Giật mình với kính thuốc

Những đứa trẻ điều trị về mắt tại Viện Mắt Trung ương
Những đứa trẻ điều trị về mắt tại Viện Mắt Trung ương
TPO - GĐ Viện Mắt Trung ương, BS Đỗ Như Hơn cho biết: tại viện Mắt TƯ, 2 năm nay mới mở được 2 lớp đào tạo về mài, lắp kính cho 16 người trong cả nước, nhưng chỉ 14 người đạt yêu cầu sau khóa học. Trong khi đó, các cửa hiệu kính thuốc ngày càng mọc lên như nấm sau mưa.

>> Chỉ 5% máy đo thị lực ở Hà Nội đạt chuẩn
>> Loạn kính mắt

Máy đo phán “lợn lành thành lợn què”

Cửa hàng kính trong Viện Mắt TW cũng... không rõ chất lượng

Ngay tại Viện Mắt Trung ương cũng có một cửa hàng kính với tên gọi: “Kính thuốc Bệnh viện”. Theo ông Hoàng Minh Anh, Phó Phòng Kế hoạch – Tổng hợp Viện này, thì cửa hàng trên đã ký hợp đồng với Viện, để bán kính theo đơn của bác sĩ. Tuy nhiên, ông Anh cũng khẳng định: Viện Mắt Trung ương không có trách nhiệm kiểm soát chất lượng các loại kính ở đây, mà chỉ kiểm tra giấy tờ được các cơ quan chức năng xác nhận.

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong Online, gọng kính và mắt kính bán ra ở đây cũng không khác gì các cửa hàng tư nhân quanh khu vực này, thậm chí giá cả còn có phần nhỉn hơn.

Theo tin Tiền Phong đã đưa, kết quả kiểm tra chất lượng máy đo thị lực và kính mắt của hơn 20 cửa hàng trên địa bàn Thủ đô của Chi cục Quản lý thị trường TP Hà Nội và Viện Đo lường Việt Nam đã phát hiện: 95% máy đo khúc xạ sai số vượt quá tiêu chuẩn.

Để kiểm chứng, PV Tiền Phong Online hôm qua đã đóng vai một bệnh nhân, tới đo mắt tại 2 cửa hàng trên phố Bà Triệu đối diện Viện mắt. Cửa hàng thứ nhất, máy đo “phán” mắt phải cận 1 điốp, mắt trái cận 0,5 điốp; trong khi đó, cửa hàng thứ 2, máy lại báo: mắt phải cận 1,75 điốp, mắt trái cận 1 điốp.

Không tin tưởng, PV Tiền Phong Online đề nghị thử lại bằng cách đọc bảng đo thị lực, và đọc vanh vách mọi ký hiệu. Kết quả, các nhân viên y tế ở đây đành kết luận: tôi không bị cận thị và không phải đeo kính!

Khi  PV trao đổi điều này với BS Đỗ Như Hơn, GĐ Viện Mắt Trung ương, thì mới hay: nếu đeo kính có sai số lớn thì người ta sẽ nhận ra ngay (vì cảm thấy nhức mắt) và đổi cái khác, nhưng nếu sai số ít, mắt sẽ phải điều tiết để thích nghi; vì vậy, lâu dần, tật về mắt sẽ tăng thêm.

“Có nhiều cháu ban đầu bị tật nhẹ, nhưng vì đeo kính sai số, nên sau này bị nặng thêm” – BS Lê Kim Xuân, người nhiều năm khám chữa mắt cho trẻ em tại Viện Mắt Trung ương nhận định. 

Vô tư mài lắp kính thuốc không chứng chỉ đào tạo

Là chuyên gia về quang học, TS Lê Duy Tuấn, giảng viên bộ môn Khí tài quang, Học viện Kỹ thuật Quân sự khẳng định: kính mắt phải đảm bảo độ tụ, đồng trục; muốn làm kính mắt thì phải có máy xác định độ đồng tâm và người vận hành phải am hiểu về quang học.

Bệnh nhân ngồi chờ khám mắt tại một cơ sở điều trị tư nhân trên phố Bà Triệu
Bệnh nhân ngồi chờ khám mắt tại một cơ sở điều trị tư nhân trên phố Bà Triệu. Ảnh: HT

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, rất ít nhân viên y tế tại các cơ sở lắp kính hiện nay có chuyên môn về quang học.

BS Hơn cho biết: tại viện Mắt, 2 năm nay mới mở được 2 lớp đào tạo về mài, lắp kính cho 16 người trong cả nước, nhưng chỉ 14 người đạt yêu cầu sau khóa học.

Một trong số đó là kỹ sư Hà Quang Thăng, cũng làm ở Viện này nhận định: những người không được đào tạo kỹ thuật lắp kính sẽ không chú ý đến độ đồng tâm của kính và mắt, nên rất dễ dẫn đến sai số.

Ngay cả anh Thăng cũng thừa nhận: nếu chưa học khóa đào tạo này thì anh cũng không biết lắp kính thế nào cho chuẩn.

Đề ngăn chặn việc bán, lắp kính thuốc bừa bãi, GĐ Viện Mắt Trung ương đề nghị các cơ quan phải thường xuyên kiểm tra các thiết bị và chứng chỉ hành nghề của các cơ sở kinh doanh.

Cửa hàng

Cảnh mua bán kính tại cửa hàng "Kính thuốc bệnh viện" trong Viện Mắt Trung ương. Trớ trêu thay, ngay Viện mắt TƯ cũng không rõ chất lượng các loại kính thuốc bán ở đây ra sao. Ảnh: HT

Trên 90% mắt kính thuốc không rõ nguồn gốc

Vừa qua, trên 10 ngày phối hợp giữa Đội Quản lý Thị trường 17 - Chi cục Quản lý Thị trường TP Hà Nội với Viện Đo lường Việt Nam cho thấy, hiện trạng thị trường kính thuốc Việt Nam đang có nhiều bất cập. Hơn 90 % mắt kính thuốc chuyển về Viện Đo lường Việt Nam để xác định các thông số quang học chất lượng mắt kính thuốc cho thấy không có tem của nhà nhập khẩu hay phân phối; các thông số quang học đặc trưng kính mắt thể hiện trên túi đựng mắt kính thuốc không được công bố rõ ràng; không ghi nhà sản xuất; các vỏ bao bì đựng kính thuốc thì chủ yếu do các công ty và cửa hàng kinh doanh kính mắt tự in; rất nhiều cửa hàng bán mắt kính xuất xứ từ Trung Quốc nhưng trên bao bì thể hiện xuất xứ Hàn Quốc, Đức, Ý… 

Điều kiện và phạm vi chuyên môn hành nghề đối với cá nhân kinh doanh trang thiết bị y tế, đại lý trang thiết bị y tế

-Người chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật phải có một trong các bằng cấp sau: Bằng tốt nghiệp đại học hệ kỹ thuật; Bằng tốt nghiệp đại học y, dược; Bằng tốt nghiệp của một trong các trường: Trung học kỹ thuật y tế, Trung học kỹ thuật dược; Bằng tốt nghiệp của Trường kỹ thuật thiết bị y tế;

- Cán bộ có trình độ trung cấp kỹ thuật thuộc ngành khác phải có Chứng chỉ đào tạo chuyên ngành trang thiết bị y tế do các cơ sở đào tạo hợp pháp về kỹ thuật trang thiết bị y tế cấp hoặc Chứng chỉ tương đương do nước ngoài cấp; thời gian của khóa đào tạo này ít nhất là một tháng.

(Nguồn : Thông tư 07 của Bộ Y tế

MỚI - NÓNG