Gọi nhà báo chưa?

Phóng viên đón ngư dân Mai Phụng Lưu trở về Ảnh: L.V.C
Phóng viên đón ngư dân Mai Phụng Lưu trở về Ảnh: L.V.C
TP - “Điện thoại cho nhà báo chưa?”, đó là câu nói cửa miệng của nhiều ngư dân Quảng Ngãi. Khi bị bắt bớ, hoạn nạn trên biển, nhiều ngư dân luôn coi nhà báo như... cảnh sát 113.

Mời nhà báo đi Hoàng Sa

Cận Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6, ghé thăm nhà ngư dân Đặng Tự ở thôn Châu Thuận Biển xã Bình Châu (Bình Sơn, Quảng Ngãi). Ông Tự làm tài công cho tàu cá QNg 90218 TS của thuyền trưởng Đặng Tằm. Chiếc tàu này đã 2 lần bị bắt giữ ở Hoàng Sa, và mới đây thêm một lần bị bắt hụt

20 năm đi biển, chân ông Tự bị tê bại trong một phiên lặn nên bị gán với cái tên Tự Sẹo. Chân đi khập khiễng, mặt hằn nỗi đau đớn. Vậy nhưng ông Tự vẫn cầm lái con tàu của ông Đặng Tằm. Thọc cái chân sẹo lên bậc cửa, tay giật cần ga, ông Tự thường xuyên cho con tàu “gào thét”, chạy đua với tàu tuần tra cả ngàn mã lực của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa.

Ngư dân Đặng Tự
Ngư dân Đặng Tự .

Ngày 3-6 mới đây, tàu mở biển đi khơi. Và, ông Tự Sẹo đưa ra một đề nghị khá bất ngờ: “Nếu nhà báo nào muốn đi Hoàng Sa, anh thông báo giúp, cứ xuống tàu tôi”.

Ông Tự Sẹo kể, anh em trên tàu làm nghề lặn đêm. Đặc thù của nghề này là phải áp sát vào các tận đảo thì mới lặn bắt được hải sâm, còn nếu chỉ ở giữa vời thì chuyến biển coi như thua lỗ.

Vậy cho nên các đảo Đá Bắc, Bạch Quy, Chim Yến, Duy Mộng, Quang Ảnh, bãi Bình Sơn…, đều có thể tiếp cận.

Đi với ông Tự Sẹo hay không? Muốn tham khảo thêm về chuyến đi, chúng tôi tạt qua nhà của một ngư phủ khá nổi tiếng ở đầu xóm. Đó là thuyền trưởng Tiêu Viết Là, người 4 lần bị bắt giữ ở Hoàng Sa.

Ông Là rành rẽ vùng biển này như lòng bàn tay. Lời mời của ông Tự Sẹo khiến tôi nhớ đến tàu cá của ông Tiến ở gần đó. Trong chuyến đi Hoàng Sa cách đây gần 2 năm, ông Tiến đã vui vẻ chở theo một nhà báo ra Hoàng Sa tác nghiệp.

Trường Sa giờ đã có sóng Viettel, còn đi Hoàng Sa, ngoài máy Icom, các ngư dân còn có thể trực tiếp gọi về nhà, chỉ có điều, giá cả rất đắt. Tuy nhiên khi có sự vụ, ngư dân vẫn bấm máy tường thuật trực tiếp ngoài khơi vào đất liền cho nhà báo và Biên phòng.

Tình hình trên biển đang nóng. Những chuyến ra khơi gần đây, ông Tự Sẹo và nhiều ngư dân khác căn dặn vợ con: “Có chuyện gì xui xẻo ngoài đó, tụi tôi điện về tổng đài hay bấm điện thoại, bà nhớ nói cho anh em nhà báo biết chừng”.

Thế rồi, ngày 6-6-2012, vợ ông Tự Sẹo lại run run điện nhà báo: “Tàu em lại bị... nữa rồi!”. Ái chà! Những nhà báo lỡ hẹn với ông Tự xuýt xoa. Bởi nếu họ đi theo tác nghiệp, câu chuyện bị bắt sẽ được cận cảnh.

Sát cánh cùng ngư dân

PV Tiền Phong và ngư dân giữa Hoàng Sa Ảnh: Đ.N
PV Tiền Phong và ngư dân giữa Hoàng Sa. Ảnh: Đ.N.
 

Ở Quảng Ngãi, có tới 37.000 ngư dân vươn khơi đánh bắt ở Hoàng Sa và Trường Sa. Sự có mặt của ngư dân ngoài biển không đơn thuần chỉ khai thác hải sản, mà còn khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam. Và, câu chuyện nóng từng ngày ở Quảng Ngãi luôn đến từ những con tàu vươn khơi này.

Cứ vài ngày lại có thông tin ngư dân bị bắt, bị rượt đuổi, bị tịch thu tài sản. Có thời điểm, ngày nào cũng có tên thuyền trưởng Tiêu Viết Là, Mai Phụng Lưu trên báo chí.

Thông tin đó thành nguồn cho các báo tập trung tuyên truyền, phản ảnh về tình hình biển, đảo. Khi có sự vụ xảy ra trên biển, vợ các ngư dân trong đất liền lại hớt hải chạy ngược chạy xuôi để báo cáo với ủy ban xã và các đồn trạm Biên phòng.

Ngoài nhà chức trách, vợ các ngư dân thường tìm các nhà báo. “Điện thoại cho nhà báo nhanh lên?”, đó là câu cửa miệng của bà con ở làng chài đối với các gia đình đang gặp nạn.

Câu chuyện cảm động lan tỏa đến bạn đọc. Các cơ quan chức năng nỗ lực đấu tranh qua đường ngoại giao để bảo vệ ngư dân. Lực lượng cứu hộ trên biển tìm cách đưa ngư dân bị nạn vào đất liền sớm nhất.

Những tấm lòng hảo tâm vượt ngàn dặm đường đến chia sẻ nỗi khó khăn mất mát với những người vợ làng chài... Vụ tàu của thuyền trưởng Trần Hiền và Lê Vinh ở huyện đảo Lý Sơn vừa bị bắt hồi tháng 3, chỉ trong 1 tháng, hàng chục đoàn đã ra Lý Sơn tặng cho gia đình các ngư dân số tiền hơn 60 triệu đồng. Thuyền trưởng được vay mượn và hỗ trợ hàng trăm triệu đồng.

Đến các làng chài, có nơi, thấy nhà báo xuất hiện, ông thuyền trưởng đã gọi ngư dân đi bạn tập trung đông đủ trên tàu “để nhà báo phỏng vấn, chớp bóng anh em mình”.

Nhà báo trở thành chỗ dựa tin cậy của ngư dân. Thông qua báo chí, người dân miền biển Quảng Ngãi chuyển được tâm tư nguyện vọng của mình. Còn bạn đọc hiểu thêm cuộc mưu sinh nhọc nhằn mà hào sảng của các ngư dân Quảng Ngãi trên vùng biển đầy sóng gió.

Hàng xóm của ông Tiêu Viết Là ghen tỵ: “Ông Ba Là sướng thiệt. Có ngày, mấy đoàn nhà báo tới thăm. Muốn kiến nghị gì thì cũng có nhà báo nói giùm”.

Ngày 9-6-2012, tòa soạn báo Tiền Phong nhận được đơn kêu cứu của thuyền trưởng Đặng Tằm và vợ ông Tự Sẹo.

Nội dung lá đơn nhờ báo kêu gọi bạn đọc giúp đỡ vì hoàn cảnh gia đình sau nhiều lần bị phía Trung Quốc bắt phạt tịch thu phương tiện ở Hoàng Sa nên rất khó khăn.

Cuộc vận động quyên góp đang có kết quả. Tiền Phong đã trở thành cầu nối không thể thiếu đối với ngư dân. Có việc khẩn, ngư dân lại gọi Tiền Phong.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG