Giáo dục pháp luật và chế tài đều yếu

Nhiều thanh thiếu niên không hiểu pháp luật, đến khi gây án mới giật mình biết sợ, nhưng đã muộn (Trong ảnh: Sát nhân Lê Văn Luyện bị bắt)
Nhiều thanh thiếu niên không hiểu pháp luật, đến khi gây án mới giật mình biết sợ, nhưng đã muộn (Trong ảnh: Sát nhân Lê Văn Luyện bị bắt)
TP - Tình trạng phong bì, mãi lộ trong xã hội, giết người quá dễ dàng… là biểu hiện pháp luật không được tôn trọng, gây nguy hại lâu dài cho xã hội, nguyên Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc nhận định.

> Chủ tịch nước khen Ban chuyên án vụ cướp tiệm vàng
> Luật sư thứ hai bào chữa cho Lê Văn Luyện

Nhiều thanh thiếu niên không hiểu pháp luật, đến khi gây án mới giật mình biết sợ, nhưng đã muộn (Trong ảnh: Sát nhân Lê Văn Luyện bị bắt)
Nhiều thanh thiếu niên không hiểu pháp luật, đến khi gây án mới giật mình biết sợ, nhưng đã muộn. Trong ảnh: Lê Văn Luyện - nghi phạm vụ giết người cướp vàng ở Bắc Giang - bị bắt.
 

Pháp luật chính là khuôn khổ, anh đi ra đường phải đi bên phải, đó là khuôn khổ của anh, anh đừng lấn sang đường của người khác, ông Lộc nói.

Từ thời La Mã cổ đại đã có câu nói truyền tụng đến bây giờ đại ý: Ở đâu có xã hội, ở đó có pháp luật. Pháp luật đưa lại cho con người một cuộc sống trật tự.

Lơ là giáo dục

Việc chấp hành pháp luật ở ta lâu nay ra sao, theo ông?

Tôi hằng ngày đọc báo Pháp luật, thấy bây giờ người ta giết người với những lý do quá dễ dàng, đến mức dễ dãi. Có câu chuyện, một thanh niên đánh nhau, giết người, anh ta thì sống nhưng bị thương. Chỉ đến lúc nằm trên xe cứu thương, đau quá anh ta mới tự hỏi về hậu quả mà mình sắp phải nhận.

Tôi trăn trở về sự giáo dục pháp luật cho giới trẻ, nhiều thanh thiếu niên đang thiếu những kiến thức sơ đẳng về quan hệ giữa người với người và trách nhiệm của con người với con người, của con người với tư cách là một cá nhân với xã hội, họ không hề biết gì cả về pháp luật. Đến khi gây án thì mới giật mình biết sợ nhưng đã quá muộn.

Điều này còn thể hiện khi tham gia giao thông?

Đúng vậy! Mỗi ngày chúng ta đang tham gia một cuộc chiến tranh, thương vong rất lớn vì tai nạn giao thông. Hằng ngày lướt xe trên đường phố với chiếc xe máy, có khi là cả chiếc ô tô, đại bộ phận chỉ tìm cách để vượt, lướt, xem đó như một thành quả, hớn hở lắm.

Trước đây tôi học ở nước ngoài, hằng ngày đi trên xe bus, có những chuyện cảm thấy giật mình. Có lần ngồi trên xe nhìn thấy một bà cụ, đến một ngã tư, khi đèn đỏ bật lên, dù phía trước không có xe nào cả nhưng cụ bà vẫn dừng lại như một thói quen, như một phản ứng tự nhiên. Ở ta thì trái ngược, đèn đỏ rồi mà nhiều người đi xe máy vẫn tìm cách lướt, vượt lên, bất chấp.

Như ông nói, việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật của chúng ta chưa được coi trọng?

Tôi ví dụ, bản tin đưa về tai nạn giao thông lại phát ở chương trình buổi sáng sớm, khi đó chắc nhiều người đang ngủ. Tôi cho rằng, việc giáo dục pháp luật của chúng ta yếu, cũng có thể nói hầu như chưa làm, hoặc làm chưa hiệu quả.

“Lương của cảnh sát giao thông ở Cuba rất cao, đảm bảo cuộc sống cho họ. Chứ ở mình, có anh cảnh sát giao thông buổi sáng xử lý xe người vi phạm bằng cách “xin bát phở”.

Đồng lương không chỉ là đời sống mà còn làm cho người ta tự hào về công việc mình làm.

Tôi về địa phương thấy xe cộ anh em rất sang, lương thấp thế này mà sao lại có xe sang như thế. Người trong cuộc thì tìm mọi cách để phá rào. Người làm luật ở mình bây giờ cũng chấp nhận nó. Đây là vấn đề không phải không có cách khắc phục được nhưng vấn đề là phải có một “bàn tay” - ông Nguyễn Đình Lộc.

Tôi nghĩ, anh lái xe cứ mỗi ngày một lần nghe, xem những thông tin về tai nạn giao thông thì chắc chắn phải giật mình, lái xe có ý thức hơn.

Rõ ràng xã hội ta đang có những vấn đề mà chưa có những người có trách nhiệm thực sự lo lắng. Trách nhiệm ở đâu? Hay chẳng ai có trách nhiệm về những chuyện này? Điều này do con người sinh ra đã như thế hay do thiếu giáo dục, đã thành nếp sống của chúng ta?

Ngoài tuyên tuyền, giáo dục, muốn pháp luật được thực thi phải có chế tài, có con người chấp pháp?

Đây cũng là điều tôi lo và suy nghĩ. Chế tài là dấu hiệu không thể thiếu được của pháp luật và có vẻ cũng nghiêm lắm. Nhưng con người rất quan trọng. Ví như tình trạng mãi lộ của cảnh sát giao thông, hôm trước tôi vào Thanh Hóa, khi thấy cảnh sát giao thông dừng xe đang chạy và như có gì sơ suất, lái xe vội móc túi đưa tiền rồi đi.

Tôi mới suy nghĩ, à, mấy anh lái xe chỉ băn khoăn trên đường có cảnh sát hay không, họ ra hiệu cho nhau xem phía trước có cảnh sát không. Như vậy là lái xe lo đối phó cảnh sát chứ không phải lo cho tính mạng của những hành khách trên xe. Khi đối phó được cảnh sát rồi thì việc đảm bảo an toàn cho những người ngồi trên xe ra sao? Từ đó cho thấy môi trường xã hội của chúng ta chưa đủ lành mạnh để đảm bảo cho việc giữ gìn an toàn giao thông.

Nguyên Bộ trưởng tư pháp Nguyễn Đình Lộc
Nguyên Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc.
 

Lỏng lẻo chế tài

Nhiều người đang nói đến từ “văn hóa phong bì” bởi đi đến đâu cũng phải có phong bì để được việc, ông nghĩ sao?

Nghe nói đến “văn hóa phong bì” tôi thấy thật tội nghiệp cho hai từ “văn hóa” quá. Phải nói là “tệ nạn”, “tai họa phong bì”. Người dân để được việc thì phải chấp nhận. Cái nguy cơ của xã hội ta là ở chỗ ấy. Đừng nên nghĩ dân bằng mặt như thế là yên ổn. Người dân phải đưa phong bì chỉ bằng mặt mà không bằng lòng.

Phải thấy đó là cả một việc xấu xa chứ không có gì là tốt đẹp. Từ những việc xấu xa cụ thể nếu nó phát triển rộng mãi ra thì thành một xã hội xấu xa mất. Nó là nguồn cơn tiềm ẩn những bất ổn.

Những người có trách nhiệm với sự phát triển của xã hội người ta lo ở chỗ ấy. Không thể chấp nhận một xã hội tất cả đều phải qua phong bì, không đưa không được.

Như vậy là có nhiều nơi pháp luật chưa với tới, nên mới có đất cho tham nhũng, phong bì bôi trơn?

Không phải ngẫu nhiên mà ta nói hoàn thiện pháp luật, nhưng mà đúng là chúng ta đang có tình trạng có rất nhiều luật nhưng cuối cùng lại vẫn “luật rừng”.

Phải thấy rằng cuộc sống của chúng ta hôm nay là hậu quả của một cách sống, cách quản lý xã hội. Mỗi người có một băn khoăn, nếu tin rồi sẽ tốt đẹp hơn thì cũng không dám, nói sẽ xấu hơn à, thì cũng chưa dám. Có người cũng hỏi tôi, nếu cứ như thế này rồi thì sẽ đến đâu?

Theo ông, mức độ nhờn luật của chúng ta đang ở mức độ và quy mô nào?

Tôi nghĩ không đến mức phổ biến hoàn toàn nhưng cá biệt thì cũng không phải.

Thế còn chế tài, chế tài trong pháp luật đã nghiêm chưa?

Chế tài của chúng ta không nghiêm vì chính những người thực hiện chế tài cũng không nghiêm. Những biểu hiện nhũng nhiễu không chỉ thấy ở cảnh sát giao thông mà còn xuất hiện ở ngay trong ngành tư pháp, thi hành án, có chuyện mặc cả với nhau, có khi còn 50/50.

Đối với người dân thì những chuyện như thế này cứ dần dần tích lũy, người dân suy nghĩ nhiều về cách quản lý xã hội, nghĩ đến ông cán bộ nhà nước. Tình trạng gia tăng sự chống lại người thi hành công vụ cũng là một biểu hiện mà đó không còn là sự bột phát nữa.

Hà Nhân - Xuân Thành

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG