Gian nan nghề làm lu

TP - Buổi chiều Tương Bình Hiệp mùa mưa, mọi thứ nghiêng ngả trong cơn gió lốc, đường sá vắng tanh. Người thợ già cặm cụi nhen những bếp lò cho mẻ lu dậy mùi đất non, những mái nhà đen đúa của tháng năm như muốn sập xuống bất kỳ lúc nào.
Gian nan nghề làm lu ảnh 1

Chiều làng lu. Ảnh: T.N.A 

Ngọc, hơn 30 tuổi, ngụ tại phường Tương Bình Hiệp, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, nói “Nghề làm lu cực quá, cả lò giờ đếm tới đếm lui cũng chỉ còn bốn người đàn bà”. Chồng Ngọc trước làm công trong lò lu cả chục năm trời quấn quýt bên vợ, giờ anh chê nghề làm lu vất quá mà không có ăn, bỏ đi lái xe chở hàng. “Nghề của làng em, không biết có từ bao giờ! Từ thủa con gái đến bây giờ em chỉ biết làm lu”. Ngọc lấy đất sét được chở về từ mạn Tân Uyên, đất đỏ dẻo dính mịn như món quà thiên nhiên trao tặng để làm nắp lu. Mỗi ngày Ngọc làm hơn trăm cái nắp, cái khuôn to như cái mâm, nhào đất, miết bằng tay, vào nắp đều như máy. Những dấu vân tay của cô lặn vào trong nắp lu.

Đất được chở về làng bằng ghe, được đưa vào một cái kho và cất giữ như báu vật. Người chủ lò bảo: “Chúng tôi không tính xem mỗi năm thu được bao nhiêu tiền, chỉ tính sau một năm, khi ăn Tết, mua trữ được bao nhiêu đất. Có kho đất đủ lớn rồi, sang năm không lo lắng gì”. Mỗi xe đất sét 6 khối thời giá là 2,2 triệu đồng. Tuấn, cán bộ xã phụ trách nghề lu bảo: “Thật may, đất vẫn còn”.

Nhờ đất đai quê hương mà dân ta có nghề làm lu. Bình Dương nổi tiếng nghề gốm, nhưng nhiều làng làm gốm là của người Hoa. Riêng lò làm lu phường Tương Bình Hiệp (Thủ Dầu Một) là nghề của người Việt. Dấu vết khoa học kỹ thuật không hiện diện nơi đây. Tất cả các công đoạn làm bằng tay, thô mộc và sản phẩm đủ loại theo nhu cầu người tiêu dùng. Tuấn nói những thông tin báo chí bảo nghề này gốc gác của người Hoa (có thông tin nói là của người Phúc Kiến) là không đúng. “Lò lu được công nhận di tích lịch sử của ông Tám Giang là người Việt, ông ấy tên Bùi Văn Giang. Lò lu mấy trăm năm rồi” - Tuấn khẳng định như vậy. Chị Đỗ Thị Hương, một chủ lò lu lớn trong làng, kể: “Nghề làm lu của người Việt. Tôi học nghề từ bố tôi, bố tôi học nghề từ người làng. Gốm của người Hoa cầu kỳ và mỹ thuật hơn, chủ yếu họ làm gốm trang trí, mỹ thuật, giá thành cao, gốm của ta phục vụ dân sinh nên giá rẻ, được làm dày dặn, chắc chắn”. 

“Năm ngoái mỗi tháng chúng tôi bán được một ngàn cái lu, năm nay chỉ bán được nửa số ấy. Nay người ta làm lu bằng nhựa nhiều”.

Chị Hương, chủ một lò lu ở Tương Bình Hiệp, Thủ Dầu Một, Bình Dương
Tôi đã đi công tác nhiều nơi, thường thấy trong nhà người Việt có những cái lu, cái vại, cái hũ. Cái nhỏ đựng đậu, đựng mắm, cái lớn đựng lúa gạo, dùng muối cà, làm tương. Đồ gốm thời Lý Trần nổi tiếng, anh Linh họa sĩ ở Hà Nội bỏ nhiều năm sưu tầm gốm Lý Trần trưng bày khắp trong nhà như một bảo tàng vàng rực. Lên Phú Thọ, khu đất gần đền Hùng, có làng gốm Phùng Nguyên, những đường cày trồng ngô còn bật ra các mảnh gốm vỡ Phùng Nguyên niên đại khoảng 4.000 năm, mốc thời gian hình thành nhà nước Văn Lang.
Gian nan nghề làm lu ảnh 2 Trong lò 
Nhưng chưa bao giờ thấy những cái lu lớn như ở Tương Bình Hiệp. “Một trong những khó khăn khiến cho làng nghề này khó phát triển được là lu chúng tôi to quá” - người Tương Bình Hiệp than thở. Chở bằng ghe chẳng được mấy cái, lại phụ thuộc con nước, chở bằng xe thì quá tải. Ngọc nói rằng người làng không đo thể tích của lu do nó chỗ phình chỗ bóp, cứ tính ra mỗi lu phải đựng được 12 thùng nước đầy (6 gánh). 

Lu lớn, người thợ phải làm ba phần đáy, thân và phần trên với 3 cái khuôn, rồi ghép vào thành chiếc lu sống, rồi khênh đặt vào lò. Nung ba ngày hai đêm, lu lên men vàng bóng. Lò nung dùng bằng củi. Kho củi chất ngất sân sau, mưa gió rầm rĩ người ta chỉ lo thiếu củi. Đàn ông khỏe, tay nghề cao lo việc nặn lu, đàn bà xếp củi, coi lò, cời than. Chị em Thủy, Thúy người đồng bằng, chăm lo đám củi được cắt đều tăm tắp, cành to nhỏ ngắn dài đều nhau. “Trời nắng chui lò nóng không tả được, mưa thì phải lo giữ lửa, coi củi, phải khênh lu chạy mưa, thở không ra hơi”, họ tủm tỉm cười. 

