Giao thông - Những con số giật mình

Giao thông - Những con số giật mình
Năm 2007 đã xảy ra 14,6 nghìn vụ tai nạn giao thông, làm chết 13,2 nghìn người, làm bị thương 10,5 nghìn người. Như vậy, bình quân một ngày có 40 vụ, 36 người chết, 29 người bị thương do tai nạn giao thông.
Giao thông - Những con số giật mình ảnh 1
Bình quân 4 người dân Việt Nam có một chiếc xe máy

Mức độ thiệt hại không khác gì, thậm chí còn hơn cả nhiều cuộc chiến tranh.

Thiệt hại về vật chất theo tính toán của chuyên gia quốc tế lên đến gần 1 tỉ USD, trong khi GDP của nước ta năm 2007 tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái chỉ có 71,2 tỉ USD. Có nghĩa là thiệt hại vật chất do tai nạn giao thông gây ra đã lên tới gần 1,5% GDP.

Có khách quốc tế sau khi đến nước ta đã nói, ở Việt Nam nhìn chung là tốt, nhưng sợ nhất là chết vì tai nạn giao thông.

Điều đáng nói là trong khi tỷ lệ đất dành cho giao thông ở hai đô thị lớn của nước ta chỉ bằng một phần tư, một phần ba của các nước, việc mở rộng đường giao thông vừa thiếu thốn, vừa khó khăn do chi phí giải phóng mặt bằng quá lớn, chung cư cao tầng mọc lên ngày một nhiều, đường giao thông ngầm, đường giao thông trên cao có lẽ còn lâu mới thành hiện thực,... thì phương tiện giao thông cá nhân cứ tăng vùn vụt.

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, trong năm 2007, các địa phương đã cấp đăng ký mới cho 133,5 nghìn ô tô và 3,1 triệu xe máy, nâng tổng số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ hiện có của nước ta lên 22,83 triệu chiếc, trong đó có 1,11 triệu ô tô và 21,72 triệu chiếc mô tô - xe máy.

Như vậy, bình quân 4 người dân Việt Nam có một chiếc xe máy, tức bình quân 1 hộ có trên 1 chiếc xe máy - một con số kỷ lục trên thế giới. Đã vậy, hằng năm vẫn tiếp tục nhập khẩu 140 nghìn chiếc xe máy nguyên chiếc và lắp ráp trong nước gần 3 triệu chiếc.

Ô tô ở Việt Nam chưa nhiều, về mật độ còn ở mức 80 người có một chiếc - thấp xa Hàn Quốc có mật độ chưa đến 4 người/ô tô, nhưng cứ với đà nhập khẩu khoảng 30 nghìn chiếc và lắp ráp trong nước khoảng 73 nghìn chiếc/năm, nếu đường sá cứ như thế này, nếu ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông không được nâng lên, thì chẳng những thiếu đường cho xe chạy mà đến chỗ đỗ cũng còn thiếu!

Vấn đề đặt ra là cần tập trung cho việc cải thiện hạ tầng cơ sở, nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành luật lệ giao thông của người tham gia giao thông, giảm mật độ xây dựng chung cư cao tầng ở nội đô, tăng các nút giao thông khác mức, khẩn trương xây dựng đường tàu điện ngầm, đường sắt trên cao - là những phương tiện chuyên chở có khối lượng nhiều nhất, nhanh nhất, ít ách tắc nhất.

Trong điều kiện đầu tư nước ngoài đang vào Việt Nam tăng mạnh, thì đây là một thời cơ vàng để nâng cấp và cải thiện hạ tầng cơ sở, trong đó có giao thông vận tải. Ngoài ra, nên đưa các xí nghiệp, trường đại học - cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp ra khỏi nội đô, đồng thời tăng chế tài xử phạt vi phạm giao thông.

Theo Ngọc Minh
Thanh Niên

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.