Những vùng đất dữ - ngày ấy, bây giờ- Kỳ 1:

Giang hồ Cầu Muối chỉ còn là quá vãng

Khu vực chợ Cầu Muối (Cầu Ông Lãnh) ngày trước sập sệ, giờ hiện đại, văn minh.
Khu vực chợ Cầu Muối (Cầu Ông Lãnh) ngày trước sập sệ, giờ hiện đại, văn minh.
Tốc độ đô thị hóa nhanh đã biến “đất dữ” quận 4 thành chuyện “năm nảo năm nào”... và cũng đẩy giang hồ cấp thấp quận 4 đi khắp nơi làm chân sai vặt. Nếu thảng hoặc chúng quay lại vùng đất cũ cũng chỉ nhằm một mục đích: xem chiến hữu ai còn ai mất...

Từ thời Pháp thuộc đến một số năm sau ngày thống nhất đất nước, Sài Gòn luôn có những vùng đất được người lương thiện gọi là “đất dữ”, với lãnh địa của giang hồ lưu manh... Qua nhiều năm tháng, với sự chuyển mình về kinh tế, văn hóa của đất nước và thành phố, những “thánh địa” ấy thay đổi sâu sắc. Loạt bài này sẽ cung cấp cho bạn đọc một góc nhìn về cái gọi là “đất dữ” ngày ấy và bây giờ...

Luôn có một câu chuyện hoặc một huyền thoại giang hồ nào đó gắn với lịch sử một địa danh dữ dằn. Nhưng đứng đầu bảng và trở thành một cụm từ quen thuộc với dân Sài Gòn trước năm 1975 là “du đãng Cầu Muối”. 

Một thời “hô mây gọi gió”

Nhà Nguyễn đặt ở vùng Cầu Kho bây giờ một loạt kho đụn để thu thuế và tích trữ lương thảo. Quanh nơi kho lẫm là những khu dân cư tứ xứ sống đa phần trên ghe thuyền. Và tất nhiên, đa số sống bằng nghề anh chị giang hồ... 

Qua thời Pháp thuộc, Tư Mắt tức Nguyễn Văn Trước, nhất hô bá ứng một thời khắp cõi Nam Kỳ cũng dùng đây là sào huyệt để nương náu. Nhưng rộ lên là thời Diệm - Thiệu, với quy mô chợ cá Cầu Ông Lãnh. Giang hồ tụ tập về Cầu Muối ngày càng nhiều, nhưng vẫn theo kiểu hỗn quân hỗn quan. Nhưng Đại Ca thay, người đứng đầu trong Tứ đại thiên vương (Đại, Huỳnh Tỳ, Woòng Cái, Ba Thế) chọn nơi đây để mở một sòng bạc lớn. Lúc đó du đãng Cầu Muối trở thành “số một” của giang hồ miền Nam. 

Sau năm 1975, chính quyền đã thu gom những tay anh chị cộm cán vào trường trại, một số lọt sổ cũng vội vã cao chạy xa bay. Khi mọi chuyện đã được xem là “tạm ổn”, giang hồ lục tục quay về. Nguyễn Văn Cưng, tự Cưng già, vốn sống bằng nghề giật đồng hồ (bẻ đê) ở bến đò Thủ Thiêm, làm giang hồ Sài Gòn rúng động với chiêu “Hỏa long thần chưởng” (ụp hỏa tốc), vốn là một tên nhóc con xuất thân từ Cầu Muối!

Trước đó, việc đâm chém bằng mã tấu là phổ biến. Trong trại giam Chí Hòa thì dùng thép ba lô làm dao, sắt xây dựng mài nhọn làm dùi, tệ hơn là bàn chải đánh răng mài nhọn. Cưng già dùng bao nylon đốt chảy vào vỏ cam và úp thứ dung dịch rừng rực lửa vào... mặt đối thủ! Cách ra tay tàn độc ấy đã khiến giang hồ khắp Sài Gòn kinh sợ. Tên tuổi giang hồ Cầu Muối một lần nữa được giới lưu manh nhắc đến với sự kiêng dè. 

Nhưng có lẽ chính Châu Phát Lai, tức Lai Em, một đồng phạm quan trọng trong vụ án Năm Cam, mới là kẻ đẩy tên tuổi du đãng Cầu Muối thành thế lực hùng mạnh nhất của du đãng miền Nam. Hung ác và nhiều thủ đoạn, khi đã thành danh, Lai Em vươn bàn tay ra khỏi địa bàn Cầu Muối nhỏ hẹp.

