Giành vỉa hè cho người đi bộ, Hà Nội không làm theo phong trào

Lực lượng chức năng yêu cầu một quán cafe phải dẹp bỏ những bàn ghế lấn chiếm vỉa hè trên phố Thuốc Bắc, Hà Nội. Ảnh: Trường Phong.
Lực lượng chức năng yêu cầu một quán cafe phải dẹp bỏ những bàn ghế lấn chiếm vỉa hè trên phố Thuốc Bắc, Hà Nội. Ảnh: Trường Phong.
TP - Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải lưu ý về việc xử lý lấn chiếm vỉa hè, các đơn vị không làm theo phong trào mà cần phải làm thường xuyên, phải gắn với văn hóa người dân thành phố.

Ngày 28/2, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải làm việc với quận Tây Hồ. Tại đây, ông Hải dành nhiều thời gian nói về quản lý trật tự đô thị trên địa bàn thành phố và nêu rõ địa bàn nào để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng mà không xử lý, nhắc nhở thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, thành phố đã trải qua 3 năm thực hiện văn minh trật tự đô thị nhưng vẫn còn nhiều vấn đề. Ông Hải đánh giá đây là công việc phải làm thường xuyên, liên tục, bền bỉ, kiên quyết làm sạch môi trường, vỉa hè, lòng đường.

Về xử lý lấn chiếm vỉa hè, Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý các đơn vị không làm theo phong trào, làm một hai hôm là xong mà việc này cần phải làm thường xuyên, phải gắn với văn hóa người dân thành phố. “Phải gắn với nếp văn hóa của người dân. Tự mình đang tạo ra nếp xấu cho người dân, rằng tôi đi qua thì các ông bà lại bày kinh doanh. Phường phải có trách nhiệm cao hơn mới được”, ông Hải nói. Theo ông Hải hành lang pháp lý để xử lý việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường đã được thành phố hoàn thiện từ nhiều năm qua. Chỗ nào dựng xe máy, chỗ nào cho người đi bộ, chỗ nào được phép kinh doanh cũng đã được thành phố kẻ sơn rất rõ, các quận cũng đã thực hiện nhiều năm qua. Theo ông Hải, điều quan trọng hiện nay là các quận, phường làm sao duy trì được trật tự đô thị trên địa bàn. Các phường phải có sự kiểm tra chéo lẫn nhau, học hỏi cách làm của nhau.

Không phạt cho tồn tại

Ngày 28/2, lực lượng chức năng quận Hoàn Kiếm, công an quận phối hợp với lãnh đạo phường, dân phòng chia làm nhiều mũi xử lý trên nhiều tuyến phố. Tại phố Phủ Doãn, lực lượng chức năng đã yêu cầu tháo dỡ hết lều bạt trông giữ xe, các biển quảng cáo, lập biên bản xử phạt nhiều hộ kinh doanh vì lỗi lấn chiếm vỉa hè và vứt rác, gây mất vệ sinh công cộng. Tại phố Đường Thành, Thượng tá Bùi Văn Đang, Phó trưởng công an quận yêu cầu các đơn vị rà soát, cửa hàng kinh doanh nào tiếp tục lấn chiếm vỉa hè sẽ phạt với mức cao hơn. “Không phải phạt rút kinh nghiệm, xử phạt nghiêm để các hộ tuân thủ, chứ không phải phạt cho tồn tại, phải làm dứt điểm”, ông Đang nhấn mạnh. Tại phố Chả Cá, ông Nguyễn Duy Linh đã bị xử phạt 3,5 triệu sau buổi ra quân chiều 27/2, tới sáng 28/2 ông tiếp tục bị lập biên bản cùng lỗi tương tự. “Chúng tôi không làm qua loa, hình thức, việc kiểm tra sẽ thực hiện thường xuyên, liên tục, ngày mai hộ nào vi phạm lại phạt tiếp, nếu tiếp tục tái phạm sẽ cấm kinh doanh”, ông Đang nói.

Tuy nhiên theo ghi nhận của PV Tiền Phong những ngày qua, ngoài quận Hoàn Kiếm tổ chức các đoàn đi xử lý, cưỡng chế vi phạm vỉa hè, nhiều quận nội thành còn lại của Hà Nội hầu như vẫn “án binh bất động”. Trong ngày 28/2, PV Tiền Phong tiếp tục liên hệ với lãnh đạo các quận để biết về phương án xử lý vi phạm vỉa hè theo chỉ đạo của thành phố Hà Nội, tuy nhiên tất cả lãnh đạo các quận, huyện đều nói đang bận việc khác.

Giành vỉa hè cho người đi bộ, Hà Nội không làm theo phong trào ảnh 1

Một người dân trên phố Chả Cá bị lập biên bản, xử phạt 2 ngày liên tiếp vì lấn chiếm vỉa hè. Ảnh: Trường Phong.

“Khoán quản” vỉa hè hiệu quả đến đâu?

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn cho rằng, vỉa hè hiện nay không thuộc diện quản lý của Sở GTVT nên thời gian qua Sở đã tham gia với thành phố ở vai trò tham mưu. Giống như lòng đường, để quản được cần phải giao trách nhiệm cho các đội địa bàn, từ đó nếu đội địa bàn không quản được thì phải chịu trách nhiệm. Theo ông Tuấn, Hoàn Kiếm đang là quận đầu tiên của thành phố ra quân xử lý vi phạm vỉa hè ở cả hai nội dung xử phạt và cưỡng chế. Để giữ được vỉa hè đây là việc cần làm và các quận huyện khác cũng cần vào cuộc để tạo sự đồng bộ, hiệu ứng tốt.

TS Trương Văn Quảng, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quy hoạch đô thị cho rằng, thay vì dành cho người đi bộ như Luật quy định, vỉa hè Hà Nội lại đang trở thành nơi làm kinh tế và quản lý vỉa hè sẽ theo kiểu xin cho. “Một bãi đỗ xe, một nhà hàng chiếm vỉa hè hàng năm trời để kinh doanh nhưng chính quyền quận, phường và công an không biết là khó tin. Không nên đổ cho người vi phạm mà bản chất của việc này là do chính quyền, đơn vị thực hiện công vụ không nghiêm”, ông Quảng nói. Đại diện Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, theo Luật Giao thông đường bộ, lòng đường – vỉa hè là một khối thống nhất do một đơn vị có chuyên môn về hạ tầng giao thông là các Sở GTVT quản lý. Tuy nhiên, từ năm 2006, bằng Quyết định số 227, Hà Nội đã giao hàng triệu m2 vỉa hè để các quận, phường quản lý.

Bị phạt 6 triệu đồng vì xả rác bừa bãi

Sáng 28/2, Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự - Cơ động, Công an quận Hoàn Kiếm đã phối hợp triển khai kế hoạch xử lý vi phạm trật tự đô thị tại ngã tư Tràng Thi - Triệu Quốc Đạt và dọc tuyến phố Phủ Doãn. Đáng chú ý, lực lượng chức năng đã lập biên bản xử phạt hành chính đối với một phụ nữ bán hàng ăn ở phố Phủ Doãn, do có hành vi vứt rác thải ra hè phố, gây mất vệ sinh môi trường.

Ngày 28/2, lãnh đạo công an phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, trong ba ngày (từ 25-28/3) tổ công tác liên ngành địa phương đã xử phạt 21 trường hợp xả rác, nước thải xuống lòng đường tại các tuyến phố Trần Quốc Hoàn, Nguyễn Phong Sắc, Trần Thái Tông, Duy Tân với tổng số tiền 62 triệu đồng. “Tổ công tác cũng phát hiện, bắt quả tang 2 trường hợp tiểu bậy không đúng quy định. Lực lượng chức năng phạt 4 triệu đồng đối hai người này”, vị Phó trưởng CA phường nói.

Trần Hoàng - Nguyễn Hoàn

MỚI - NÓNG