Gian nan đường vào bản “ngủ ngồi”

Đường vào vùng lõi vườn Quốc gia Pù Mát - nơi sinh sống của người Đan Lai phải vượt qua những cung đèo quanh co, dốc đứng.
Đường vào vùng lõi vườn Quốc gia Pù Mát - nơi sinh sống của người Đan Lai phải vượt qua những cung đèo quanh co, dốc đứng.
Xe máy ì ì leo dốc rồi đột ngột “âm côn” thả xuống chân đèo. Đường vào bản của người Đan Lai như đi trên mây. Khách cảm nhận hết mọi cung bậc cảm xúc khi băng đèo, lội suối, lắm lúc chỉ dám nhắm tịt mắt lại, phó thác tính mạng cho người cầm lái.

Sau nhiều lần lỡ hẹn tôi cũng được tổ công tác Đội quản lý hành chính Công an huyện Con Cuông (Nghệ An) cho đi cùng vào Khe Khặng, thuộc vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, nơi sinh sống của đồng bào Đan Lai. Dù trung sỹ Nguyễn Cảnh Thưởng cảnh báo “đường cực kỳ khó đi’’ nhưng tôi vẫn không mường tượng nổi chặng đường dài hơn 30km từ trung tâm xã Môn Sơn vào bản “ngủ ngồi” lại gian nan đến vậy.

Đan Lai là một nhóm người nhỏ sinh sống chủ yếu trong rừng sâu thuộc vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát. Chuyện kể rằng, bạo chúa Hoa Quân yêu cầu dòng họ Lê ở làng Đan Nhiệm (Thanh Chương, Nghệ An) kiếm 100 cây nứa bằng vàng và một con thuyền liền mái. Nếu không tìm được cả họ phải chịu tội. 100 cây nứa bằng vàng, 1 con thuyền liền mái là điều không tưởng đối với dòng họ Lê này.

Sợ bị giết, đoàn người họ Lê bồng bế nhau chạy trốn vào rừng sâu và hình thành một tộc người mới – tộc người Đan Lai. Do quá trình chạy trốn bạo chúa nên người Đan Lai phải ngủ ngồi, tay đỡ lấy trán hoặc sử dụng cây chàm ngam đỡ dưới cổ để khỏi ngã, bởi vậy người Đan Lai còn được gọi là “tộc người ngủ ngồi” hoặc “ngủ chạng”.

Người Đan Lai ở xã Môn Sơn (Con Cuông, Nghệ An) tập trung tại các bản Khe Búng, Cò Phạt, Bản Cồn và một vài điểm bản lẻ bên cạnh dòng Khe Khặng – một nhánh của dòng sông Giăng. Từ trung tâm xã Môn Sơn vào bản xa nhất (bản Khe Búng) khoảng hơn 30km đường chim bay.

Gian nan đường vào bản “ngủ ngồi” ảnh 1

Một góc bản lẻ của người Đan Lai trong ánh chiều tà.

Thượng úy Ngân Văn Vinh – Đội quản lý hành chính Công an huyện Con Cuông, người bản Nam Sơn (xã Môn Sơn) là người to khỏe nhất tổ, lại là dân bản địa nên được phân công chở tôi. Thiếu úy Nguyễn Quang Liêng, trung sỹ Nguyễn Cảnh Thưởng và công an viên xã Môn Sơn Vi Viết Trại có nhiệm vụ chở theo lương thực, tài liệu, giấy tờ vào bản để làm chứng minh thư cho người dân.

Qua khỏi cầu treo sông Giăng 1, chúng tôi bắt đầu hành trình để vào với đồng bào Đan Lai. 4 chiếc xe máy bắt đầu những đợt leo dốc, đổ đèo liên tiếp nhau. “Đây là con đường tuần tra của lực lượng kiểm lâm Vườn quốc gia Pù Mát mới mở được gần chục năm thôi. Trước chưa có đường, chúng tôi phải đi bộ hoặc thuê thuyền men theo dòng nước sông Giăng, Khe Khặng để đi”, anh Vinh cho biết.

Gian nan đường vào bản “ngủ ngồi” ảnh 2

Con đường đất đầy sống trâu thách thức bất kỳ tay lái nào.

Con đường ngoằn nghèo, nhìn từ trên cao xuống tôi đã thấy ngợp khi bóng người phía dưới chân đèo chỉ nhỏ xíu như cái chấm giữa mênh mông rừng núi. Anh Vinh cười bảo nếu đường này được đầu tư để làm đường đua công thức 1 thì biết đâu, đây sẽ là cơ hội để rút ngắn khoảng cách của người Đan Lai với bên ngoài hay chí ít cũng giúp Môn Sơn phát triển kinh tế dịch vụ phục vụ đoàn đua.

Gian nan đường vào bản “ngủ ngồi” ảnh 3

Chỉ những chiếc xe có máy thật khỏe mới dám vượt khe để vào Khe Khặng.

Nhìn con đường ngoằn ngoèo như sợi chỉ vắt từ quả đồi này qua quả đồi khác, uốn lượn, gấp khúc như sợi dây rừng rõ ràng là lợi thế để hình thành một đường đua mạo hiểm. Nếu con đường này được đầu tư như anh Vinh nói thì biết đâu, đồng bào nơi đây sẽ trở thành những tay đua cừ khôi chẳng kém bất cứ một tay đua chuyên nghiệp nào.