Khi Minh samasa ở Vũng Tàu trở mặt với hung thần Lâm chín ngón và có cơ bị đẩy bật ra khỏi địa bàn đang kiểm soát, gã đã nhờ đến một vựa cá tại Cầu Ông Lãnh để thương lượng với du đãng Sài Gòn. Cặp vợ chồng Đức năm nghệ - Sương lamour mang đàn em ra đối phó với Lâm chín ngón, Hồng địa... Cuộc chiến giành lãnh địa nổ ra suốt vài tháng trời và chỉ kết thúc khi Lai Em vào cuộc. 

Gã giang hồ “có sạn trong đầu” Lai Em chỉ cần chuyển cho Đức năm nghệ mượn tay chân. Ngay lập tức Lâm chín ngón thui thủi quay về với tiệm thịt chó trên đường 3 Tháng 2, không bao giờ có cơ hội léo hánh đến Vũng Tàu. Tiếng gọi chung là du đãng Cầu Muối, nhưng khu vực kiểm soát của Lai Em gồm hàng loạt địa danh dữ dằn như: Chợ cá Cầu Ông Lãnh, Cầu Kho, Ngã Ba xóm Tỉnh, Nhà Lô, Hẻm Cứu Hỏa, Khu Dân Sinh, Khu Da Heo 100 Nguyễn Công Trứ, Mả Lạng, Cư xá Đồng Tiến v.v... Với lượng du đãng có máu mặt ngần đó dưới trướng Lai Em, Lâm chín ngón làm sao chống nổi?

Chỉ có một lần Lai Em bị chặn đứng bởi con cọp vùng chợ An Đông là Lượm lùn. Giang hồ chợ An Đông tuy ít nhưng lì lợm và gắn bó với nhau hơn du đãng Cầu Muối nhiều. Khi Lai Em chuẩn bị cho đàn em lên giành quyền kiểm soát vũ trường Caesar, đã nhận ngay câu trả lời của Lượm lùn: “Đến là đón, thích thì chiều...”. Sau vài cuộc chạm trán của du đãng hai bên, Lai Em bèn lẳng lặng rút lui và vĩnh viễn không dòm ngó đến khu vực hùng cứ của Minh đại bàng, Lượm lùn, Sang mổ, Bé chợ, Minh rồng.

Sau vụ án Năm Cam, Lai Em với tội danh giết người đã phải trả giá bằng sinh mạng của mình nơi cọc bắn, giang hồ Cầu Muối lập tức im lặng chờ thời. Nhưng vụ cháy chợ cá, rồi chợ trái cây cũng dịch chuyển ra tận khu Sóng Thần, bầu sữa ngọt bao năm nuôi sống giang hồ Cầu Muối bị cắt đột ngột, khiến giang hồ Cầu Muối chỉ còn là câu chuyện kể trên đầu môi của các du đãng già hết thời...

Còn rơi rớt một số tay giang hồ nửa mùa mới lớn, là chợ ma túy ở khu vực Cầu Kho và những sòng bạc mini khu Nhà Lô luôn dịch chuyển. Với sự truy quét của CSHS quận 1 lẫn CATP, các gương mặt nổi cộm lớp thì miệt mài gỡ lịch ở trại giam, lớp khôn ngoan hơn tìm nơi nương náu mới. Ngoài mối quan hệ hữu hảo thuở mồ ma Lai Em với giang hồ Vũng Tàu, đa số đều theo chân Đức năm nghệ ra vùng cảng cá “làm ăn”. Tất nhiên, sau một thời gian vật đổi sao dời, thế đứng giang hồ gốc Nam đã không còn là độc bá, mà thế giới dao búa đã hoàn toàn thuộc về những giang hồ trôi sông lạc chợ gốc Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An... 

Giang hồ Cầu Muối ra “núp lùm” ở Vũng Tàu chỉ tuyền là sai vặt! Một số có “tư cách” hơn, bèn “dạt vòm” qua quận 7, quận 8... tá túc với giang hồ xóm. Cu trắng, một thuở khét tiếng vùng Nhà Lô mà ngay cả trùm giang hồ Năm Cam cũng phải nhường bước, nay quay về khu hẻm Đền Quan Thánh, sống lay lắt bằng nghề cho vay lặt vặt, cầm cố và... giảng hòa. Uy tín giang hồ còn rơi rớt cũng đủ cho anh Tư Cu trắng, anh Bảy nô cao giò (đàn anh Năm Cam) sống qua ngày đoạn tháng. 

Một số du đãng anh chị thuộc phường Cầu Kho, sau khi bị truy quét dữ dội đã không tồn tại nổi với nghề buôn bán ma túy lẻ, bèn bán xới qua thuê nhà ở khu Âu Dương Lân quận 8, dựa hẳn vào Chí, Tuấn, Tư... để tiếp tục mua bán hàng cướp giật, cho vay và đâm thuê chém mướn.

Giang hồ Cầu Muối không hẳn đã tắt lịm, nhưng với du đãng Sài Gòn thì đã qua thời hô mưa gọi gió!

