Quốc hội thảo luận về dự án Luật Quản lý thuế:

Giao cho cơ quan quản lý thuế điều tra thuế là không bình thường?

Giao cho cơ quan quản lý thuế điều tra thuế là không bình thường?
TP - Lấy lý do việc trốn thuế, chây ì nộp thuế khá phổ biến, Ban soạn thảo dự án Luật Quản lý thuế (QLT) đã đưa ra nhiều quy định nhằm giao nhiệm vụ điều tra thuế cho cơ quan QLT.
Giao cho cơ quan quản lý thuế điều tra thuế là không bình thường? ảnh 1
Đại biểu QH làm việc tại Hội trường ngày 30/10

Vấn đề này đã dẫn đến nhiều ý kiến khác nhau của các đại biểu Quốc hội (QH), tại phiên thảo luận về dự án Luật QLT, diễn ra sáng qua (30/10).

Đại biểu Trần Văn Nam (Bình Dương) đặt vấn đề: “Việc trao cho cơ quan QLT thẩm quyền điều tra sẽ không khỏi phát sinh sự lạm quyền, lạm dụng điều tra để gây nhũng nhiễu, phiền hà cho doanh nghiệp”.

Ngay sau đó, đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) lại cho rằng: “Việc trao chức năng điều tra thuế cho cơ quan QLT là cần thiết. Bởi lẽ, ngoài những lý do xác đáng mà Ủy ban Thường vụ QH đã nêu trong bản giải trình, tôi xin nói thêm, điều tra của cơ quan thuế là điều tra hành chính, phù hợp với doanh nghiệp, tránh được việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế”.

Giao cho cơ quan quản lý thuế điều tra thuế là không bình thường? ảnh 2 Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Nguyễn Văn Ninh:

Thấy móc túi thì hô hoán còn thấy trốn thuế thì không!

Bên hành lang QH, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Nguyễn Văn Ninh nói với các nhà báo:

Một trong những khó khăn lớn nhất của ngành thuế hiện nay, là làm sao để tất cả các cá nhân, tổ chức trong xã hội đều thấy được lợi ích của thuế, từ đó bất cứ cá nhân, tổ chúc nào nắm được thông tin về thuế đều có trách nhiệm cung cấp và phối hợp với cơ quan chức năng.

Nhiều nước trên thế giới, người dân thấy hiện tượng trốn thuế lập tức báo ngay cho cơ quan quản lý thuế, nhưng ở nước ta còn tình trạng móc túi thì hô hoán còn thấy doanh nghiệp trốn thuế lại không nói gì. Giao cho cơ quan quản lý thuế điều tra thuế là không bình thường? ảnh 3

Theo giải trình của UBTVQH thì “điều tra thuế trong Luật này chỉ là điều tra hành chính nhằm có đủ thông tin, chứng cứ để truy thu đầy đủ các khoản tiền thuế bị trốn, tiền thuế bị gian lận... Khi có dấu hiệu phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan thuế phải chuyển cho cơ quan pháp luật để  điều tra, xử lý trách nhiệm hình sự”.

Nhưng đại biểu Nguyễn Đình Lộc (TP Hồ Chí Minh) vẫn tỏ ra chưa yên tâm: “Chúng ta nói điều tra thuế, thực chất là điều tra trốn thuế, gian lận thuế là một hành vi có tính chất hình sự. Nhưng việc quyết định nó có hình sự hay không lại do chính cơ quan QLT...

Trên thực tế việc xử lý hành chính và việc xử lý hình sự là một vấn đề lớn mà lâu nay chúng ta thấy vướng.

Đó là các cơ quan có quyền xử lý hành chính thường giữ lại cả những vụ án, những vụ việc hết sức phức tạp, rất nặng, chỉ để xử lý về mặt hành chính... Chúng tôi thấy đây là vấn đề hoàn toàn không bình thường”.

Cũng trong phiên thảo luận, các đại biểu đã cho ý kiến về các nội dung như: thời hạn, địa điểm nộp hồ sơ thuế; biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế... Theo chương trình dự kiến, vào cuối kỳ họp lần này, QH sẽ biểu quyết thông qua Luật QLT.

 Đại biểu Nguyễn Đình Lộc (nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội):

Chưa dám nhìn thẳng vào sự thật để chống tham nhũng?

Giao cho cơ quan quản lý thuế điều tra thuế là không bình thường? ảnh 4
Đại biểu Nguyễn Đình Lộc
Từ báo cáo của Thanh tra Chính phủ về việc triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN), tôi thấy có hai vấn đề đáng nói.

Thứ nhất, mặc dù đạo luật này mới có hiệu lực từ 1/6 vừa qua, nhưng không có nghĩa là tiêu đề báo cáo của cơ quan Thanh tra như thế, thì cơ quan này chỉ đề cập đến những vấn đề sau khi đạo luật này có hiệu lực, vậy còn công tác phòng, chống tham nhũng trước đó thì sao?

Chúng ta đều biết rằng không phải chờ đến khi Luật PCTN có hiệu lực thì Đảng và Nhà nước ta mới chống tham nhũng, hơn nữa sau khi QH thông qua đạo luật này vào cuối năm 2005, đầu năm 2006 Thủ tướng đã có ngay một quyết định về việc chuẩn bị triển khai thi hành Luật PCTN...

Như vậy, công tác đấu tranh PCTN trong năm 2006, kể từ trước khi Luật PCTN có hiệu lực, đã không được thể hiện trong báo cáo nêu trên.

Thứ hai, như đã nói ở trên, vào đầu năm 2006, Thủ tướng đã có quyết định về việc chuẩn bị các điều kiện để triển khai thi hành Luật PCTN, nhưng cho đến khi đạo luật này có hiệu lực, theo yêu cầu ban đầu là cần ban hành 12 văn bản dưới Luật để triển khai thi hành Luật, nhưng cho đến nay các cơ quan chức năng mới ban hành được 2 văn bản.

Ngoài ra, dễ dàng nhận thấy công tác triển khai và quán triệt Luật PCTN cho đều khắp trong cả nước chưa thực sự đồng bộ, đơn cử như làm thế nào mà hàng chục bộ, ngành và địa phương báo cáo là không có tham nhũng? Như vậy đã dám nhìn thẳng vào sự thật hay chưa?

Từ những vấn đề nêu trên, tôi cho rằng báo cáo này chưa toàn diện, cần phải hoàn chỉnh thêm, tuy nhiên đây là lần đầu tiên có báo cáo như vậy nên những “trục trặc” là có thể hiểu được, nhưng nhất định sang năm thì báo cáo phải khác đi. 

Đại biểu Trần Kim Mai (Tiền Giang):

Kinh tế tăng trưởng nhưng lòng dân chưa yên

Về lĩnh vực khiếu nại, tố cáo (KNTC), trong suốt nhiệm kỳ QH vừa qua, tính phức tạp của lĩnh vực này càng ngày càng tăng lên.

Qua các báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của QH về vấn đề tiếp nhận, giải quyết đơn thư KNTC, cho thấy tình hình từ chỗ bình thường, rồi ấm lên, nóng lên, phức tạp hơn, hiện nay lan rộng trên 46 tỉnh, thành, trong đó trên 50% tỉnh, thành có vấn đề về kết quả giải quyết KNTC khiến lòng dân chưa yên.

Có thể thấy chất lượng giải quyết KNTC kém ở tất cả các cấp, ngay cả quyết định giải quyết cuối cùng thì theo các báo cáo, khi xem xét lại 266 quyết định cuối cùng (của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư - PV) thì cũng chưa đến một nửa là chấp nhận được.

Hơn một nửa còn lại hoặc không đúng, hoặc phải sửa; 10% trong số này phải hủy. Chúng ta chưa tạo được cho người khiếu nại yên tâm chấp hành pháp luật. Dù chỉ số kinh tế có tăng trưởng 8%, 10% chăng nữa, nhưng lòng dân chưa yên thì xã hội còn bất ổn.

MỚI - NÓNG