Giật mình những câu chuyện trầm cảm sau sinh

Trầm cảm sau sinh cần được phát hiện kịp thời và chữa trị (Ảnh minh họa).
Trầm cảm sau sinh cần được phát hiện kịp thời và chữa trị (Ảnh minh họa).
TP - Sự việc người mẹ trẻ (nghi trầm cảm sau sinh) đã dìm chết con đẻ mới 35 ngày tuổi ở xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội khiến nhiều người giật mình nhớ lại những vụ án đau lòng do trầm cảm sau sinh từng xảy ra.

“Tôi đã vượt qua trầm cảm sau sinh như thế nào”

Những ngày này, trên khắp các diễn đàn làm cha mẹ đều xôn xao vì câu chuyện đau lòng ở Thạch Thất. Rất nhiều bà mẹ đã chia sẻ câu chuyện của chính mình và hành trình “chiến đấu” với trầm cảm sau sinh.

Chị T.H (Gia Lâm, Hà Nội) kể: “Tôi bắt đầu bị trầm cảm sau khi sinh bé thứ 2. Vì tôi đẻ 2 đứa con gái nên bố mẹ chồng tỏ thái độ ra mặt. Vì thù câu nói của bà “Đẻ con gái thì đầu tư ít thôi!” nên tôi quyết không để mẹ chồng đụng vào con tôi. Mới đẻ nhưng tôi vẫn bò dậy tự lo cho mình và chăm con. Bà chạm vào cái gì tôi cũng lấy cồn sát trùng lau lại. Chồng tôi đi làm xa, cuối tuần mới về nên không san sẻ được nhiều. Có đêm, đứa này ốm khóc làm đứa kia tỉnh dậy cũng khóc, tôi chỉ biết ôm con vào lòng mà khóc theo. Sau một tháng, tôi bắt đầu cảm thấy bồn chồn, bứt rứt, hay buồn và nghĩ quẩn. Nhiều lúc tôi như kẻ mất hồn và có những hành động thiếu kiểm soát. Một lần, con khóc mãi không nín, tôi úp cái gối lên mặt con và cầm điện thoại chơi. Cũng may một lát sau, chị gái tôi gọi điện hỏi thăm cháu, nhắc tôi cho con bú, tôi mới nhớ ra và quay lại với con. Tự dưng lúc đó tôi trào nước mắt vì thương con và hận mình. Tôi quyết định gửi đứa lớn lại cho bà nội và bế đứa nhỏ về nhà ngoại ở 3 tháng. Về với những người ruột thịt, tôi được yêu thương, chăm sóc và chia sẻ, giúp tôi thấy vui vẻ và yêu con nhiều hơn”.

Còn nickname giomuathu89… thì chia sẻ: “Tôi đẻ mổ, phải tiêm kháng sinh nên mất sữa mấy tuần liền. Mẹ chồng suốt ngày lườm nguýt, kêu cháu bà khổ vì đến sữa mẹ cũng không có mà bú. Đến khi tôi có sữa rồi, bà vẫn mua sữa bột về cho nó uống vì chê sữa mẹ như nước lã, làm gì có chất. Rồi tôi thường xuyên bị bà hành hạ bằng những câu: cháu nhà bà A sinh cùng tháng mà biết lật rồi, hay cháu nhà mình bị làm sao; Nó bị suy dinh dưỡng rồi, con nhà người ta bụ lắm; Nó bị viêm da thế này là giống ai ấy chứ nhà này có ai bị thế đâu, nhìn kinh quá… Chồng tôi là bộ đội, xa nhà suốt nên tôi không biết kể cùng ai. Mệt mỏi, căng thẳng và kiệt sức vì mất ngủ triền miên, tôi bắt đầu có ý định giết mẹ chồng và đốt nhà. Tôi hận bà. Rồi tôi lại muốn tự tử cho hết khổ. Tôi lấy xe lao ra đường với vận tốc cao, đâm hết sức vào bờ tường nhưng chỉ bị ngã trầy xước. Lúc đó, tự dưng tôi nghe thấy tiếng trẻ con khóc, thế là lao về nhà ôm chặt lấy con. Tôi biết mình sai rồi. Tôi muốn ở lại với con. Tôi lên các diễn đàn làm cha mẹ tìm hiểu thì thấy rất nhiều mẹ gặp phải vấn đề giống tôi. Tôi tham gia vào các hội nhóm, và cuối tuần lại bế con đi giao lưu với các em bé sinh cùng tháng. Tôi tâm sự và được các mẹ chia sẻ, đồng cảm. Nhờ các mẹ, tôi đã vượt qua được giai đoạn đầy khó khăn ấy”.

Trong khi nhiều bà mẹ không biết mình đang bị trầm cảm sau sinh thì chị H.M (Đống Đa, Hà Nội) lại hiểu rõ vấn đề sau khi sinh con được 3 tháng. “Tôi hay nghi ngờ chồng ngoại tình, hay ngồi khóc vô cớ, hay thậm chí muốn ôm con nhảy lầu tự tử… Tôi biết mình đang bị trầm cảm. Tôi cầu cứu chồng nhưng anh không tin trên đời này có căn bệnh gọi là trầm cảm sau sinh. Anh bảo, anh đi làm đầu tắt mặt tối, áp lực công việc hàng ngày, không trầm cảm thì thôi, ở nhà chỉ chăm con, cho con bú sướng thế còn kêu gì. Anh nghĩ tôi lười nên mượn cớ đến trốn việc. Tôi lên mạng tìm hiểu thông tin và đến khám ở Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1, các bác sĩ xác định tôi bị trầm cảm sau sinh rất nặng. Tôi đưa chồng đến gặp bác sĩ, sau khi nghe bác sĩ giải thích, anh mới hiểu ra. Sau đó, anh nói chuyện với tôi nhiều hơn, cùng tôi chăm con, đón bố mẹ chồng ở quê lên để đỡ đần việc nhà giúp tôi, hàng tuần anh đưa tôi đến bác sỹ tham gia các liệu pháp điều trị của bệnh viện. Nhờ thế, tôi tinh thần của tôi đã khá lên”.

Đừng bỏ mặc các mẹ

1,8 triệu kết quả được tìm thấy sau 0,67 giây khi gõ cụm từ “trầm cảm sau sinh” trên google, chứng tỏ mức độ phổ biến của căn bệnh này không hề nhỏ. Tuy nhiên, sự thật đau lòng là rất nhiều gia đình vẫn chưa nhìn nhận được tác hại nghiêm trọng của thứ được cho là “sát thủ” âm thầm này. Chỉ đến khi hậu quả đau lòng xảy ra, người ta mới nghĩ lại về các dấu hiệu gợi báo của bệnh.

Theo bác sĩ Đinh Thị Hiền Lê (Trưởng khoa Sản- Bệnh viện Tâm Anh), có đến 60- 70 % phụ nữ bị trầm cảm sau sinh mức độ nhẹ. Đối tượng bị trầm cảm sau sinh là những người phụ nữ đã từng có tiền sử mắc bệnh trầm cảm, những người làm mẹ khi còn quá trẻ, gia đình căng thẳng về kinh tế hoặc mâu thuẫn xung đột với chồng, mẹ chồng hoặc sức khỏe em bé không tốt… “Nếu không được phát hiện và điều trị sẽ để lại hậu quả, nhẹ thì suy kiệt sức khỏe, nặng thì bị tâm thần, ảnh hưởng đến những người xung quanh. Môi trường gia đình tác động rất lớn đến bệnh trầm cảm sau sinh, vì người phụ nữ đến sống một nơi xa lạ, cảm thấy cô đơn, lo sợ, không biết chia sẻ với ai”- bác sĩ Đinh Thị Hiền Lê cho biết thêm.

Còn bà Nguyễn Thị Thu An, chuyên gia tư vấn tâm lý, thuộc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số thì nhận định các biểu hiện trầm cảm ban đầu thường không được gia đình ghi nhận và để ý. Cách tốt nhất để phòng tránh căn bệnh này là trong thời gian mang thai và sau sinh, đừng nên để người phụ nữ phải cô đơn và xoay xở mọi việc một mình. Người chồng lúc này hãy san sẻ việc chăm con với vợ, lắng nghe vợ. Người thân trong gia đình không nên đưa ra những nhận định, phê phán mang tính mỉa mai hay có những lời trách móc về việc thiếu chăm sóc con. Tạo điều kiện cho sản phụ có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn. Với bản thân người phụ nữ, khi thấy mọi việc quá tải, không nên âm thầm chịu đựng mà cần tìm kiếm sự hỗ trợ từ những người xung quanh.

Một số vụ án mạng có liên quan đến trầm cảm sau sinh

- 4h sáng ngày 16/3/2012, Chu Thị Huệ (SN 1978, ngụ Ba Vì, Hà Nội) đã dùng dao chém con trai 5 tháng tuổi nhiều nhát khiến cháu bé tử vong. 

- Vào ngày 15/12/2015, chị Bùi Thị Ngọc (SN 1984) ở xã Vân Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang được mẹ chồng phát hiện nằm bất động ở phòng ngủ, tay có nhiều vết cắt, bên cạnh người con trai 6 tuổi đã tử vong, bé 2 tháng tím tái.

- Ngày 17/8/2016, người dân tham gia giao thông trên cầu Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội, phát hiện một phụ nữ nhảy cầu tự tử. Nạn nhân sau này được xác định là chị N.T.B.L (SN 1991, ở Gia Lâm, Hà Nội) mới sinh con được 1 tháng và đang có những biểu hiện trầm cảm.

- Vào tháng 1/2017, một người mẹ đã ra tay sát hại con trai 5 tháng tuổi của mình ở xã Đông Yên, huyện Quốc Oai, Hà Nội sau đó nhảy xuống giếng tự tử nhưng được cứu sống cũng khiến người ta nghi ngờ đến hậu quả của căn bệnh trầm cảm sau sinh.

MỚI - NÓNG