Giáo sư tiến sĩ nông dân

GS.TS Nguyễn Thị Lang đang hướng dẫn sinh viên
GS.TS Nguyễn Thị Lang đang hướng dẫn sinh viên
TP - Ít người biết bà, dù Nguyễn Thị Lang là cái tên quen thuộc trong giới nghiên cứu lúa ở Việt Nam. Đồng nghiệp quốc tế đánh giá bà “là một trong những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực phát triển gene có khả năng chống chịu lại độ mặn”. Xuất thân cơ hàn, câu chuyện đi học của tiến sĩ Lang từng được một nhà biên kịch đề nghị đưa vào phim.

Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thị Lang, Trưởng bộ môn Di truyền Chọn giống Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, tác giả ba công trình nghiên cứu sau tiến sĩ về phát triển bản đồ gene cây lúa ở Philippines, Nhật Bản và Mỹ vừa được vinh danh tại giải thưởng Khoa học L’Oréal - UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học (L’Oreal - UNESCO For Women in Science) vào ngày 29/11/2016 tại Hà Nội.

Tiến sĩ làm ruộng giỏi hơn nông dân

Lên Sài Gòn nhập học, Nguyễn Thị Lang phải tá túc nhờ một gia đình lao công ở hầm cầu thang của giảng đường, sát dãy nhà vệ sinh. Trong cái “hộp” tối tăm bốc mùi ấy, cô sinh viên quê Bến Tre vừa làm thêm vừa nỗ lực kiếm học bổng để trang trải cuộc sống.

Khi đã lấy chồng, có con và đi học tiến sĩ, Nguyễn Thị Lang vẫn khiến đồng nghiệp quốc tế phải tắc lưỡi thán phục. Một mình ôm con mới hai tháng rưỡi sang xứ người, mỗi ngày bốn lần chạy đi chạy lại giữa nhà trẻ và phòng nghiên cứu để cho con bú và làm việc. Lúc đó nhớ nhà nhưng không dám về, sợ về rồi thì bỏ ngang không muốn đi nữa.

Làm việc tại Viện Lúa đồng bằng sông cửu long, thời gian nghiên cứu của Nguyễn Thị Lang chủ yếu ở ngoài ruộng. Đây là công việc quen thuộc với chị từ thơ bé. Nhà nghèo, đông con, hơn 10 tuổi Nguyễn Thị Lang đã phải tự mình chăm sóc, thu hoạch cả hecta lúa mỗi năm. “Lúc ấy cực lắm, chẳng có phương tiện hỗ trợ, dưới ruộng thì toàn đỉa. Khi đó đã nghĩ, làm thế nào có giống lúa mới thời gian sinh trưởng ngắn thôi nhưng năng suất phải cao”.

Làm nghiên cứu nhưng chị phải tự lai giống trong phòng thí nghiệm, gieo mạ, cấy, thu hoạch. Những năm chín mươi, các công trình nghiên cứu đều không có tiền đầu tư, giống lúa mới cũng chính là lương thực để chị nuôi mình, nuôi công trình nghiên cứu. Đến khi có thành quả, xuống phổ biến cho bà con, lúc đầu họ còn e ngại không làm. Giải thích tới lui, bà con chỉ nghĩ chị là cán bộ khuyến nông. Đến khi người trên huyện xuống giới thiệu: đây là tiến sĩ nghiên cứu lúa, mọi người đều ngạc nhiên: tưởng tiến sĩ chỉ ngồi ở phòng thôi chứ! Bà con hỏi rất nhiều câu, chị đều trả lời được. Khi thực hành mẫu, nông dân “xịn” lại lần nữa kinh ngạc: tiến sĩ mà làm ruộng giỏi dữ!

Nghèo nên phải học tiếng Anh

Cái nghèo o ép còn khiến Nguyễn Thị Lang luyện được khả năng nói tiếng Anh cơ bản. Khi đó, cứ nửa năm, Viện lại tổ chức thi sát hạch ngoại ngữ một lần. Những người vượt qua sẽ được nhận một khoản tiền thưởng. Vì số tiền thưởng này, chị Lang dành không ít thời gian để học nói tiếng Anh.

Vào năm 1995, khi chị vừa bảo vệ xong luận án tiến sĩ, đang trong phòng nghiên cứu, có một người nước ngoài trong đoàn chuyên gia của Quỹ Rockefeller sang Viện làm việc vào bắt chuyện. Hai người nói về công việc, bằng cấp và nguyện vọng. Chị nói muốn ra nước ngoài học tiếp để cập nhật tri thức và nâng cao trình độ tiếng Anh…

Sau một tuần, chị được thư mời kèm theo mẫu hồ sơ đăng ký học chương trình sau tiến sĩ về công nghệ sinh học. Đó cũng là lần đầu tiên tiến sĩ Lang được đi nước ngoài. Được bố trí ở khách sạn sang trọng nhưng chị phải nhịn đói cả ngày vì không dám ăn đồ ăn trong phòng, sợ không đủ tiền trả.

Trước khi bước vào trả lời phỏng vấn của hơn 20 nhà khoa học, may có một người hỏi chị ăn sáng chưa. Thật thà nói là chưa, và sau đó được mời một đĩa bánh thì ăn hết sạch. Sau cuộc phỏng vấn ấy, chị Lang được phép chọn một trong sáu tổ chức ở Mỹ, châu Âu, và IRRI (Viện nghiên cứu lúa quốc tế - Philippines) làm nghiên cứu sau tiến sĩ theo kinh phí của Quỹ Rockefeller. Chị đã chọn IRRI chỉ đơn giản vì tổ chức này hồi âm sớm nhất.

Ở IRRI, Nguyễn Thị Lang làm đề tài gene mặn, sau đó tiếp tục phát triển tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Nhật Bản về Khoa học Nông nghiệp (JIRCAS) vào năm 2000. Lúc ấy chị đang mang bầu con thứ hai. Phía Nhật khuyên hay là bảo lưu kết quả, sinh xong lại làm tiếp. Chị trả lời: đã quyết tâm đi rồi không quay lại. Cùng với 10 nhà khoa học từ khắp các quốc gia, không có bất cứ ưu tiên gì, Nguyễn Thị Lang vừa chiến đấu với ốm nghén vừa cố gắng ra được công trình xây dựng bản đồ gen mặn.

Biến “lúa ma” thành vàng

Giáo sư tiến sĩ nông dân ảnh 1

GS.TS Nguyễn Thị Lang.

Một trong những đóng góp nổi bật của tiến sĩ Lang là việc chọn tạo thành công các giống lúa chịu mặn mà dân gian gọi là “lúa ma”. “Lúa ma” là?một giống lúa hoang dã ở vùng trũng Đồng Tháp Mười. Vào mùa lũ, lúa ma vượt lên nước lũ để?trổ đòng,?đơm bông. Biết lúa ma có sức sống mãnh liệt, tiến sĩ Nguyễn Thị Lang đã cùng chồng là?GS Bùi Chí Bửu (cũng là một nhà khoa học nổi tiếng về cây lúa) lặn lội về Đồng Tháp Mười tìm cách nghiên cứu kết hợp những tính năng chịu đựng ưu việt của lúa ma với giống lúa cao sản để?tạo nên một giống lúa mới.

Hơn 10 năm sau, giống lúa mới mang tên AS996 (còn có tên là OM2424) đã ra đời với các tính năng nổi trội về khả năng sinh trưởng trong điều kiện đất phèn, thiếu lân, khả năng chịu mặn cao, kháng rầy nâu, phát triển tốt ở nhiều vùng, đạt năng suất cao... trở thành giống lúa chuẩn mực về tính chống chịu trong điều kiện khắc nghiệt. AS996 không chỉ được trồng rộng rãi ở các vùng ngập mặn nước ta mà còn “di cư” sang nhiều nước trên thế giới.

