Giấy phép vào phố Hà Nội: Nhiều uẩn khúc

Xe tải 950kg vẫn phải "cõng" giấy phép
Xe tải 950kg vẫn phải "cõng" giấy phép
TPO – Cấp giấy phép vào phố cấm, tác dụng chưa biết chỉ thấy bất cập và tiêu cực phát sinh từ tờ giấy này. Phóng viên Tiền Phong cố gắng đi tìm câu trả lời thì chỉ nhận được sự đùn đẩy trách nhiệm.

> Hà Nội: 'Loạn' cấp phép vào phố cấm
> Mua giấy phép vào phố cấm: 3 triệu đồng!

Xe tải 950kg vẫn phải
Xe tải 950kg vẫn phải "cõng" giấy phép. Ảnh: Minh Đức

Màn 'đá bóng' trách nhiệm

Sau khi báo Tiền Phong có loạt bài phản ánh về những tiêu cực của một số CSGT Công an TP Hà Nội trong việc cấp giấy phép vào phố cấm không đúng quy định, nhiều độc giả đang ngóng chờ kết luận của cơ quan chức năng về vấn đề gây bức xúc dư luận này. Hàng loạt câu  hỏi còn đề ngỏ: CSGT Công an TP Hà Nội đã “bán” bao nhiêu giấy phép và thu bao nhiêu tiền? Số tiền đó do ai quản lý và chi phí vào mục đích gì? Và ai là người ra quyết định triển khai 'bán' giấy phép nói trên?

Phóng viên đã liên hệ với ông Nguyễn Đức Chung, Đội trưởng Đội CSGT số 5, Công an TP Hà Nội, đơn vị trực tiếp liên quan đến việc “bán” giấy phép vào phố cấm. Tuy nhiên ông Chung 'đẩy' trách nhiệm trả lời lên Phòng CSGT Công an TP Hà Nội. Chúng tôi tiếp tục liên hệ với Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng Phòng CSGT Công an TP Hà Nội và được trả lời đã giao cho Đại úy Trương Song Thành, Đội trưởng Đội tham mưu, Phòng CSGT Hà Nội.

Chúng tôi làm theo hướng dẫn của Đại tá Thắng, liên hệ với Đại úy Trương Song Thành, Đội trưởng Đội tham mưu, Phòng CSGT Hà Nội, nhưng ông này tiếp tục yêu cầu sang Công an TP Hà Nội.

Phóng viên tiếp tục liên hệ với Đại tá Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an TP Hà Nội, nhưng Đại tá Chung cho biết hiện tại ông đang đi công tác nước ngoài. Tiếp tục liên hệ với Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, nhưng Đại tá Ngọc lại bảo chúng tôi liên hệ với Đại tá Đào Vịnh Thắng, thế là vẫn không một câu trả lời.

Chúng tôi tiếp tục gõ cửa Sở Giao thông Vận tải Hà Nội để tìm hiểu về tác dụng của tờ giấy phép cấp cho xe tải vào phố cấm. Cụ thể khi liên hệ với ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội để hỏi về tác dụng của giấy phép vào phố cấm thì ông này cho rằng vấn đề này không liên quan tới Sở GTVT.

Ông Tân cũng cho biết bản thân ông sắp nghỉ hưu. Tiếp tục liên hệ với ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội, nhưng ông Linh cho rằng vấn đề này là của Công an TP Hà Nội và ông cũng sắp... nghỉ hưu nên không tiện trả lời.

Phiền nhiễu, dân 'cõng' phí

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông N.H.L chuyên gia lĩnh vực kinh doanh vận tải cho rằng: Trong Quyết định 06 của UBND TP Hà Nội hướng dẫn công an là cấp giấy phép chứ không phải bán giấy phép. Không có quy định về phí, giá giấy phép nên sẽ là kẽ hở phát sinh tiêu cực.

Tiếp đó, Phòng CSGT Hà Nội là không công khai cho các đơn vị vận tải, không biết “bán” ở chỗ nào nên người ta buộc phải lao về số 86 Lý Thường Kiệt (Hà Nội), chờ đợi rất mất thời gian.

Ai cấp, ai “bán” không rõ ràng. Về phía tải trọng theo Phòng CSGT CA TP Hà Nội chưa làm rõ vấn đề xe tải có trọng tải dưới 1,25 tấn không cần giấy phép hay xe tải có trọng tải toàn xe dưới 1,25 tấn. Nếu là trọng tải toàn xe dưới 1,25 tấn thì chẳng có loại xe nào thuộc diện không phải cấp phép. Bởi trên thị trường hiện nay, loại xe có trọng tải thấp nhất là 500kg, khi chở hàng, trọng tải sẽ lớn hơn 1,25 tấn, như vậy sẽ là cấm toàn bộ xe tải.

Việc cấm xe tải sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc lưu thông hàng hóa, đời sống của người dân. Nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhiều loại nhu yếu phẩm khác…sẽ bị ách tắc. Các loại giấy tờ thủ tục mà lái xe phải “mua” đương nhiên sẽ được tính vào giá cước vận tải đi cùng là giá các mặt hàng phải tăng theo, cuối cùng cũng là đổ đầu người dân.

Những chiếc xe tải vào nội đô phải tuân thủ theo Luật giao thông với hệ thống biển báo biển cấm rất rõ ràng chi tiết, vậy thì cấp thêm giấy phép để làm gì?

Thông tin từ Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho thấy sẽ không thu phí cấp giấy phép vào phố cấm. Nếu vậy, tờ giấy phép vào phố cấm chẳng có tác dụng gì, ngược lại chỉ gây thêm phiền toái cho lái xe và cơ quan chức năng. Lái xe thì phải xếp hàng chờ đợi, còn cơ quan chức năng phải làm việc cả ngày lẫn đêm để cấp phép cho hàng nghìn chiếc xe tải lưu thông mỗi ngày, ông L phân tích.

Ông L cho rằng, nếu tờ giấy vào phố cấm không có tác dụng thì nên bỏ, vừa giải phóng cho các đơn vị kinh doanh vận tải vừa tránh được những tiêu cực phát sinh từ tờ giấy này.

Theo Viết
MỚI - NÓNG