Đoàn xe 4 chiếc, lúc leo dốc chỉ nghe tiếng động cơ ì ì, anh Vinh liên tục đổi từ số 2 sang số 1 để xe đi lên. Chiếc xe “bò” được lên đỉnh dốc thì được tắt máy để “trôi” xuống. Thiếu úy Nguyễn Quang Liêng cười: “Tắt máy cho đỡ tốn xăng. Chân rà phanh nếu không muốn phi xuống vực. Lên dốc không nguy hiểm bằng xuống dốc. Xe trước và xe sau phải giữ một khoảng cách nhất định để không may có sự cố không bị đâm nhèo vào nhau. Chị đi chuyến này là may đấy. Hôm qua có mưa nhưng không đáng kể, đường chỉ ướt chứ không sục quánh như lần trước tổ công tác vào”.

Tôi ngồi trên xe, thỉnh thoảng phải nhắm tịt cả mắt vì cảm giấc bị “hẫng” khi xe đổ đèo. Gặp những con dốc cao quá, tôi phải xuống cuốc bộ để anh Vinh đi xe một mình. Đến dốc Cây Kè (bản Cò Phạt) xe đổ đèo. Nhìn con dốc hun hút, hằn đầy vệt bánh xe tôi đành lựa chọn phương án men theo vách núi để đi bộ xuống. “Lần trước, 3 anh em vào đây trúng ngày mưa, dốc này xe không chạy được. Anh em phải dùng gậy thọc qua xe để đẩy lên dốc. Ì ạch hơn 1 tiếng đồng hồ mới qua được dốc này”, trung sỹ Nguyễn Cảnh Thưởng kể.

Qua bản Cò Phạt, anh Vinh quyết định đi bộ. Từ đây vào bản Khe Búng phải lội qua 5 con khe, sợ xe không qua được. Thưởng và Liêng dồn tài liệu qua một xe, quyết định vượt khe. Liêng vác ba lô giấy tờ lên vai, lội qua khe trước. Thưởng rồ ga phi qua khe nước ngang bắp đùi. Chiếc xe lao xuống, ống xả sôi lên ùng ục, xe bị nước cuốn đi, Thưởng dùng cả hai chân “bơi” cùng xe, bị đẩy xuống một quãng mới sang được bờ bên kia. Chúng tôi chính thức chia làm 2 đoàn. Tôi, anh Vinh và Trại đi bộ.

Gian nan đường vào bản “ngủ ngồi” ảnh 4

Con đường quanh co men theo dòng Khe Khặng lổn nhổn đất đá.

Ba anh em ba lô vác vai, bắt đầu cuộc hành quân. Tôi tháo giày lội suối, anh Vinh và Trại phải thay nhau làm cọc tiêu cho tôi bám để khỏi bị nước tống đi. Nước Khe Khặng mùa khô, chỉ ngang bắp đùi nhưng chảy xiết, thỉnh thoảng bị người dân chặn lại để đặt tua pin phát điện. 3 cây số đường rừng, hết lội suối, xuyên qua bản làng rồi lại men theo khe. Tôi tháo giày cầm tay, chân buốt nhói vì đá cuội, vì nắng nóng.

Tôi trầy trật từng bước khiến hành trình của 3 anh em chậm hơn dự kiến. Trại cởi quần dài vắt lên vai, bận quần đùi lội. Anh Vinh kinh nghiệm hơn, mặc quần sóoc còn tôi ướt nhẹp lếch thếch vùa đi vừa chạy theo, thỉnh thoảng hai người phải đứng lại chờ.

10h trưa, chúng tôi với vào đến nơi. Làm việc cật lực, 2h30 chiều mới kịp ăn rồi lại làm việc. 5h30 hành quân ra bản Cò Phạt để sáng mai kịp cấp giấy CMTND cho đồng bào. Rừng sẫm màu rồi tối hẳn, ba anh em mồm miệng thi nhau thở. Bóng tối đặc quánh bao quanh, tôi không bước nổi, Trại phải mang hộ ba lô. Tôi nhặt một cây gậy ven đường để chống. Hành trình lại tiếp tục với việc leo dốc, đổ đèo, lội suối.

Lắm lúc tôi muốn dừng lại, muốn bỏ cuộc nhưng bóng tối đặc quánh, tiếng thú rừng, tiếng chim tắc tắc vang lên nghe rợn người. “Nếu không cố, không ra được bản Cò Phạt thì phải ngủ giữa rừng, chỉ tổ làm mồi cho vắt và mằn hăn (một loại muỗi) thôi”, Trại bảo. Tôi chống gậy lê đôi chân mỏi nhừ, đau nhức bước từng bước khó nhọc. Gần 8h tối, 3 anh em mới ra đến Cò Phạt.

Ăn vội bát cơm các anh kiểm lâm chuẩn bị, tôi nằm vật ra giường. Đêm Cò Phạt chập chờn ánh điện tua pin, chỉ có chiếc đài bán dẫn nối chúng tôi với thế giới bên ngoài. Giấc ngủ mê mệt kéo đến. Đêm đầu tiên với đồng bào Đan Lai không phải ngủ ngồi…

Theo Theo Dân trí
MỚI - NÓNG