Gỡ khó sân chơi cho trẻ em

Gỡ khó sân chơi cho trẻ em
TP - Dưới sự chủ trì của Ban Bí thư T.Ư Đoàn, sau phần khai mạc sáng 28/6 tại Hà Nội, các đại biểu chia tổ thảo luận những nội dung về tổ chức hoạt động vui chơi giải trí cho thiếu niên, nhi đồng; nâng cao chất lượng đoàn viên và hoạt động của chi đoàn trên địa bàn dân cư.

Thảo luận về Tổng kết Nghị quyết của BCH T.Ư Đoàn khóa IX về “Tăng cường tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho thiếu niên, nhi đồng” giai đoạn 2010 – 2013, nhiều đại biểu cho biết, việc đầu tư xây dựng hệ thống Nhà thiếu nhi, điểm vui chơi giải trí liên quan đến nguồn vốn đầu tư, nằm ngoài khả năng của tổ chức Đoàn, vì thế, nhiều chỉ tiêu đề ra khó có thể thực hiện được. Tại một số địa phương, bên cạnh việc tham mưu để cấp ủy dành nguồn vốn từ ngân sách, tổ chức Đoàn nỗ lực vận động nguồn lực xã hội hóa tạo điều kiện cho trẻ có khu vui chơi, giải trí.

Anh Nguyễn Văn Mạnh, Phó Bí thư phụ trách Tỉnh Đoàn Vĩnh Phúc cho biết, Tỉnh Đoàn tham mưu, phối hợp để tất cả các huyện, thị có quy hoạch, đầu tư xây dựng nhà thiếu nhi cấp huyện, đã có 4 huyện xây dựng nhà văn hóa trị giá hàng chục tỷ đồng. Mặt khác, Tỉnh Đoàn làm tốt công tác xã hội hóa, đầu tư xây dựng được 27 điểm vui chơi cho thiếu nhi, mỗi điểm có chi phí 40 triệu đồng.

Anh Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng ban Thanh niên nông thôn T.Ư Đoàn nói, hệ thống nhà văn hóa, cung thiếu nhi tập trung chủ yếu ở thành phố, thị xã, nên trẻ em nông thôn, miền núi chịu nhiều thiệt thòi, không có điều kiện tham gia các hoạt động dã ngoại, rèn kỹ năng, phát triển năng khiếu do điều kiện đời sống còn khó khăn, thiếu thốn. Vì thế, trong các đề án liên quan đến trẻ em, cần ưu tiên đối tượng này.

Liên quan nguồn vốn đầu tư, quy hoạch, chị Nguyễn Thị Ngà, Bí thư Thành Đoàn Hà Nội cho biết, để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tốt hơn cho trẻ em được vui chơi, giải trí, phát triển năng khiếu, kỹ năng, tổ chức Đoàn cần đề xuất cơ chế chính sách, tham mưu xây dựng hệ thống đề án đầu tư từ ngân sách để xây dựng nhà văn hóa, cung thiếu nhi; Vận động nguồn vốn xã hội hóa kết hợp với công trình, phần việc thanh niên tạo sân chơi bổ ích cho thanh thiếu nhi.

Chiều cùng ngày, các đại biểu thảo luận tại tổ về dự thảo Kết luận “Nâng cao chất lượng đoàn viên và hoạt động của chi đoàn trên địa bàn dân cư”. Nhiều đại biểu cho biết, triển khai hoạt động của chi đoàn trên địa bàn dân cư là vấn đề khó khăn, thậm chí tại không ít địa phương trắng chi đoàn.

Vì thế, cần tạo nguồn cán bộ Đoàn, nên có cơ chế đưa sinh viên tốt nghiệp đại học về làm bí thư chi đoàn tại khu dân cư, từ đó gây dựng, củng cố hoạt động chi đoàn, mặt khác, những cán bộ Đoàn đó qua quá trình rèn luyện sẽ tạo nguồn cán bộ cho địa phương.

Về nội dung sinh hoạt chi đoàn, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Đắc Vinh khẳng định, hiện nay có nhiều hình thức sinh hoạt khá phong phú, thu hút ĐVTN tham gia. Tuy nhiên, dù có đổi mới hình thức thì sinh hoạt chi đoàn phải đảm bảo khâu tổ chức cũng như rèn luyện tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, trau dồi kỹ năng... cho đoàn viên.

* Sáng nay, Hội nghị nghe chuyên đề về tình hình biển Đông; công tác cán bộ và nghe báo cáo tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến vào 2 dự thảo tổng kết Nghị quyết, Kết luận được thảo luận trong chương trình Hội nghị.

MỚI - NÓNG