Trở lại bài báo <A href="http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=153000&amp;ChannelID=15" location="yes" statusbar="yes" menubar="yes" scrollbars="yes" titlebar="yes" toolbar="yes" resizable="yes">'Hai người chung một bóng'</A>:

Giận mà thương

Giận mà thương
TP - Câu chuyện người phụ nữ nhỏ bé chân trần ngày ngày cõng người đàn ông tàn phế rong ruổi dặm trường, được mô tả trong phóng sự trên Tiền Phong mới đây, đã khiến nhiều độc giả xúc động, ra tay giúp đỡ. Tuy nhiên, có những thông tin trong bài viết cần được nêu lại chính xác.

>> Hai người chung một bóng

Giận mà thương ảnh 1
Chị Tuyết và anh Thạnh đến Tòa soạn Báo Tiền Phong xin lỗi độc giả

Họ là vợ chồng

Báo Tiền Phong xin lỗi độc giả vì thiếu kiểm chứng đến tận cùng nên đã để lọt những thông tin không đúng sự thật. Đây là một kinh nghiệm thực sự quý báu, đừng bao giờ để mất lòng tin của bạn đọc trong quá trình tác nghiệp. Mong bạn đọc gần xa lượng thứ.

Sau khi Tiền Phong đăng bài viết về hoàn cảnh thương tâm của anh Thạnh chị Tuyết, nhiều bạn đọc trong và ngoài nước đã viết thư, gọi điện về tòa soạn, mong muốn được giúp đỡ hai con người bất hạnh.

Tuy nhiên, có bạn đọc ở quê anh Thạnh cũng nhanh chóng cho biết một số chi tiết trong bài không đúng thực tế, nhất là chuyện chị Tuyết không phải em gái, mà chính là vợ anh Thạnh.

PV Tiền Phong và tác giả bài viết- cộng tác viên Hữu Huân - về lại quê anh Thạnh chị Tuyết. Vừa vào tới mảnh sân hẹp ngôi nhà nằm ở bìa làng, chúng tôi may mắn gặp ngay chị Tuyết. Chị vừa đưa anh Thạnh sang Phủ Giầy, để anh ở lại với chiếc mũ cối lật ngửa, chờ mong những đồng lẻ của khách đi hội Xuân.

Căn nhà cấp bốn không lấy gì làm rộng nhưng sạch sẽ. Rải chiếu mời khách ngồi, chị Tuyết ngượng nghịu thú nhận: “Thưa các bác, đúng anh Thạnh là chồng chứ không phải anh trai em.

Em đã nói dối chú Huân đây. Em ân hận lắm”. Nước mắt chảy nhòe khuôn mặt sạm đen bởi nắng gió tháng ngày dặm trường cuốc bộ cõng chồng.

Anh chị thành vợ chồng từ năm 1988. Khi ấy, anh chưa bị căn bệnh quái ác hành hạ. Đang là chàng thợ mộc nổi tiếng khéo tay. Ruộng nhà ít, chị đi cấy thuê khắp mấy xã, có mùa chị cấy hơn bốn mẫu ruộng.

...Sau khi chị sinh cháu gái đầu lòng, anh Thạnh bỗng đổ bệnh, đầu ngón tay anh tím như quả mùng tơi, gãi vào da bong ra không liền lại được. Người làng sợ hãi đồn anh bị hủi. Anh sang hàng xóm xem nhờ ti vi, người ta tắt. Gặp anh ngoài ngõ, người ta lánh mặt.

Anh mua thuốc kháng sinh tự uống, bệnh không khỏi, mỗi ngày một nặng. Chị đưa anh đi khám bệnh viện. Bác sỹ bảo anh bị viêm tắc tĩnh mạch, không chữa khỏi hẳn được, máu tắc đến đâu thì tháo khớp đến đó.

Thoạt đầu bác sỹ tháo khớp ngón tay, ngón chân anh. Anh đành vĩnh biệt cái cưa, cái đục, bắt đầu thành người ăn bám vợ. Bệnh nặng hơn, bác sỹ tháo đến đùi trái, tháo sang gối phải, hai bàn tay thì cụt hết ngón.

Sinh hoạt cá nhân anh cũng không tự làm được nữa. Hai con lớn của anh chị bỏ học khi chưa hết cấp hai, đứa lớn đi làm may, cậu em học nghề mộc, cả nhà quyết chạy chữa cho anh.

Cóp lại khi vài trăm ngàn, khi một triệu đồng, chị lại cõng anh lên xe ca tới bệnh viện ở Hà Nội, Thái Bình, Nam Định. Bác sỹ vẫn lắc đầu. Lại tháo khớp dần. Lo cái ăn cái mặc cho cả nhà còn khó khăn, lấy đâu ra tiền để chi phí bệnh viện.

Chị xắn cao ống quần, xốc anh lên lưng, bắt đầu những tháng ngày “hai người chung một bóng”. Chị cõng anh đi khắp xã, huyện, rồi ra thành phố. Dấu chân người đàn bà tội nghiệp có lẽ đã in khắp các hè phố vùng Bắc Bộ.

Giận mà thương ảnh 2
Lắng nghe và cảm thông (người ngồi ngoài cùng bên phải là tác giả Hữu Huân)

Đừng sợ bị bỏ rơi!