Nhang, người Tiền Giang, đã luống tuổi mà chưa lập gia đình. Anh ta theo lò lu, làm công hàng chục năm, bảo: “Nghề này phải có tay nghề, người làm công ở đây đều hơn chục năm cả”. Người không nhà cửa được các chủ dựng tạm những lều gạch che nắng mưa. Chị Hoa sinh con, đặt tên đứa nhỏ là Hoa Phượng. Chồng làm trong lò, vợ công nhân. Nhang cũng muốn có một gia đình như vậy mà chưa được. Nhang không biết đi đâu, người chủ lò phải nấu cơm cho đám độc thân ăn ngày ba bữa, đóng 30.000 đồng mỗi ngày. 

Nghề làm lu dễ vào lại khó ra. Cuộc sống bên cái lò nóng như thiêu cuốn hút người ta hàng chục năm, thậm chí còn lâu hơn thế nhiều. Một anh chàng ba chục tuổi vừa lấy người vợ hơn anh cả chục tuổi, lò gọi là “rổ rá cạp lại”, cô này cũng theo nghề làm lu. Họ thuê nhà ở, chiều chiều lại đạp xe về. Người vợ nói: “Tuần này chúng ta vừa ốm, vừa mệt xin nghỉ nên được có triệu hai, hôm nọ lại ứng trước mất ba trăm rồi!”. Anh chồng gật gật đầu. Ai nhận lương được phát mảnh giấy ghi rõ khoản nợ, công làm, còn nhận được bao nhiêu. Người không tay nghề chỉ hơn trăm ngàn một ngày, người tay nghề cao được vài trăm, đa số nhận một trăm bảy chục ngàn một ngày công. Phần nhiều đều ứng trước ít nhiều. Chị Hoa nói: “Vợ chồng em thỉnh thoảng cũng dôi ra mấy triệu, liền xem bà con ai cần thì cho vay. Đến khi mình cần mọi người sẽ trả để cho mà mua nhà”.   

“Năm ngoái mỗi tháng chúng tôi bán được một ngàn cái lu, năm nay chỉ bán được nửa số ấy - chị Hương, chủ một lò lu nói - người ta làm lu bằng nhựa nhiều”. Tương Bình Hiệp là làng lò lu truyền thống gần như cuối cùng của Nam bộ, nơi chủ yếu chỉ làm lu. Lu trước bán khắp nơi, cả vào thành phố nữa. “Nước máy bây giờ chạy đến tận nhà, ai cần tích nước nữa”. Vùng nước mặn, mỗi nhà thường sắm sửa dăm bảy cái lu. Nước chứa lu ngọt và mát. Dạo này người mua lu nhiều chỉ còn dân làm mắm. Nghề làm mắm cũng từ lâu đời, ít nhất trong truyện Tấm Cám đã tả. Vậy mà lâu nay mới thấy dân làm mắm đánh ghe lên mua lu một đợt rồi lại thôi. Chị Hương bảo: “Có tháng không bán nổi một cái lu”.

Gian nan nghề làm lu ảnh 3 15 tuổi Đức đã đi vào nghề làm lu

Chính quyền nói nghề làm lu đang gặp cảnh khó khăn, “thuế má đánh ít cho tồn tại, lò nào thuộc di tích lịch sử được miễn thuế”. Mỗi năm chừng vài trăm sinh viên các trường về làng nghiên cứu nghề thủ công. Du khách còn ít, dù liên kết với khu du lịch gần đó. Vài năm nữa chắc khách du lịch sẽ tăng thêm, nhưng khi đó hẳn nghề làm lu còn giữ được 12 lò nổi lửa như bây giờ hay không? 

Mẹ của Đức làm công trong lò lu, đẻ ra nó, năm nay 15 tuổi, tự chạy đến lò xin làm công. Ông chủ lò thấy nhỏ quá bảo: “Mày bé xíu, sức không có, làm được việc gì? Ai mà nhận”. Rồi sợ ra ngoài không việc làm lại hư hỏng, gọi vào để mọi người sai vặt, lương trăm ngàn. Nó chạy khắp lò, việc gì cũng nhúng vào, mặt mũi lấm lem như công nhân mỏ than, kể: “Ban ngày ở lò suốt, tối về phòng trọ chờ mẹ về”. 

Chiều muộn, người ở trên nóc lò, người trong ngõ ngách, người sau đống lu, không thể gọi, cũng chẳng ai dùng đồng hồ. Nắng tắt có người không biết, trời mưa nhiều người không hay. Một ngày 3 lần đánh kẻng, gọi ăn cơm, uống nước. Kẻng vang vang, người từ trong những cái lò, sau đám củi, trong kho đất lục tục kéo đến chỗ cái kẻng, quần áo dính đầy bùn đất, nhuộm tro bụi. Họ để lại sau lưng những cái lu đang được nung chín, sắp sửa ngả men vàng óng giữa cơn mưa tầm tã cuối mùa thu.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo giải quyết kiến nghị về sổ đỏ của 500 hộ dân Sóc Sơn
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo giải quyết kiến nghị về sổ đỏ của 500 hộ dân Sóc Sơn
TPO - Về việc 500 hộ gia đình có nhu cầu cấp chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng nhiều năm chưa thể thực hiện do vướng điều chỉnh quy hoạch Sân bay Nội Bài, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát lại các quy định, sớm giải quyết theo hướng đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.