Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội XIII: Chú trọng phát triển kinh tế số

TP - Cần xác định rằng, việc đầu tư, phát triển một số công nghệ cơ bản của Cách mạng công nghiệp 4.0 là hết sức cần thiết. Muốn thế, Nhà nước cần chủ động tạo môi trường thử nghiệm cho các sản phẩm, dịch vụ, công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0...

Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 xác định “Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu” (Mục 2, Chương 4.3): “Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển nền kinh tế số”, tôi rất đồng ý với nhiệm vụ này và đề nghị Trung ương Đảng và Đại hội XIII cần lưu ý đưa vào Nghị quyết nội dung “Phát triển nền kinh tế số”.

Hiện tại, Việt Nam đã thu được những thành tựu bước đầu từ nền kinh tế số, tuy nhiên hiệu quả kinh tế còn thấp. Đảng cần đề ra mục tiêu trong 5 đến 10 năm tới nền kinh tế số phải chiếm từ 25 đến 30% GDP. Cần phải xác định, trong tiến trình phát triển của đất nước, chỉ khi nào Việt Nam có một nền kinh tế số phát triển thì khi đó năng suất lao động mới có thể tăng bình quân trên 7,5%/năm. Khi đó nước ta mới phát triển lực lượng lao động chất lượng cao. Việc xây dựng một chính phủ số là yếu tố tiên quyết để đưa Việt Nam thành một nước công nghiệp phát triển. Trong quá trình xây dựng chính phủ số, cần chú ý hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật số; đạt mức chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên Hợp Quốc thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN và có mạng 5G phủ sóng toàn quốc vào năm 2022.

Nghị quyết Đại hội XIII cũng cần nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để xây dựng một chính phủ số và nền kinh tế số. Thực hiện mục tiêu này không dễ nhưng nếu với quyết tâm cao, chúng ta có thể đạt được ngay trong nhiệm kì 5 năm của Đại hội XIII (tức từ 2021 - 2025). Trong đó chú trọng nâng cao chất lượng thể chế và năng lực xây dựng chính sách. Xây dựng, bổ sung thể chế, quy định pháp luật cho các công nghệ mới, mô hình, thực tiễn kinh doanh mới; chính phủ số và an toàn an ninh mạng; thực hiện mạnh mẽ các giải pháp mang tính đột phá nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, hoàn thiện thể chế nhằm khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo; tiếp tục thực hiện các giải pháp cải cách, hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ; nâng cao năng lực xây dựng chính sách nhằm nâng cao chất lượng thể chế, khả năng phản ứng chính sách nhanh và hiệu quả.

Nhà nước cũng rất cần hỗ trợ kinh phí cho người lao động trong các doanh nghiệp có nhu cầu đào tạo kỹ năng mới để chuyển đổi công việc trong quá trình chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ để đổi mới sản xuất kinh doanh; hỗ trợ để đào tạo nghề cho người lao động thất nghiệp trong quá trình chuyển đổi số.

Cần xác định rằng, việc đầu tư, phát triển một số công nghệ cơ bản của Cách mạng công nghiệp 4.0 là hết sức cần thiết. Muốn thế, Nhà nước cần chủ động tạo môi trường thử nghiệm cho các sản phẩm, dịch vụ, công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; xây dựng các cơ sở dữ liệu để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; đồng thời xây dựng các chính sách ưu đãi thuế mới nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu phát triển và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ sử dụng các công nghệ ưu tiên.

MỚI - NÓNG