Gồng mình trước biến đổi khí hậu

Rạch Miễu sạt lở liên tục, người dân phải dời nhà vào trong.
Rạch Miễu sạt lở liên tục, người dân phải dời nhà vào trong.
TP - Người miền Tây Nam bộ đang chống chọi với xói lở bờ biển, sạt lở đất ven sông, suy thoái rừng phòng hộ điều đó đẩy hàng ngàn hộ dân vật lộn với biển mặn dâng. Cách nghĩ, cách làm để phát triển bền vững được xem là cách ứng xử thông minh với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. GS Võ Tòng Xuân nói trong Hội thảo nông dân thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tại Bạc Liêu: “Đối với tôi, nông dân là trên hết. Từ khi vào nghề, tôi tìm tòi, học hỏi nông dân để giúp bà con nông dân tồn tại”.

Bài 1: Biển đuổi

Bờ biển bao bọc đất liền các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang mỏng manh, nham nhở và yếu đuối trước sóng gió Tây- Nam luôn biến động. Ngay đầu mùa mưa, hơn 30 vụ sụp lở đất ven sông đã nhấn chìm hàng trăm ngôi nhà. Đêm đêm, bà con sống ven biển, ven sông nằm canh chừng đất lở.

Xóm Trôi đang chạy  

Con rạch nhỏ chảy ra biển Tây với hơn chục ngôi nhà đơn sơ của người dân nuôi tôm trong rừng phòng hộ và chài lưới ven bờ, một bên thuộc khóm 6B, thị trấn Sông Đốc, bên kia là ấp Đất Biển, xã Phong Điền (Trần Văn Thời, Cà Mau). Trời âm u, nắng dịu, người lớn tụm năm tụm ba nói chuyện vì biển động không đi biển được. Lũ trẻ chân đất, lội ra sát mé biển đùa giỡn.

Ông Nguyễn Văn Cọp, 56 tuổi, ngừng tay đào đất be bờ vuông tôm, nói: “Đây là rạch Miễu bởi có miếu Bà Chúa Xứ nhưng sóng biển đánh lở, phải dời Bà vô trong. Ở đây cực nhất là nước biển “ùn” làm ngập nhà cửa, đồ đạc, bể vuông tôm. Nhiều người gọi rạch Miễu là Xóm Trôi thì nay thành Xóm Chạy nước biển”.

Vợ chồng ông Cọp rời quê, nhận khoán lại 3,5 ha vuông tôm- rừng, sinh sống ở đây hơn 20 năm qua. “Ở đây tiện lợi ra bàu giăng lưới, câu cá mé biển, nhưng sóng biển lấn dần, mất rừng, sạt lở vuông tôm. Vợ chồng tôi đã dời nhà 3 lần rồi, chưa biết lúc nào phải dời nữa”- ông Cọp nói.

Bà Trần Thị Thủy, 55 tuổi, vợ ông Cọp bình thản: “Sống riết thành quen, hễ thấy trời âm u, gió thổi mạnh, sóng nổi lên là nước tràn ngập hết trơn. Đêm ngủ, nghe gió lào xào, nước lách tách dưới lưng, tỉnh ngồi dậy là đồ đạc trôi hết sạch. Sáng ra, lội vô rừng tìm lại, của ai người nấy lấy về”.

Những hộ dân khá giả, có vốn, sang nhượng diện tích rừng phòng hộ để nuôi tôm dưới tán rừng. Phần đông, những hộ dân ở Rạch Miễu sống bằng nghề chài lưới ven bờ. Bà Trần Thị Thơm ở ấp Đất Biển, xã Phong Điền kể: “Ở gần mé biển tiện lợi ra vào nhưng lở đất nhanh quá, phải dời nhà đôi ba lần. Vợ chồng tôi gởi 2 đứa con về ngoại, đi học, rồi gởi tiền về nuôi”.

Chỉ tay về hướng biển, ông Nguyễn Văn Quí cho biết, cách đây khoảng 10 năm, biển lúc lở lúc bồi, cất nhà cách mé biển hơn 1 km. Nhưng thời gian gần đây, biển không bồi, không đắp mà sóng biển đánh lở. “Bây giờ, Rạch Miễu chỉ còn 15 hộ ráng bám trụ, sống bằng nghề đánh bắt ven bờ”- ông Quí nói.

