Giảng viên hành nghề luật sư nên hay không?

Giảng viên hành nghề luật sư nên hay không?
Có nên cho giảng viên các cơ sở đào tạo luật được làm luật sư không? Xung quanh chủ đề đang được Quốc hội bàn thảo này còn có nhiều ý kiến khác nhau.

 Nghiêm cấm cản trở hoạt động luật sư

 
Giảng viên hành nghề luật sư nên hay không? ảnh 1

Chuyên môn hóa nghề nghiệp

Theo Luật sư Lê Quốc Đạt, Giám đốc Công ty Luật Trí Tuệ, Hà Nội cho rằng: Không nên quy định giảng viên các cơ sở đào tạo luật làm luật sư. Bởi vì, giảng viên giảng dạy ở các cơ sở luật, tham gia đào tạo những người làm tố tụng, nếu quy định cho phép thì có trường hợp gây ảnh hưởng trong quá trình tố tụng.

Nghề luật sư đòi hỏi phải toàn tâm toàn ý với nghề. Việc kiêm nhiệm làm cho tính chuyên môn hóa, sự tập trung đầu tư cho nghề bị dàn trải, hiệu quả không cao.

Bên cạnh đó, công tác giảng dạy pháp luật cũng đòi hỏi giảng viên phải đầu tư thời gian, công sức để vừa đảm bảo đủ thời lượng giảng dạy, vừa đủ số lượng đề tài nghiên cứu khoa học.

Đào tạo cần cân đối giữa lý thuyết và thực hành

Cũng về vấn đề này, một cán bộ ở Tòa án nhân dân tối cao cho rằng: Hoạt động tố tụng có đặc thù riêng, các thầy tuy giỏi về mặt lý luận nhưng không hẳn tương đương về mặt thực tiễn.

Còn để giải quyết vấn đề cấp bách hiện nay là nâng cao cả số lượng và chất lượng đội ngũ luật sư, thì cần đổi mới hình thức đào tạo để chất lượng công tác đào tạo luật sư theo hướng cấu trúc lại chương trình đào tạo bảo đảm tỷ lệ hài hòa giữa hàm lượng lý thuyết và kỹ năng thực hành.

Đồng thời, cần có cơ chế thu hút những cán bộ tư pháp có kinh nghiệm trong hoạt động tố tụng tham gia công tác đào tạo luật sư. Qua đó việc đào tạo luật sư vừa bảo đảm kiến thức lý thuyết, vừa trang bị cho học viên kỹ năng nghề một cách khoa học, bài bản.

Nếu có được đội ngũ giảng viên lý thuyết uyên thâm, đồng thời có đội ngũ giảng viên dạy kỹ năng nghề giỏi, chắc chắn chất lượng đào tạo luật sư sẽ được cải thiện và đáp ứng yêu cầu nâng cao cả số lượng và chất lượng đội ngũ luật sư trong thời gian tới.

Có lãng phí nguồn lực?

Với quan điểm khác, Luật sư Phạm Xuân Dương, Phó Tổng Giám đốc Công ty Luật Đại Việt, Hà Nội thì cho rằng việc cho phép các giảng viên cơ sở đào tạo luật hành nghề luật sư sẽ huy động tối đa chất xám của những người là viên chức đang giảng dạy luật. Đồng thời quy định này còn giúp cho những người làm công tác giảng dạy, đào tạo có thêm kinh nghiệm thực tiễn để nâng cao chất lượng giảng dạy của mình. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực tư pháp nói chung, đồng thời cũng góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư phục vụ sự nghiệp đổi mới và hội nhập của đất nước.

Cùng quan điểm với Luật sư Dương, theo TS. Phan Chí Hiếu – Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội, việc cho giảng viên các cơ sở đào tạo luật được làm luật sư là một bổ sung đáng kể các luật sư có trình độ cho đội ngũ luật sư hiện nay, góp phần thực hiện nhiệm vụ đặt ra.

TS Hiếu cũng cho rằng việc cho phép giảng viên luật được hành nghề luật sư sẽ không làm phân tán nguồn lực giảng dạy pháp luật và cũng không tạo ra khả năng xung đột lợi ích giữa luật sư là các giảng viên tham gia tố tụng và những người tiến hành tố tụng (là sinh viên cũ của mình).

TS Hiếu lý giải, lao động của viên chức giảng viên có nhiều đặc thù so với các loại viên chức khác. Các trường quản giảng viên của mình theo đầu công việc, thể hiện anh giảng bao nhiêu giờ, tham gia bao nhiêu đề tài nghiên cứu khoa học, viết được bao nhiêu bài báo, hướng dẫn được bao nhiêu sinh viên, học viên sau đại học… Hàng năm tổng quỹ thời gian làm việc của giảng viên là khoảng hơn 1.700 giờ và giảng viên không bị quản lý ngày 8 tiếng. Nếu đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ, giảng viên có thể thực hiện những công việc khác.

Như vậy, nếu được quản lý tốt, tổ chức công việc tốt thì việc giảng viên làm luật sư không làm phát sinh hiện tượng “phân tán nguồn lực”. Do giảng viên không bị quản lý ngày 8 tiếng nên cũng không ngại vì công việc giảng dạy mà họ không tham gia được các hoạt động của luật sư tại phiên tòa, dẫn đến tình trạng phải hoãn phiên tòa.

Theo TS Hiếu, cái quan trọng là nếu cho phép giảng viên làm luật sư thì phải có cơ chế quản lý cụ thể để không xảy ra tình trạng phân tán nguồn lực, không ảnh hưởng đến lịch công tác của Tòa án,.... Ví dụ để tránh việc “phân tán nguồn lực” thì Đơn xin cấp chứng chỉ luật sư của giảng viên nên có ý kiến của Trường chủ quản. Được cấp thẻ rồi, mải đi làm luật sư không hoàn thành nhiệm vụ sẽ xử lý, đề nghị thu hồi chứng chỉ hành nghề…

Theo Trần Mạnh
Chinhphu.vn

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG