Giấy tờ nhà đất có thể được 'thiết kế' như hộ chiếu

Giấy tờ nhà đất có thể được 'thiết kế' như hộ chiếu
TP - Đó là ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên khi trao đổi với báo chí chiều qua, 6/11. Tuy nhiên, ông Kiên cũng cho rằng, việc “thiết kế” giấy tờ nhà đất cụ thể phải để cơ quan chuyên môn nghiên cứu.
Giấy tờ nhà đất có thể được 'thiết kế' như hộ chiếu ảnh 1
Ông Nguyễn Đức Kiên

Thảo luận về tình hình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hôm qua (6/11), nhiều vị đại biểu Quốc hội đã bày tỏ sự bức xúc trước tình trạng “cứ mỗi một luật mới về quản lý nhà đất ra đời, lại thêm một loại giấy. Không biết Luật đăng ký bất động sản tới đây sẽ còn đòi giấy gì?”.

Trao đổi với báo chí về vấn đề nêu trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nói: Về quy định pháp luật, phải hiểu vấn đề ở chỗ đất đai thuộc sở hữu toàn dân, tôi giao cho anh rồi phải cấp cho anh cái giấy theo như quy định của Luật Đất đai.

Còn cái nhà hay công trình gì đó là thuộc sở hữu cá nhân, mà cá nhân thì phải đăng ký với Nhà nước... Nghĩa là tôi chỉ biết trên mảnh đất đó ghi nhận có nhà ở, còn hợp pháp hay không, sở hữu của ai, thì phải đăng ký theo một pháp luật khác, đó là Luật Nhà ở.

Trên thực tế, nhiều người dân vẫn gặp phiền hà khi cần giải quyết các vấn đề liên quan đến giấy tờ nhà đất, thưa ông?

Vấn đề này có 2 góc độ, góc độ quy định của luật và thực hiện trong thực tế. Luật quy định đúng mà thực hiện trong thực tế có phiền hà, vụ lợi cá nhân, thì đó là chuyện khác.

Tinh thần “một giấy” đã thể hiện trong điều 48 của Luật Đất đai năm 2003. Điều đáng mừng là kỳ này Chính phủ tuyên bố trước Quốc hội rằng, sẽ thống nhất cấp một loại giấy chứng nhận bao gồm quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất...

Như vậy, tới đây trong trường hợp Luật Đăng ký bất động sản được ban hành thì cũng phải theo tinh thần trên, nghĩa là dựa trên điều 48 của Luật Đất đai 2003.

“Thiết kế” việc thống nhất “một giấy” như thế nào cũng phải nghiên cứu, bây giờ chưa thể nói trước được. Có thể, cũng giống như với hộ chiếu, hiện tôi đang ở chỗ A thì ghi ở một tờ, nay mai tôi đến chỗ B thì ghi sang tờ khác...

Dĩ nhiên, “thiết kế” cụ thể phải để cho cơ quan chuyên môn nghiên cứu. Nhưng, dù nó là 1 tờ hay là 1 sổ, sổ mấy tờ, ghi các mục theo tiêu chí gì... thì cũng phải trên tinh thần “một giấy”.

Cảm ơn ông!

Võ Văn Thành ghi

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.