Gồng mình trước biến đổi khí hậu ảnh 1 Ông Nguyễn Văn Qúi, ở Khóm 6B, thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời, Cà Mau) be bờ vuông tôm vừa bị xói lở.

Tuyến đê nham nhở

Hàng ngàn hộ dân ven biển vùng bán đảo Cà Mau bị sóng biển, triều cường đe dọa. Tâm trạng chung của người dân sống ven biển, ven rừng phòng hộ “Hồi hộp nghe ngóng sóng biển” để sinh sống. Bởi lẽ, tuyến đê biển từ Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng liên tục bị sạt lở, nham nhở, yếu đuối trước sóng biển.

Ông Huỳnh Văn Nuôl ở ấp Xẻo Nhàu A, xã Tân Thạnh (An Minh, tỉnh Kiên Giang) nhận 2 ha rừng phòng hộ giao khoán để nuôi tôm, chỉ trong vòng 10 năm, vuông tôm bị sóng biển cuốn trôi. “Khoảng 3 năm trở lại, bờ biển còn cách chỗ này hơn 200 m thì bây giờ lở áp sát tới đây. Người dân không sinh sống được, đất rừng mất, không nuôi tôm như trước nữa”.

Trụ sở Trạm Kiểm soát Biên Phòng Xẻo Nhàu được xây dựng khang trang, chắc chắn, chỗ dựa cho bà con cửa biển Xẻo Nhàu. Trung úy Nguyễn Văn Lành, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát biên phòng nói: “Trong 5 năm qua, tuyến ven biển ở đây sạt lở từ 200- 250m, dọc theo bờ biển, ăn sâu vào đất liền”.

Ông Nguyễn Văn Tâm, GĐ Sở NN- PTNT Kiên Giang thông tin: “Sạt lở rất nhiều, có những nơi đến 500m, một số đoạn đã lở đến đê Quốc phòng, mà điểm sạt lở nghiêm trọng nhất là của biển Xẻo Nhàu”.

Tình trạng sạt lở nghiêm trọng ven biển vùng bán đảo Cà Mau phải kể đến Cà Mau với 3 mặt giáp biển. Bờ biển dài 250 km từ phía Tây giáp Kiên Giang đến phía đông giáp với tỉnh Bạc Liêu. Tuyến bờ biển phía đông của tỉnh Cà Mau chưa xây dựng đê biển, sóng biển ăn sâu vào rừng phòng hộ.

Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau lo lắng: “Mưa kèm theo gió Tây Nam, triều cường dâng cao, sóng biển gây sạt lở tuyến đê biển Tây bao bọc tỉnh Cà Mau. Đây là tuyến đê biển dài hơn 150 km, giáp Kiên Giang đến Mũi Cà Mau, bằng đất đen, thi công từ năm 1990, bị xuống cấp trở nên mỏng manh trước sóng biển”.

Ông Trần Văn Hai, ở xã Khánh Bình Tây (Trần Văn Thời, Cà Mau nói: “Cái đê này, nếu kè chậm, thủy triều dâng, giông gió chắc chắn vỡ đê. Bà con phía trong đê làm nông nghiệp, nước mặn tràn vô, không kịp trở tay, chắc chắn mất trắng”.

Gồng mình trước biến đổi khí hậu ảnh 2 Kè ngầm phá sóng, tạo bãi, khôi phục rừng đã bảo vệ được Mũi Cà Mau.

Thừa giải pháp, thiếu tiền

Ông Tô Quốc Nam, Phó GĐ Sở NN- PTNT Cà Mau nói: “Chúng tôi huy động các đơn vị xử lý kè tạm như cừ tràm, kè bản nhựa, kè rọ đá…để chống vỡ đê. Trong đó, giải pháp kè tạo bãi, khôi phục rừng phòng hộ là hiệu quả nhất, phù hợp với qui luật diễn thế tự nhiên nhưng khó khăn vốn đầu tư”.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải nói rằng, Cà Mau hiện tại có khoảng 2/3 diện tích bờ biển bị sạt lở. Từ năm 2007 tới nay, đất ven biển mất hơn 4.000 ha do xói lở. Xói lở đang đe dọa nhiều khu dân cư ven biển, cần di dời tái định cư đến nơi an toàn, hoặc có giải pháp công trình khẩn cấp ứng phó để bảo vệ đất đai, tài sản, công trình hạ tầng.

Trên những điểm sạt lở nghiêm trọng, mất hết đai rừng phòng hộ, tỉnh Cà Mau áp dụng kè bằng bê- tông cốt thép, thả đá hộc để phá sóng, phía trong được tạo bãi, trồng rừng. Nhìn ra phía biển, ông Nguyễn Văn An, 70 tuổi, ở xã Khánh Bình Tây (Trần Văn Thời, Cà Mau) nói: “Mô hình kè ngầm, tạo bãi, trồng rừng đã bảo vệ được bờ biển như diễn thế tự nhiên, bảo vệ được người dân sinh sống trong đê”.

Những năm qua, Sở NN&PTNT Cà Mau đã huy động vốn, phương tiện, thiết bị thi công 13 km kè ngầm phá sóng, tạo bãi và trồng rừng. Ông Hoai nói: “Chúng tôi chỉ áp dụng kè ngầm phá sóng, tạo bãi, trồng rừng tại các điểm sạt lở nghiêm trọng, khẩn cấp. Bởi lẽ, vốn đầu tư xây dựng lớn không thể kham nổi bờ biển dài hơn 250 km nhưng chúng tôi tiếp tục nghiên cứu để kéo giá thành xây dựng xuống”.

Cũng theo các kỹ sư ngành thủy lợi Cà Mau, giá thành thi công kè ngầm phá sóng, tạo bãi, trồng rừng lên đến 35 triệu đồng/m thì nay có thể cải tiến để giảm giá xây dựng còn 20- 22 triệu đồng/m. “Thực tế cho thấy kè ngầm phá sóng, tạo bãi, trồng rừng phát huy được hiệu quả nhưng khó khăn lớn nhất vẫn là vốn đầu tư khi tình trạng xói lở bờ biển lan rộng, phức tạp, nghiêm trọng do biến đổi khí hậu và nước biển dâng”- ông Nguyễn Long Hoai nói.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang cho hay: “Chúng tôi học được mô hình kè ngầm phá sóng, tạo bãi, trồng rừng của tỉnh Cà Mau nhưng khó khăn là vốn đầu tư. Thực tế thì Kiên Giang cũng được Trung ương quan tâm dự án gây bồi, tạo bãi, kinh phí hơn 70 tỷ đến năm 2020 nhưng chỉ trồng rừng ở những nơi còn bãi bồi. Trồng rừng để bảo vệ đê cần có bãi nếu không thì sóng đánh tiêu hết”.

Công trường xây dựng kè biển thuộc xã Vĩnh Hải (TX Vĩnh Châu, Sóc Trăng) đang thi công khoảng 1.000 m, bị triều cường đánh sập, ông Hà Tấn Việt, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Sóc Trăng nói: “Kè biển bằng bê- tông cốt thép không thể chống chịu với sóng biển nếu không có rừng phòng hộ che chở”.

Tương tự, đê biển Gành Hào thuộc ấp 1, thị trấn Gành Hào (Đông Hải, Bạc Liêu) bị sóng đánh vỡ 90m, rộng 10m, sâu 2,5m và diện tích sạt lở 870m2, vào đầu năm 2017. Ông Lương Ngọc Lân, GĐ Sở NN- PTNT Bạc Liêu nói: “Chúng tôi đưa công trình gia cố đê biển Gành Hào vào công trình khẩn cấp nhưng việc thi công còn phải chờ thời tiết thuận lợi. Cho thấy, công trình đê biển Gành Hào đã không tính toán hết diễn biến phức tạp, quá nhanh với biến đổi khí hậu và nước biển dâng”.

Ông Lương Ngọc Lân cho biết thêm, việc khôi phục dải rừng phòng hộ ven biển để bảo vệ đê là giải pháp thông minh, phù hợp với qui luật và bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bộ NN&PTNT thống kê, vùng ĐBSCL xuất hiện 24 khu vực thường xuyên bị xói lở, tổng chiều dài khoảng 147km, tốc độ xói lở từ 5-45 m/năm (trung bình mỗi năm mất khoảng 500ha đất). Trong đó điển hình là bờ biển: Gò Công Đông (Tiền Giang); Bình Đại (Bến Tre); Vĩnh Châu (Sóc Trăng); Nhà Mát, Gành Hào (Bạc Liêu); khu vực cửa biển Vàm Xoáy, xã Đất Mũi, khu vực cửa Rạch Rốc, huyện Ngọc Hiển và bờ biển Tây (Cà Mau).

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.