Ông Chủ tịch Xã Yên Mỹ cho các PV biết, sau khi Tiền Phong đăng bài về hoàn cảnh anh Thạnh chị Tuyết, một số người hảo tâm đã tìm về địa phương.

Gặp gỡ chính quyền, họ được biết sự thật chị Tuyết không phải là em gái anh Thạnh, không phải chị chấp nhận không lấy chồng để có điều kiện chăm sóc anh trai, có người đã thay đổi ý định, không vào gặp gia đình anh chị nữa mà bỏ về luôn.

“Hôm qua em vừa đi xưng tội với Cha (chị Tuyết và anh Thạnh đều theo đạo Thiên Chúa giáo), em nói đã làm việc không tốt, đã nói dối. Đức Cha nói, từ nay con đừng nói dối mà cứ nói thật, không ai bỏ rơi vợ chồng con đâu”.

Chính quyền và các tổ chức đoàn thể địa phương không bỏ rơi gia đình anh chị. Dăm năm qua, Hội Chữ thập đỏ Huyện Ý Yên vẫn trợ giúp đều đặn cho anh chị 80.000 đồng/tháng.

Mới đây, Phòng LĐ-TB&XH huyện xếp nhà chị vào diện đặc biệt nghèo, trợ cấp cho anh chị 240.000 đồng/tháng. Hội Phụ nữ xã vẫn đến thăm hỏi, tặng quà những dịp lễ tết. Con trai út của anh chị đang học lớp 7, được nhà trường miễn học phí, lại được thầy cô mua tặng sách vở mỗi dịp khai giảng.

Ngôi nhà của anh chị xây được là nhờ họ hàng nội ngoại góp sức, chính quyền xã trợ giúp hai triệu đồng, nhà thờ, Hội Phụ nữ cũng góp thêm. Chị Tuyết khoe, sau khi báo đăng, có một phụ nữ ở nước ngoài gọi điện về hỏi thăm, gửi tặng chị 200USD, nói rõ chị phải mua cho anh chiếc xe lăn, rồi chụp ảnh anh ngồi trên xe để người phụ nữ tốt bụng ấy được biết.

Có bạn đọc gọi điện đến toà soạn báo Tiền Phong bày tỏ mong muốn giúp đỡ anh Thạnh chị Tuyết, sau khi được thông báo rõ ràng “họ không phải anh em mà là vợ chồng”, bạn đọc ấy khẳng định “Không sao, tôi vẫn muốn giúp đỡ họ”.

Qua câu chuyện với chị Tuyết, chúng tôi nhận thấy việc chị nói dối tác giả Hữu Huân quả là đáng trách, nhưng rốt cục thì vẫn là đáng thương. Khi mà công việc ngày qua ngày của anh chị chỉ là đi khắp thôn quê thành phố, chờ đón những sự giúp đỡ của người đời.

Riêng ở chị Tuyết, chúng tôi còn nhận ra dường như có chuyện gì đó không ổn. Có lẽ nếu có điều kiện, chính chị cũng cần được chữa trị bởi một bác sỹ tâm lý.

Không chỉ phải chịu đựng sức nặng của người chồng đè trĩu đôi vai, mỗi lần đưa anh Thạnh đến bệnh viện, có lẽ chị Tuyết cũng phải chịu những lo lắng và cả những đau đớn về tinh thần vượt quá sức chịu đựng.

Chúng tôi nhận ra chị Tuyết bị ám ảnh bởi một ý nghĩ là chị sẽ không còn đủ sức khoẻ, có thể chị sẽ đổ bệnh và ra đi trước anh Thạnh, khi đó không biết anh sẽ sống tiếp như thế nào.

Những nỗi khổ cực, những sự đau khổ dằn vặt kéo dài đã dẫn đến hậu quả nào đó, trong câu chuyện với chúng tôi, nhắc đến các sự kiện trong quá khứ, chị Tuyết lẫn lộn, mất khái niệm về ngày tháng...

“Vợ chồng tôi xin lỗi độc giả báo Tiền Phong”

“Tôi là vợ chứ không phải là em gái anh Thạnh. Vợ chồng tôi xin lỗi báo Tiền Phong và độc giả...”. Sau khi tiếp các phóng viên tại nhà, chị Tuyết cùng anh Thạnh tìm đến tòa soạn báo Tiền Phong để trao tận tay Tổng Biên tập một lá thư mà chị nhờ cậu con út viết giùm, trong đó có lời xin lỗi trên đây.

Đi cùng vợ chồng chị là bạn trẻ Hữu Huân, tác giả bài “Hai người chung một bóng”. Huân kín đáo chùi mắt khi thấy chị Tuyết khóc, “Em xem đây là bài học không thể quên.

Việc thiếu thẩm tra, xác minh thông tin đã khiến cho bài báo gây ít nhiều phản cảm, bất lợi cho chính anh Thạnh chị Tuyết, những người mà khi viết em thực tâm muốn giúp đỡ họ”.

Vơi nhẹ nỗi lòng sau khi nói lời xin lỗi, anh Thạnh chị Tuyết ra về. Gắng sức nén từng bước chân trần, chị cõng anh trèo từng bậc thang của tòa soạn báo. Nhiều bàn tay của phóng viên tòa soạn cùng xúm lại giúp chị nâng anh lên...

MỚI - NÓNG