Giao thừa Hà Nội rực rỡ trong mưa xuân

Giao thừa Hà Nội rực rỡ trong mưa xuân
TPO - Giao thừa, Thủ đô như bừng sáng trong màn pháo hoa rực rỡ xen lẫn ánh sáng của đèn trời trên cao. Năm nay, đúng thời khắc giao thừa, giữa tiết trời se lạnh mưa xuân đã phơi phới bay...

>> Chùm ảnh thời khắc giao thừa Hà Nội

Giao thừa Hà Nội rực rỡ trong mưa xuân ảnh 1
Pháo hoa trên Hồ Gươm. Ảnh: Hồng Vĩnh

Ngay từ 20 giờ, rất đông bạn trẻ đã tụ tập tại Nhà hát Lớn (Hà Nội) lên kế hoạch đón giao thừa. Không ít người ở bên kia cầu Long Biên cũng đi bộ về đây để chuẩn bị “kéo quân” ra hồ Hoàn Kiếm xem pháo hoa.

Dù chưa đến thời khắc giao hòa giữa năm cũ và năm mới, nhưng nhiều bạn trẻ vẫn thả đèn trời để cầu chúc cho một năm mới nhiều may mắn. “Chúng mình mua 30.000 đồng một chiếc đèn, dù hơi đắt nhưng không sao vì hôm nay là ngày đặc biệt. Lúc thả đèn trời, mình đã ước năm nay đỗ đại học” – Thùy Linh, một bạn trẻ ở quận Hai Bà Trưng tâm sự.

Giao thừa Hà Nội rực rỡ trong mưa xuân ảnh 2
Một trong những điểm mới của giới trẻ trong đêm giao thừa năm nay là thả đèn trời. Ảnh: Hồng Vĩnh

Tại Hồ Tây, rất đông các bạn trẻ cũng tụ tập, cùng nhau đón thời khắc thiêng liêng của năm mới. Dù trời lạnh, mưa xuân, nhưng không ai cảm thấy lạnh. Họ ngồi trong các quán nước tâm sự, chụp ảnh kỷ niệm và tiếp tục… thả đèn trời để gửi những điều mong ước bay cao.

Dường như đã thành thói quen, đêm giao thừa, hàng nghìn người dân Thủ đô lại đổ về hồ Hoàn Kiếm để được tận mắt chứng kiến màn pháo hoa lộng lẫy. Để có thể xem pháo hoa ở góc nhìn đẹp nhất, nhiều bạn trẻ phải ngồi từ sớm giữ chỗ.

“Chúng mình mang bia, nước ngọt và một ít đồ nhậu đến đây ngồi vừa nhận chỗ xem pháo hoa, vừa nói chuyện nhân dịp đầu năm mới” – Ngọc Thành và nhóm bạn ở phường Ngọc Thụy (Long Biên) cho biết.

Giao thừa Hà Nội rực rỡ trong mưa xuân ảnh 3
Hàng nghìn người dân Hà Nội tập trung ở hồ Hoàn Kiếm để đón giao thừa. Ảnh: Hồng Vĩnh
Một trong những nét nổi bật của giới trẻ năm nay là thả đèn trời. Dù giá dao động từ 30.000 - 50.000 đồng/chiếc, nhưng nhiều bạn trẻ vẫn vui vẻ mua đèn trời để thả vào đêm giao thừa.
Tại Mỹ Đình, cầu Long Biên, hay ở bất kỳ con đường nào của Hà Nội, bạn cũng có thể bắt gặp những người trẻ đang háo hức thả đèn trời mang theo những ước mơ đầu năm mới.

Quanh hồ Hoàn Kiếm, hàng nghìn người đứng dưới đường xem các tiết mục biểu diễn của các nghệ sĩ biểu diễn trong chương trình nghệ thuật mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước.

Càng đến gần 0 giờ, dòng người đổ về hồ Hoàn Kiếm càng đông. Một nhóm bạn trẻ tổ chức múa lân giữa đường phố làm sôi động thêm không khí đêm giao thừa.

Giờ giao thừa đã điểm. Những chùm pháo hoa rực rỡ tỏa sáng báo hiệu một năm mới đã về. Hà Nội như lung linh trong màn pháo hoa khoe sắc. Từ Bờ Hồ, người dân Thủ đô tỏa đi mua lộc. 20.000 đồng một cây mía; 15.000 đồng một cành táo, cành sung… 

Ngay sau giao thừa, nhiều bạn trẻ còn rủ nhau đi lễ chùa đầu năm, cầu chúc cho một năm mới an lành và nhiều may mắn.

Tại Thủ đô Hà Nội, màn pháo hoa trong đêm Giao thừa kéo dài 15 phút ở 16 điểm bao gồm: Hồ Hoàn Kiếm (2 điểm), Hồ Tây, sân vận động Mỹ Đình, hồ Đền Lừ (quận Hoàng Mai), hồ Thành Công (quận Ba Đình); Đông Anh, Long Biên, Sóc Sơn, Hà Đông, Sơn Tây, Mê Linh, Ba Vì, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thường Tín.

TPHCM: Nô nức đi lễ chùa ngay thời khắc đầu tiên của năm mới

Tại thành phố mang tên Bác, những màn pháo hoa nghệ thuật đặc sắc đón Xuân cũng đồng loạt diễn ra trong 15 phút đầu năm mới ở 6 điểm tại các quận 4, 6, Gò Vấp, Bình Tân và huyện Củ Chi, Cần Giờ.

4 điểm tổ chức bắn pháo hoa nghệ thuật tầm cao trong đêm giao thừa: Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh, Công viên Bình Phú (quận 6), Dự án Công viên Văn hóa quận Gò Vấp, phường Bình Hưng Hòa - Tây Bắc Khu Công nghiệp Tân Bình (quận Bình Tân) và 2 điểm tầm thấp: Đền Tưởng niệm Bến Dược (huyện Củ Chi) và sân bóng đá huyện Cần Giờ.

Giây phút giao thừa chào năm Kỷ Sửu 2009 vừa xong, người dân TPHCM nô nức đi lễ chùa đầu năm. Năm nay tại chùa Vĩnh Nghiêm, rất nhiều người dân đã tới lễ vào ngay thời khắc đầu tiên của năm mới.

Tuy nhiên việc hái lộc may mắn đầu năm không phải là những chồi non, nhành cây xanh ươm mà là những nén nhang to cùng với những vòng hoa thơm nức hương xuân. 

Giao thừa Hà Nội rực rỡ trong mưa xuân ảnh 4

Rất nhiều người dân ở TPHCM đến chùa Vĩnh Nghiêm lễ Phật đầu năm

Giao thừa Hà Nội rực rỡ trong mưa xuân ảnh 5

Mua lộc đi lễ chùa đầu năm

Giao thừa Hà Nội rực rỡ trong mưa xuân ảnh 6

Lộc đầu năm là những nén hương to của chùa Vĩnh Nghiêm

Giao thừa Hà Nội rực rỡ trong mưa xuân ảnh 7

Nhà sư làm từ thiện ở chùa Vĩnh Nghiêm

Xứ Lạng : Rộn ràng, an lành đón giao thừa

Giao thừa Hà Nội rực rỡ trong mưa xuân ảnh 8

Phân đội 113 Đồng Đăng ứng trực đêm giao thừa . Ảnh : Duy Chiến

Thị trấn Đồng Đăng (huyện Cao Lộc) rực rỡ ánh đèn. Bây giờ, khi bữa cơm tất niên đã xong, người dân các dân tộc đang sửa soan mâm cỗ cúng giao thừa. Cùng thời gian này, các lực lượng làm nhiệm vụ ở thị trấn miền biên ải đang đi tuần tra bảo vê an ninh khu vực để nhân dân đón một cái tết an bình.

Gia đình chị Hoa ở núi Pháo Đài (khu Lò Rèn, thị trấn Đồng Đăng) sau bữa cơm tất niên, mọi người lại tất bật chuẩn bị Lễ cúng giao thừa. Còn những người trẻ tuổi thì sắm sửa quần áo, chơi xúc sắc... 

Cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước người Đồng Đăng, Cao Lộc rất coi trọng việc cúng lễ tổ tiên. Bên cạnh bàn thờ, thường có hai cây mía có đủ ngọn, rễ dựng hai bên. Mọi người quan niệm, dựng cây mía sẽ báo hiệu một năm mát mẻ, may mắn và đầy “lộc ngọt”. Mía Tam Lung (huyện Cao Lộc) được người dân bản địa ưa chuộng hơn cả, bởi vị ngọt đậm, ăn ròn, dóc vỏ. Nếu khách đến chúc tết, được ăn một khúc mía Tam Lung sẽ làm ăn phát đạt trong năm mới.

Theo quan sát của phóng viên Tiền Phong, thị trấn Đồng Đăng khá bình yên. Nhiều ngọn đèn sáng lung linh nơi biên thuỳ cũng như ở mỗi nhà dân. Năm nay, không còn tiếng pháo đì đòm như mọi năm. 

Vào lúc 21 giờ, phóng viên có mặt tại Phân đội 113 công an tỉnh Lạng Sơn tại thị trấn Đồng Đăng. Bốn tổ tuần tra của Phân đối vừa tập kết tại trụ sở sau chuyến thị sát địa bàn về.

Trung tá Đồng Dũng Cảm - Đội phó Cảnh sát cơ động công an tỉnh - cho biết: Từ 18 giờ, toàn đơn vị đã bắt tay vào công việc. Có hiện tượng, một số thanh niên tụ tập tại khu vực Cầu Mới (thuộc khu Ga Đồng Đăng) định lén lút đốt pháo nhưng sau đó tự vứt pháo xuống sông phi tang. Năm nay, 100% quân số của đơn vị ứng trực. Đến giờ phút này, địa bàn tương đối ổn định. 

Mùa xuân đang về trên quê hương xứ Lạng. Giờ khắc giao thừa nơi biên ải vừa điểm.

Quảng Ninh: Đèn trời rực rỡ, pháo vẫn nổ

Giao thừa Hà Nội rực rỡ trong mưa xuân ảnh 9
Thay vì đốt pháo hàng ngàn người dân chọn đèn trời để đón giao thừa

Mới 22h tối đêm giao thừa, đèn trời đã được người dân thả rợp trời các địa phương như Cẩm Phả, Hạ Long, Móng Cái, Đông Triều… Hàng nghìn chiếc đèn trời được người dân thắp sáng và thả lên trời với mong ước năm cũ đi qua, năm mới đến mang theo nhiều may mắn và an bình tạo nên cảnh tượng hết sức kỳ vĩ chưa từng có tại vùng Than.

Đêm giao thừa hàng ngìn người dân tập trung tại các điểm bắn pháo hoa như Công viên quốc tế Hoàng gia, Bãi Cháy, Hạ Long, quảng trường nhà văn hóa ngoài trời TX Cẩm Phả, khu nhà Lợi Lai (TP Móng Cái) để chờ đón xem bắn pháo hoa.

Mặc dù có hạn chế hơn, so với năm Mậu Tý 2008, nhưng sau giao thừa tại TX Cẩm Phả tiếng pháo nổ đã xuất hiện. Pháo hoa cũng được người dân thi nhau bắn lên trời. Theo nhiều người dân, việc cơ quan chức năng tuyên truyền để người dân không đốt pháo liên tục trong thời gian qua cũng như xử lý hình sự hàng loạt vụ buôn bán, vận chuyển pháo nổ đã có tác dụng răn đe.

Tại TX Cẩm Phả, người dân đón giao thừa trong ánh sáng của nến vì từ 23h50 thì mất điện. Mãi tới 1 h ngày mùng Một Tết mới có điện trở lại.

TP Cần Thơ: Giao thừa đông nghịt các tuyến đường

Giao thừa Hà Nội rực rỡ trong mưa xuân ảnh 10
Lễ hội Giao thừa ở vòng xoay công viên nước, TP Cần Thơ. ảnh Ngọc Huyền.

Từ 21 giờ, nhiều tuyến đường ở TP Cần Thơ: Đại lộ Hòa Bình, đường Nguyễn Trãi, Hai Bà Trưng, Lê Lợi… người xe đã đông nghịt. Đó là những con đường dẫn về sân khấu trước vòng xoay công viên nước nơi diễn ra lễ hội Giao thừa và khu nhà hàng Hoa Sứ nơi tổ chức bắn pháo hoa.

Giao thừa Hà Nội rực rỡ trong mưa xuân ảnh 11

Đại lộ Hòa Bình, TP Cần Thơ lộng lẫy đèn màu. Ảnh Ngọc Huyền.

Ở tỉnh Hậu Giang, từ 22 giờ các tuyến được ở trung tâm thị xã Vị Thanh người xe chen vai thích cánh. Đặc biệt, hai bên kênh xáng Xà No, con kênh lớn chạy giữa thị xã tỉnh lỵ Vị Thanh vừa được kè bờ khang trang, và trên những chiếc cầu bắc qua con kênh này người và xe chen chật.

Giao thừa Hà Nội rực rỡ trong mưa xuân ảnh 12

Trên một chiếc cầu bắc qua kênh xáng Xà No lúc 22 giờ 30 phút. ảnh Gia Thọ.

Cà Mau : Đêm 30 Tết, chương trình văn nghệ “Mừng Đảng, mừng Xuân 2009” tại Công viên Hồng Bàng (phường 7, TP Cà Mau). Đội ngũ nghệ sĩ Đoàn cải lương Hương Tràm, Trung tâm văn hóa thông tin, đem đến cho người xem lời ca, điệu múa ca ngợi Đảng, Bác Hồ, Đất nước và Mùa Xuân. Chương trình được Đài phát thanh truyền hình Cà Mau truyền hình tỉnh trực tiếp. Đêm Giao Thừa, 15 phút bán pháo hoa rực rỡ giữa trung tâm TP Cà Mau.

Bạc Liêu : Đón giao thừa năm 2009, tỉnh Bạc Liêu tổ chức nhiều hoạt động tại Trung tâm hành chánh tỉnh Bạc Liêu. Sở VH-TT- DL phối hợp với các đơn vị tổ chức văn hoá văn nghệ, múa lân- sư- rồng và bắn pháo hoa nghệ thuật. Toàn bộ chương trình được truyền hình thực tiếp trên sóng Đài phát thanh truyền hình Bạc Liêu.

Sóc Trăng : Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng quyết định không bắn pháo hoa, để dành tiền chăm lo cho hộ nghèo có điều kiện vui Xuân. Tỉnh Sóc Trăng tổ chức nhiều hoạt văn hóa nghệ thuật tại Công viên Bạch Đằng, hội diễn lân- sư - rồng, biểu diễn võ thuật.

Tại Công viên Giải Phóng và Khu văn hoá Hồ Nước Ngọt tổ chức đêm văn nghề ngoài trời với nhiều chương trình, tiết mục văn nghệ “mừng Đảng, mừng Xuân” với màu sắc của ba dân tộc anh em Kinh, Khơ- me, Hoa.

57/63 tỉnh, thành phố đã tưng bừng bắn pháo hoa

Tổng hợp nguồn tin từ phóng viên TTXVN thường trú tại các địa phương, cả nước có 57/63 tỉnh, thành phố đã tưng bừng bắn pháo hoa vào thời khắc Giao thừa chào đón năm mới Kỷ Sửu 2009.

Kinh phí bắn pháo hoa chủ yếu được huy động theo phương châm xã hội hóa với sự đóng góp của các doanh nghiệp và các nhà hảo tâm.

Do tai nạn thảm khốc đắm đò trên sông Gianh xảy ra sáng 30 Tết tại xã Quảng Hải (Quảng Trạch) làm 40 người chết và 2 người mất tích, UBND tỉnh Quảng Bình đã quyết định ngừng bắn pháo hoa trong đêm Giao thừa.

Ngoài ra, các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Nam, Ninh Thuận, Sóc Trăng, Sơn La không tổ chức bắn pháo hoa mà dành tiền để chăm lo Tết cho các đối tượng chính sách và nghười nghèo.

Theo TTXVN

MỚI - NÓNG