Giao thông đường thủy: Nhiều bất cập phơi bày

Giao thông đường thủy: Nhiều bất cập phơi bày
TP - Phương tiện chở khách nhưng quy định tải trọng bằng tấn, không theo số người; hoạt động đan xen, dày đặc trên luồng hàng hải, theo kiểu “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao, trong khi việc cứu hộ, cứu nạn, thậm chí khái niệm về tai nạn giao thông (TNGT) đường thủy không hề có.

> Bộ trưởng Thăng: Quy trách nhiệm người thấy tai nạn chìm tàu nhưng không cứu
> Phải xử nghiêm chủ tàu vi phạm

Những bất cập được phơi bày trong quá trình Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM (ĐBQH) khảo sát việc thực hiện Luật Giao thông đường thủy nội địa (GTĐTNĐ) ngày 23/8.

Kẽ hở chết người

Sáng 23/8, tại bến đò Bình Qưới (phường 28, quận Bình Thạnh), nhiều hành khách (HK) qua sông không mặc áo phao. Ông Hoàng Song Hà, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh cho biết đã yêu cầu các chủ phương tiện trang bị nhưng nhiều người không mặc vì sợ bẩn và bất tiện.

Tại bến tàu khách thành phố, chỉ chiếc tàu cũ, gỉ sét chở đầy khách, Giám đốc Sở GTVT TPHCM Tất Thành Cang khẳng định: Bằng mắt thường cũng xác định được chiếc tàu không đảm bảo an toàn. Trưởng Đoàn ĐBQH Huỳnh Thành Lập chất vấn: Sao không kiểm tra, đình chỉ? “Chúng tôi kiểm tra, họ trưng ra giấy đăng kiểm chứng nhận phương tiện đảm bảo an toàn. Cơ quan đăng kiểm không trực thuộc nên sở bó tay” - ông Cang nói.

Theo Sở GTVT, TPHCM hiện đang quản lý 87 tuyến giao thông thủy với gần 600 km sông rạch có chức năng GTĐT. Toàn thành phố có 388 bến cảng ĐTNĐ, trong đó có 47 bến hoạt động không phép. Các chủ bến này đối phó bằng cách ngưng hoạt động khi có đoàn kiểm tra.

Ông Nguyễn Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè cho biết: Nhiều bến không có giấy phép của Sở GTVT nhưng trong giấy đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch Đầu tư lại có nên khi kiểm tra, chủ bến cho rằng hoạt động theo Luật doanh nghiệp.

Theo ông Hải Nam, đại diện Cảng vụ hàng hải TPHCM, nhiều phương tiện GTĐT có tải trọng lên tới hàng nghìn tấn, hoạt động đan xen trong luồng của tàu biển nên cần phải tuân thủ quy định của hàng hải về phòng ngừa đâm va phương tiện trên biển theo tiêu chuẩn quốc tế. Trong khi đó, nhiều thuyền trưởng, kể cả những người có chứng chỉ lại không nắm vững quy định này. Ngoài ra, quy tắc vận hành giữa giao thông thủy và hàng hải lại khác nhau. Đơn cử, tàu biển xin vượt thì kéo hai tiếng còi dài, trong khi tín hiệu này trong giao thông đường thủy báo hiệu phương tiện đang… mất kiểm soát.

Đại tá Võ Văn Vân, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường thủy Công an TPHCM cho biết đến nay vẫn chưa có khái niệm về TNGT đường thủy. Luật và các văn bản hướng dẫn chưa quy định nên việc cứu hộ, cứu nạn hiện nay là khi phương tiện đã chìm, các nạn nhân hầu hết đã chết.

“Những chiếc phà chở hàng trăm khách mỗi lượt được quy định tải trọng bằng tấn, không theo số người, khi xảy ra TNGT, hậu quả sẽ khôn lường” – ông Vân cảnh báo.

Ông Huỳnh Thành Lập kể: Còn lần tôi về miền Tây, lúc lên tàu, người ta yêu cầu ghi họ tên, địa chỉ vào cuốn sổ, chắc là đề phòng nếu gặp nạn, còn biết liên lạc với người nhà.

Cấm nhập tàu cao tốc sử dụng trên 10 năm

Đó là kiến nghị của Sở GTVT và Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy trong buổi làm việc với Đoàn ĐBQH TPHCM.

Chiều cùng ngày, tại bến tàu khách thành phố, chiếc tàu cánh ngầm số hiệu 123N SG-4774 chở đầy khách nặng nề vào bến. Thân tàu nhiều chỗ móp méo, gỉ sét. Đại tá Võ Văn Vân cho biết tại TPHCM hiện có bốn đơn vị kinh doanh vận tải HK bằng tàu cánh ngầm tuyến TPHCM - Vũng Tàu, (trong đó Cty TNHH MTV Sài Gòn cao tốc đã ngưng hoạt động để sửa chữa phương tiện) với tổng số phương tiện là 21 chiếc, sức chở từ 75 đến 140 khách, trong đó chỉ có 11 chiếc gắn hai máy, còn lại là loại tàu có một máy.

Điều đáng nói, hiện nay, chỉ có 11/21 phương tiện đang hoạt động. Tàu được nhập từ Nga, Ucraina đã qua sử dụng, đến nay, tuổi đời đã cao. Có chiếc sử dụng trên 20 năm, chất lượng vỏ, máy và trang thiết bị hành trình xuống cấp trầm trọng nên liên tục gặp sự cố. Chỉ trong 7 tháng đầu năm nay, tàu cánh ngầm đã xảy ra 14 sự cố hỏng động cơ, bể ống dầu, mắc cạn, vỡ kính, trong đó riêng tháng 7/2013 là bảy vụ. Trong khi đó tàu hoạt động trên vùng nước có nhiều đoạn cong, gấp rất nguy hiểm.

Phó giám đốc Sở GTVT Trần Thế Kỷ kiến nghị Bộ GTVT sớm trình Thủ tướng ban hành Nghị định quy định niên hạn sử dụng phương tiện thủy cao tốc chở khách và không cho phép nhập khẩu phương tiện đã qua sử dụng trên 10 năm.

Vụ chìm ca nô: Tàu của CSGT đường thủy chỉ ra được đến…cửa biển

Đại tá Võ Văn Vân cho biết khi biết ca nô H29-BP gặp nạn vào tối 2/8, lãnh đạo TPHCM đã huy động lực lượng đến hiện trường cứu các nạn nhân nhưng tàu của Phòng CSGT đường thủy TPHCM bó tay vì được cấp phép chạy trên sông, chỉ ra được đến cửa biển Cần Giờ. Theo Phòng CSGT đường thủy, UBND TPHCM mới chỉ có chủ trương đưa vào khai thác bảy tuyến du lịch đường sông.

Tuy nhiên, Tổng công ty du lịch Sài Gòn đã đưa đội tàu ca nô có sức chở 6 - 40 người phục vụ du khách, trong khi Sở GTVT chưa công bố các tuyến du lịch trên đường thủy cố định và nhiều luồng tuyến chưa thông suốt, mất an toàn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG