền địa phương ở đâu? ảnh 3 ĐBQH Bùi Sỹ Lợi 

Theo tôi, có 3 chủ thể phải chịu trách nhiệm về vụ việc gian lận thi cử vừa qua. Một là học sinh và cha mẹ học sinh. Cha mẹ biết rõ năng lực của con nhưng vì muốn cho con thi đậu nên đã tìm cách “chạy chọt” cho con mình. Thứ hai là nhà trường và giáo viên. Nếu gia đình có nguyện vọng đề xuất việc “chạy chọt”, nhưng giáo viên không đồng lõa thì sẽ không xảy ra vụ việc gian lận như vừa qua.

Thứ ba là trách nhiệm của địa phương, cơ quan quản lý giáo dục. Địa phương phải vào cuộc để tổ chức tốt kỳ thi, tạo sự khách quan, công bằng. Khi phát hiện các trường hợp gian lận, các cháu đương nhiên bị đuổi khỏi trường. Nhưng quan trọng hơn là phải tạo cơ hội cho các cháu có số điểm cận kề, như vậy mới là sự công bằng xã hội và công bằng trong giáo dục. Cũng phải nhìn nhận rằng, đối với vụ việc gian lận thi cử vừa qua, nếu chúng ta đổ hết cho ngành giáo dục thì oan cho giáo dục. Thử hỏi, ngành giáo dục có ông Bộ trưởng nào, ông Hiệu trưởng bảo là phải nâng điểm đâu?

Vụ việc gian lận thi cử ở ba địa phương diễn ra từ năm 2018, việc xử lý, trong đó có một điểm chưa kết luận được là chậm, trong khi đã sắp đến mùa thi mới rồi. Ở đây chúng ta phải làm rõ để rút kinh nghiệm. Trong việc này, theo tôi không cần phải bí mật, mà cần phải công khai, minh bạch để các em học sinh thấy rõ rằng, các em cần có lòng tự trọng trong quá trình học tập. Đây chính là triết lý để dạy học sinh, tạo cho các em sự tự trọng.  

MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.