Giao thông Hà Nội cận Tết: Tắc nghẽn

Giao thông Hà Nội cận Tết: Tắc nghẽn
TP - Những ngày áp Tết, nhiều tuyến đường Thủ đô lại nghẽn cứng. CSGT tăng giờ làm, tăng ca nhưng vẫn không thể giữ được trật tự.

> Ám ảnh tắc đường ngày Tết

Do ảnh hưởng lô cốt giữa đường, nút Tây Sơn - Thái Hà tắc cứng (ảnh chụp lúc 10 giờ sáng qua). Ảnh: Anh Trọng
Do ảnh hưởng lô cốt giữa đường, nút Tây Sơn - Thái Hà tắc cứng (ảnh chụp lúc 10 giờ sáng qua). Ảnh: Anh Trọng.
 

Cấm taxi cũng như không

Thông thường, ùn tắc trên các tuyến đường chỉ xảy ra vào giờ cao điểm sáng/chiều. Tuy nhiên, những ngày áp Tết, ùn tắc xảy ra trong mọi thời điểm và trên diện rộng. Sáng 19-1, trên đường Nguyễn Trãi, tại các khu vực như vòng xuyến ngã tư Khuất Duy Tiến, ngã ba Thượng Đình và Cầu Mới (quận Thanh Xuân), nhiều lúc phương tiện phải chôn chân hàng chục phút và kéo dài hàng trăm mét.

“Tình trạng này kéo dài đến khoảng 9h sáng và tiếp tục lập lại từ 4h đến 8h tối, nhiều người đi lại bằng xe buýt đã phải xuống xe để đi bộ”, anh Nguyễn Ngọc Ánh, một chủ cửa hiệu kinh doanh trên đường Nguyễn Trãi, cho biết.

Tình trạng ùn tắc trên diện rộng cũng xảy ra với nhiều tuyến phố trung tâm như Giải Phóng, Đại Cồ Việt - Kim Liên, Bưởi, Hoàng Hoa Thám, Khâm Thiên; thậm chí các tuyến phố Tây Sơn - Tôn Đức Thắng, Thái Hà - Chùa Bộc, Láng Hạ - Giảng Võ, Xuân Thuỷ - Cầu Giấy, Chương Dương. Dù taxi bị cấm hoạt động, nhưng giờ cao điểm một số tuyến phố này vẫn có nhiều taxi.

Từ ngày 3-1 đến 20-1 (tức ngày 10 đến 27 tháng chạp) ngoài cấm xe tải, Sở GTVT còn cấm cả taxi đi trong giờ cao điểm. Tuy nhiên, lệnh cấm này chỉ tỏ ra hiệu quả hơn tuần đầu thực hiện, còn càng vào những ngày áp Tết, không chỉ xe chở hàng mà nhiều taxi vẫn chạy vào các tuyến phố cấm bắt khách.

Hơn nửa đường Tây Sơn bị quây lô cốt, các phương tiện phải dạt ra hai bên rìa. Ảnh: Anh Trọng
Hơn nửa đường Tây Sơn bị quây lô cốt, các phương tiện phải dạt ra hai bên rìa. Ảnh: Anh Trọng.
 

Quây lô cốt bịt đường

Ngoài sự tăng đột biến của phương tiện; một nguyên nhân cũng làm cho một số tuyến phố ùn tắc những ngày qua là có nhiều công trình xây dựng dở dang. Thậm chí, có công trình khởi công xây dựng đúng dịp cuối năm, khiến nhiều tuyến đường bị đào bới.

Tây Sơn, Chùa Bộc, Thái Hà được xem là những tuyến phố bị ùn tắc nặng nhất. Lòng đường các tuyến phố này bị cày xới để chuẩn bị dự án cầu vượt lắp ghép ở đây. Riêng tuyến phố Tây Sơn đoạn trước ĐH Thủy lợi, một nửa lòng đường tại dải phân cách giữa bị quây lô cốt để tập kết vật liệu.

Phương tiện gia tăng, lòng đường bị thu hẹp, hệ thống đèn tín hiệu cũng bị ủi để phục vụ công trình khiến tuyến đường Tây Sơn và nút Tây Sơn - Chùa Bộc những ngày qua ùn tắc nặng. 10h sáng qua, dù không phải giờ cao điểm, Đội CSGT số 3 huy động CSGT đứng phân luồng nhưng giao thông ở đây vẫn tắc cứng.

Tại các tuyến dừng như Láng Hạ, Huỳnh Thúc Kháng xảy ra tình trạng tương tự khi nút giao Láng Hạ - Thái Hà cũng bị quây lô cốt để thi công cầu vượt lắp ghép. Ngoài ùn tắc, vỉa hè phố Láng Hạ trước Trung tâm Chiếu phim Quốc gia còn bị đào bới thành những hố sâu.

Sở GTVT Hà Nội cho biết, để giải quyết ùn tắc cho hai nút giao thông Chùa Bộc - Thái Hà và Thái Hà - Láng Hạ, Sở đang giao cho Ban Quản lý dự án Giao thông đô thị (Sở GTVT) làm chủ đầu tư thực hiện hai dự án xây cầu vượt lắp ghép ở đây trong vòng 6 tháng. Dự kiến, cả hai dự án được khởi công vào ngày 21-1 (tức 28 tháng chạp).

Vì sao chủ đầu tư lại chọn thời điểm áp Tết, phương tiện đi lại đông để khởi công? Ông Dương Đức Thái, Giám đốc Ban Quản lý dự án Giao thông đô thị (Sở GTVT) nói, đây là chủ trương của thành phố và ban chỉ biết thực hiện theo tiến độ đã được đặt ra. Tuy nhiên, việc phương tiện tăng cao cũng chỉ diễn ra trên các tuyến phố 1-2 hôm nữa và ban sẽ tăng cường phối hợp chặt với cảnh sát - thanh tra giao thông để hướng dẫn, phân luồng, ông Thái nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.