Gian nan sống với hạn mặn

Ao nước dã chiến với sức chứa 70m3 của ông Oanh Ảnh: Kim Hà
Ao nước dã chiến với sức chứa 70m3 của ông Oanh Ảnh: Kim Hà
TP - Người dân ĐBSCL đang sống trong hạn mặn khủng khiếp nhất lịch sử 100 năm qua. Hàng trăm ngàn hec ta lúa, hoa màu bị thiệt hại, vườn cây ăn trái xác xơ... Trong cái nắng hạn quay quắt ấy những “mô hình nước ngọt” xuất hiện. Giá nước ngọt bị đẩy lên trên 100 ngàn đồng một mét khối.

Dạo quanh thủ phủ hoa kiểng, cây giống ở huyện Chợ Lách (Bến Tre) những ngày này không khó để bắt gặp những chiếc ao dã chiến chứa nước ngọt quý giá. Nước ngọt giờ đây còn “quý hơn vàng”. Chính vì vậy, bà con sẵn sàng bỏ ra hàng chục triệu chỉ để “mua nước dưới sông”.

Làm nghề trồng cây giống hơn 10 năm nay, ông Đặng Văn Oanh (50 tuổi, ngụ huyện Chợ Lách) cho biết, ông chưa từng thấy trận hạn mặn nào khủng khiếp như năm nay. “Địa thế trời ban cho xứ Chợ Lách là kênh rạch chằng chịt, nước ngọt quanh năm. Dân trồng hoa kiểng, cây giống tụi tôi chưa bao giờ phải lo lắng về nguồn nước tưới. Vậy mà đợt hạn mặn năm nay, nước ngọt khan hiếm lạ thường. Hồi trước, tôi đang tưới cây mà có khách là vứt cái vòi xuống đất rồi đi vô nhà luôn không thèm tắt nước, còn bây giờ thì phải chắt chiu từng giọt”, ông Oanh cho hay.

Quyết tâm không để vườn cây giống hơn 20.000 cây thiếu nước, ông Oanh có sáng kiến thuê sà lan lấy nước ngọt từ vùng khác, vận chuyển về Bến Tre để trữ tưới tiêu, sinh hoạt. Chủ vườn cây giống cho biết, ông đã phải bớt một phần diện tích vườn để xây làm ao dã chiến dài 16,5m; rộng 4m; sâu 0,8m; (chứa 70m3 nước). Kết cấu ao đơn giản, chi phí thực hiện cũng rất rẻ. Ông Oanh chỉ cần bỏ ra 3 triệu đồng thuê người đào ao và mua tấm bạt là có thể trữ nước, còn máy bơm thì đã có sẵn.

Trung bình mỗi ngày ông sử dụng 25 - 30m3 nước cho nhu cầu sinh hoạt gia đình và tưới tiêu. Nếu chi phí đào ao không cao thì chi phí vận chuyển nước lại vô cùng đắt đỏ. Nhưng ông Oanh lại sẵn sàng trả từ 60 - 100 ngàn đồng/m3 nước ngọt được đưa về. Ước tính qua đợt hạn mặn này, ông Oanh mất hơn 200 triệu đồng tiền mua nước ngọt.

“Tổng giá trị vườn của tôi hơn 2 tỷ đồng, bỏ ra 200 triệu đồng thì vẫn còn lãi. Nếu tiếc số tiền này sẽ mất luôn 2 tỷ đồng. Vì vậy, buộc phải bỏ số tiền này để cứu số tiền kia”, ông chủ vườn cây giống giải thích.

Đi lấy nước ngọt

Nhâm nhi tách trà chiều, ông Oanh chỉ tay về hướng ao nước dã chiến chậc lưỡi nói: “Mình ngồi đây thấy nước chứa trong ao đó thì rất bình thường nhưng quá trình đi lấy nước gian nan dữ lắm. Lần đó tôi theo sà lan 100 tấn đi lấy nước thấy rõ cái cực khổ là như thế nào. Khi mình lấy nước xong, sà lan khẳm xuống; sóng dập ầm ầm, ngồi đằng trước mà sóng ở đằng sau dập lên người ai cũng ướt sũng, nguy cơ chìm có thể xảy ra bất cứ lúc nào dù mình vẫn chở đúng tải trọng”.

 Gian nan sống với hạn mặn ảnh 1 Người dân mang thùng phuy đến lấy nước từ ao của ông Oanh  Ảnh: Kim Hà

Không chỉ có thế, ngay cả ban đêm cũng phải tranh thủ lấy nước. Do sự xoay vòng của thủy triều, chứ không phải muốn lấy khi nào cũng có nước ngọt. Ban đêm ghe tàu chạy lấy nước đỏ đèn ngoài sông. Nếu giao thông đường bộ có phân làn thì dễ, còn dưới sông rộng mênh mông, tài công phải nhắm chừng mà chạy. Có ghe lạc hướng vì không thuộc đường. Nếu sông lớn nhiễm mặn, có khi họ còn phải len lỏi vào những nhánh sông nhỏ, rạch nhỏ; thậm chí, vượt vài chục kilomet mới lấy được nước ngọt.

Ông Oanh nói: “Tôi thuê sà lan đi theo dòng chảy của nước ngọt. Nó tới đâu, mình đi theo lấy tới đó. Cứ đo độ mặn, nếu nước đủ tiêu chuẩn sẽ lấy đầy khoang rồi chở về. Chỗ lấy nước gần nhất cũng cách nhà 8km. Có khi phải đi đến khu vực cầu Mỹ Thuận (Vĩnh Long) cách đến 50km thì mới có nước ngọt”.

Lọc nước mặn thành nước ngọt

Ngoài việc đào ao trữ nước như ông Oanh, ông Lê Tự Gương (60 tuổi) cũng có cách làm hay là tự trang bị cho mình một chiếc máy lọc nước mặn thành ngọt, chất lượng nước đạt theo chuẩn của Bộ Y tế.

Ông Gương cho biết, qua tìm hiểu, ông thấy ở một số vùng người ta dùng chiếc máy lọc để lọc nước nhiễm độc tố nhưng vẫn giữ cho có độ mặn phù hợp để nuôi tôm và nó có thể lọc được nước mặn thành ngọt nên ông mạnh dạn đầu tư lắp đặt.

“Chiếc máy này cũng khá phổ biến ở những vùng khác, còn ở đây thì hầu như rất ít. Sử dụng một thời gian tôi thấy nó rất hiệu quả. Một giờ nó có thể lọc ra từ 300 - 500 lít nước ngọt, bình quân mỗi ngày tôi có từ 7 - 12 mét khối nước, đủ để sử dụng sinh hoạt, tưới tiêu trong gia đình”, ông Gương cho hay.

 Gian nan sống với hạn mặn ảnh 2 Lấy nước ngọt trên sông Tân Thiềng, huyện Chợ Lách  Ảnh: Kim Hà

Theo ông, mỗi mét khối nước sông bà con mua về phải mất 100 ngàn đồng. Nếu mặn tiếp tục kéo dài số tiền mua nước ngọt này đội lên rất cao. Trong khi đó, chi phí cho một chiếc máy lọc khoảng 30 triệu đồng. Quy trình vận hành cũng khá đơn giản. Chỉ cần trang bị một chiếc túi chứa nước, rồi bơm trực tiếp nước nhiễm mặn từ dưới sông vào để lắng bùn. Sau đó, nước mặn sẽ được hút vào máy lọc và cho ra nước ngọt. Do đó, dù ở nơi có nước mặn bà con cũng vẫn chủ động được nguồn nước ngọt để xài.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Bùi Thanh Liêm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách cho biết, nguồn nước dự trữ sản xuất trên địa bàn huyện hiện nay có giới hạn, thậm chí có thể không đủ dùng trong đợt hạn mặn kéo dài này.

“Bây giờ người dân có nhiều phương án trữ nước như: Trữ trên sông rạch, hệ thống thủy lợi của huyện; trữ trong mương vườn; đào ao trên cạn rồi lót bạt để trữ; dùng máy lọc; nước sinh hoạt thì trữ trong các bồn chứa, thùng phuy. Ngoài ra, người dân còn dùng ghe, sà lan,... để vận chuyển nước ngọt từ vùng khác về trữ; mặc dù giá thành cao có khi lên đến cả trăm ngàn/m3 nhưng vẫn không đủ trong thời buổi khó khăn về nước hiện nay”, ông Liêm cho hay.

MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.