Giang hồ Cầu Muối chỉ còn là quá vãng ảnh 1

Một góc đường Tôn Đản, Q.4 hôm nay.

Chỉ còn lại chút danh hão...

Những năm Mỹ sang, khu cảng vùng quận 4 thu hút đủ loại giang hồ từ cao cấp đến mạt hạng. Kho 5, khu Hai mươi thước, hẻm 148 Tôn Đản (nơi phát tích của Năm Cam), Oxi Gạch, xóm Dừa, hẻm chùa Giác Quang, Tôn Thất Thuyết, Ô Cầu Dừa, hãng Phân, xóm Dừa, khu Sân banh Gò Mụ, Viện Bài Lao, hẻm Hiệp Thành... hàng loạt địa danh mà nghe qua người dân lương thiện thành phố không khỏi rùng mình!  

Không phải khi không mà giang hồ quận 4 trở thành nỗi ám ảnh của nhiều nơi trong thành phố, nhưng chưa bao giờ giành được sự kính nể của các kiểu anh chị cùng đẳng cấp.

Với những khu dân cư phức tạp đa thành phần, nhiều kẻ ăn cơm tù nhiều hơn cơm nhà, học móc túi giật đồ trước cả khi học chữ, thì nơi đây đã cung cấp cho giang hồ các nơi hàng loạt đàn em chịu đâm chém đổi lấy chút quyền lợi. Tuy vậy, một số du đãng cũng vượt thoát khỏi tầm cỡ xóm lu bu quận 4 để trở thành tay gộc. Trong đó đáng kể nhất là Lê Văn Đại tức Đại Cathay, Trương Văn Cam tức Năm Cam... 

Với tốc độ phát triển đô thị nhanh nhất nước, những cao ốc, chung cư, khu dân cư của Sài Gòn mọc lên với tốc độ chóng mặt, đã đẩy lùi những khu xóm lụp xụp, tối tăm, đầy tệ nạn ra xa dần khu trung tâm. Quận 4 cũng không ngoài quy luật. Đường Hoàng Diệu mở rộng và việc chỉnh trang quy hoạch của quận 4, khiến giang hồ các kiểu rời bỏ dần vùng đất cũ. Hơn 80% dân cư phức tạp bán nhà với giá tạm xem là được, qua vùng đất mới là quận 7, Nhà Bè trú ngụ. Mua một căn nhà nhỏ giá rẻ, còn dư bao nhiêu ném luôn vào cờ bạc số đề và ma túy. Sau một thời gian chẳng có nghề ngỗng gì và theo quy luật, không ít người trở lại nghiệp dĩ lưu manh. Đó là lý do quận 7, Nhà Bè... đột nhiên trở thành nơi giang hồ cộm cán tranh chấp và ăn chơi đủ loại.

Vụ án Dũng đô ở chung cư Tôn Thất Thuyết bị Minh khùng thuộc nhóm đàn em Bảo gù chém chết, là minh chứng cho việc thách thức và lấn sang địa bàn của giang hồ quận 4 nay đang lóp ngóp “dựng cờ” ở quận 7!

Lộc lì, một giang hồ gốc Phú Nhuận, nói khi bị tòa tuyên phạt 18 năm tù: “Tòa xử tòa ở!”, bị cộng thêm hai năm tù vì tội phỉ báng, đã chọn quận 4 làm nơi trú ngụ. Sau khi thụ án ở trại Gia Trung về, với sự trợ giúp của Hiệp phò mã, Lộc đã tìm ngay quận 8 làm nơi nương náu. Bởi lẽ dễ hiểu: tiền đâu mà kiếm nhà ở quận 4!

Rồi những tay cộm cán khác như Phong khùng (em ruột Đại Cathay), Dũng chùa, Cu nhứt, Lý lệ hoa, Quang chùa, Bảy bò... chẳng tay nào không dời sào huyệt qua những quận huyện ngoại thành. Còn rơi rớt một số tay lưu manh lặt vặt không thể tìm cho mình một mảnh đất khác dung thân, thì trở thành cướp vặt và đi tù xoành xoạch. Ngay cả việc kiếm ăn bằng mua bán đồ gian và cho vay cũng vô phương, khi hàng xóm của chúng dần dà là người tứ xứ giàu có, đôi khi đầy thế lực...

Tốc độ đô thị hóa nhanh đã biến “đất dữ” quận 4 thành chuyện “năm nảo năm nào”... và cũng đẩy giang hồ cấp thấp quận 4 đi khắp nơi làm chân sai vặt. Nếu thảng hoặc chúng quay lại vùng đất cũ cũng chỉ nhằm một mục đích: xem chiến hữu ai còn ai mất, ai đi tù, ai đang hùng cứ chốn nào... Giang hồ quận 4, chỉ còn là quá vãng!

Theo Theo Công An TPHCM
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.