Giao thông Đại lộ Thăng Long chưa đúng thiết kế

Xe máy vẫn “vô tư” vượt lên làn cao tốc
Xe máy vẫn “vô tư” vượt lên làn cao tốc
TP - Để hạn chế tình trạng vi phạm, tai nạn giao thông, từ ngày 15-11, Sở GTVT Hà Nội đã tổ chức lại giao thông trên Đại lộ Thăng Long. Tuy nhiên, theo đơn vị thi công, cách tổ chức này vẫn chưa phù hợp với thiết kế nên vi phạm vẫn tái diễn.

 >> Phế thải, bụi phủ ngập Đại lộ Thăng Long

Xe máy vẫn “vô tư” vượt lên làn cao tốc
Xe máy vẫn “vô tư” vượt lên làn cao tốc . Ảnh: T.Đảng

Trên 100 thanh tra cho gần 30km đường

Không chỉ người đi bộ "xé rào" băng qua đường, nhiều phương tiện như xe máy, ba gác… khi chạy đến các điểm giao cắt với đường gom cũng vô tư phóng thẳng lên phần đường cao tốc để đi.

Theo ghi nhận của phóng viên vào sáng 17-11, tại các điểm giao cắt giữa đường gom và cao tốc như nút giao với Đại học Tây Nam, nút giao với hầm chui đường sắt xã Tây Mỗ, nút giao với công viên Thiên đường Bảo Sơn và các nút giao ở các xã An Khánh (Hoài Đức), Ngọc Mỹ (Quốc Oai)… vẫn có vô số xe máy và xe ba gác lao vào phần đường cao tốc.

Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, toàn tuyến Đại lộ Thăng Long dài 29km, với trên 60 chốt giao cắt, những ngày qua, 120 thanh tra viên đã được huy động án ngữ tại các chốt để hướng dẫn, không cho xe máy, xe thô sơ đi vào đường cao tốc.

Tuy nhiên đầu giờ sáng 17-11, do không thấy lực lượng thanh tra nên tại các nút trên, xe máy, xe thô sơ vẫn vô tư đi sai luật. Lý giải việc này, nhiều chủ phương tiện cho rằng, do đường gom quá xấu, bụi bặm và phương tiện đông, qua lại lộn xộn, để an toàn và lưu thông được thuận tiện hơn, họ phải vượt lên đường cao tốc.

"Hệ thống đường gom vừa nhỏ vừa hẹp và thi công dở dang, nhưng tất cả các phương tiện đều có thể đi lại; hơn nữa xe máy, xe thô sơ còn được đi cả hai chiều nên rất nguy hiểm, nhất là vào ban đêm. Để tìm lối thoát, nhiều chủ phương tiện đã phải vượt lên làn cao tốc" - Ông Trần Đình Quốc, một người dân ở xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm nói.

Chưa đúng thiết kế

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, từ ngày 15-11 thanh tra Sở GTVT đã tổ chức lại giao thông trên Đại lộ. Theo đó, phần đường cao tốc chỉ dành riêng cho ô tô lưu thông với tốc độ 80km/h cho làn 1 - 2, 60km/h cho làn 3, riêng làn 4 dành cho việc dừng xe khẩn cấp. Với dải đường gom (đường đô thị) ở hai bên dành cho xe máy, xe thô sơ được chạy hai chiều; riêng ô tô đi một chiều theo hướng phải tuyến.

"Cùng với việc tổ chức trên, những ngày qua, thanh tra sở đang phối hợp với lực lượng liên ngành (GTVT - Công an thành phố, Ban quan lý dự án Đại lộ Thăng Long - PV) để thu dọn, hoàn thiện tuyến đường và bổ sung hệ thống biển báo, chỉ dẫn giúp các phương tiện tham gia giao thông thuận lợi hơn" - Ông Cường nói.

Tuy nhiên, theo Ban quản lý dự án Đại lộ Thăng Long (Vinaconex) việc tổ chức này đã không đúng với thiết kế của tuyến đường. Cụ thể, tốc độ thiết kế của phần đường cao tốc sau khi hoàn thành là 120km/h và hai bên đường gom chỉ tổ chức giao thông một chiều để tránh xung đột cho các phương tiện.

Nhưng với cách tổ chức mới của thanh tra Sở GTVT thì tốc độ không chỉ bị chậm lại mà hai bên tuyến đường gom còn được tổ chức giao thông ngược lại. Điều này không chỉ làm chậm tốc độ lưu thông mà còn làm tăng nguy cơ ùn ứ, tai nạn và khiến nhiều phương tiện phải vượt lên đường cao tốc.

"Với một tuyến cao tốc chuẩn như Đại lộ Thăng Long, cách tổ chức này về lâu dài sẽ không ổn"- Ông Phạm Văn Thiết, Trưởng phòng kỹ thuật thi công, Ban quản lý dự án đại lộ Thăng Long (Vinaconex) nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.