Một thời gian sau, bà lại lai tạo thành công giống OM 4498, chỉ sinh trưởng trong vòng 100 ngày, có thân rạ cứng, có khả năng đẻ nhánh nhiều, thích ứng với phèn và mặn, năng suất cao, cơm ngon, chống chọi tốt với bệnh rầy nâu và đạo ôn.

Từ năm 2006 đến nay, bà liên tục hoàn thành các chương trình sau tiến sĩ về di truyền – giống, di truyền phân tử, công nghệ sinh học, về chuyển gen và chuyển giao kĩ thuật...?Đây là?những vấn đề rất thiết thực đối với thực tiễn sản xuất và?chất lượng lúa gạo xuất khẩu ở Việt Nam.?

Năm 2009, bà được phong hàm Giáo sư.

Trong hơn 25 năm làm nghiên cứu, GS.TS Nguyễn Thị Lang đã lai tạo thành công hơn 73 giống lúa, trong đó có 31 giống lúa đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận và đưa vào sản xuất tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, 106 giống lúa được đánh giá là triển vọng và đang trong quá trình khảo nghiệm cấp quốc gia. Hơn 43 công trình nghiên cứu của giáo sư đã mang đến giải pháp và ứng dụng thực tiễn cho sản xuất và thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Từ năm 2011 đến 2015, đã có 334 công trình khoa học được công bố với 59 hội thảo khoa học quốc tế được tiến hành.

Cho đến nay, tiến sĩ Lang chia sẻ: khó khăn nhất trong việc nghiên cứu của bà vẫn là kinh phí. “Nếu trông vào kinh phí rót từ ngân sách sau khi chia năm xẻ bảy thì chỉ đủ để thực hiện được những đề tài nhánh”. Phần lớn những đề tài nghiên cứu của bà hiện nay đều từ nguồn kinh phí của nước ngoài. 

Trong hơn 25 năm làm nghiên cứu, GS.TS Nguyễn Thị Lang đã lai tạo thành công hơn 73 giống lúa, trong đó có 31 giống lúa đã được Bộ NN&PTNT công nhận và đưa vào sản xuất tại các tỉnh ĐBSCL.

Gia đình khoa học

Hiện tại, giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Thị Lang đã nghỉ hưu nhưng bà vẫn đang làm nghiên cứu viên cao cấp của Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long.

Năm 2011, Giáo sư Lang từng được nhận giải thưởng Phụ nữ Việt Nam do có thành tích đặc biệt trong việc chọn tạo hàng chục giống lúa lai có khả năng chịu mặn, năng suất, chất lượng cao.

Chồng bà, giáo sư tiến sỹ Bùi Chí Bửu cũng từng được trao giải thưởng Nhân tài đất Việt 
năm 2010.

Vợ chồng giáo sư Lang có con trai là tiến sỹ Bùi Chí Bảo, giảng viên trường Đại học Y Dược TPHCM và con dâu là bác sỹ Châu Gia Cát, công tác tại Bệnh viện Hùng Vương thành phố Hồ Chí Minh cũng đã bảo vệ luận án tiến sĩ Y khoa tại Hàn Quốc.

Giải thưởng khoa học L’Oreal - UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học (For Women in Science) được trao thường niên do Hội đồng Khoa học độc lập gồm 6 giáo sư đầu ngành trong các lĩnh vực Khoa học Đời Sống và Khoa học Vật liệu đề cử. Năm nay, ngoài GS - TS Nguyễn Thị Lang, còn có TS Nguyễn Thị Mùa, Phòng Nghiên cứu khoa học - công nghệ và kiểm định phương tiện phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
(Bộ Công an). Ngoài ra, trong khuôn khổ của giải thưởng trên, có 3 nhà nghiên cứu trẻ được trao học bổng Nhà nghiên cứu Khoa học trẻ tài năng. 

MỚI - NÓNG