Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội XIII:Tư duy lại để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao

GS.TSKH Nguyễn Văn Thâm
GS.TSKH Nguyễn Văn Thâm
TPO - Để Việt Nam có thể hội nhập hơn với thế giới, tiếp tục thúc đẩy sự phát triển đất nước thì cần nhiều giải pháp để khắc phục các tồn tại.
Mặc dầu đã có một số thành tựu trong việc xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao nhưng Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 trình Đại hội Đảng cũng thừa nhận: “Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu, chưa tận dụng tốt lợi thế thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”… “Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, thúc đẩy kinh tế xã hội. Trình độ khoa học công nghệ quốc gia nhìn chung còn khoảng cách so với nhóm đầu khu vực. Hiệu quả nghiên cứu khoa học công nghệ và ứng dụng kết quả nghiên cứu chưa cao”. Đó có thể xem là một sự đánh giá khá chính xác, nếu không muốn nói là còn nương nhẹ. Và dĩ nhiên, để Việt Nam có thể hội nhập hơn với thế giới, tiếp tục thúc đẩy sự phát triển đất nước thì cần nhiều giải pháp để khắc phục các tồn tại điểm đó.
Dưới đây tôi xin đóng góp một vài ý kiến về vấn đề đang bàn đến.
1. Về nội dung đào tạo, bồi dưỡng để có được nguồn nhân lực chất lượng cao. Dự thảo báo cáo đã nêu được những điều cốt yếu (mục 6.1). Những nội dung đó mà thực hiện được thì đã có thể xem là lý tưởng, dù nó không hoàn toàn mới. Nhiều điều trong đó đã được nói đến từ khá lâu, một số cơ sở giáo dục, đào tạo và bồi dưỡng cũng đã làm, dù chưa nhiều. Nhưng tại sao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng không cao, nếu không muốn nói là còn rất thấp so với yêu cầu đặt ra? Vấn đề theo tôi là ở đội ngũ máy cái, tức là những người tham gia đào tạo, bồi dưỡng, ở phương pháp đào tạo bồi dưỡng, ở sự đầu tư, phương pháp tư duy, và cả chính ở những người tham gia học tập. Đã tồn tại từ lâu trong các nhà trường, các cơ sở đào tạo một cách học tập chạy theo số lượng, chạy theo thành tích, rất không đề cao chất lượng mà hệ lụy của nó là rất nặng nề.

Để có nguồn cán bộ có chất lượng thì phải đổi mới không chỉ nội dung mà cả phương thức đào tạo bồi dưỡng, cách chọn đầu vào… Nguồn nhân lực có chất lượng cao, nhất là nhân lực trẻ, không thể không tính đến kết quả của những năm ngồi trên ghế nhà trường phổ thông. Trong khi, các cải cách rất thiếu hệ thống như thời gian qua chưa giúp khắc phục được những bất cập gây ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Nếu không thay đổi cách tư duy trong quá trình cải cách thì sẽ rất khó có đầu vào đảm bảo để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao.

2. Về đội ngũ máy cái trong công tác này cũng cần có một sự huấn luyện chu đáo, không chỉ có bằng tiến sĩ, có học hàm giáo sư, phó giáo sư là đã đủ. Ngoài những kiến thức nền tảng thì chuyên môn nào cũng cần có chuyên gia, giỏi lý thuyết, giỏi thực hành để tham gia giảng dạy. Nhà trường đại học của ta rất thiếu cơ sơ thực hành. Tôi chưa thấy ở nước nào việc thành lập các trường đại học lại ồ ạt như ở nước ta những năm vừa qua. Trường cứ thành lập mà không hề kể đến đội ngũ thầy, cô giáo ra sao. Có trường chỉ đi mượn thầy là chính, cốt sao có đủ số lượng để trình lên cấp trên xin mở trường, chất lượng thật sự thì ít khi tính đến. Như thế mà hy vọng đào tạo được một đội ngũ những người lao động có chất lượng cao thì thật ảo tưởng. Lại còn cơ sở vật chất nữa. Tôi biết có trường Đại học đã gần 30 năm có kế hoạch chuyển đi nhưng cơ sở vật chất không có đành chịu vậy, chưa nói đến phòng thí nghiệm, cơ sở thực hành, chỗ ở cho sinh viên nội trú…đều xa vời. Đó là nhũng vấn đề cần có lời giải nghiêm túc khi bàn đến nhiệm vụ xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao thời gian tới.

3. Trở lại vấn đề nội dung cần đào tạo, bồi dưỡng như đã nói ở trên, cần chú ý đến một vấn đề cơ bản của việc đào tạo nguồn nhân lực nói chung mà giáo dục Việt Nam thời gian qua đã không chú ý đúng mức, thậm chí có khi bỏ quên, chỉ lo chạy theo kiến thức chuyên môn, đó là việc giáo dục cách sống, giáo dục đạo đức để làm người, giáo dục khát vọng vươn lên cho thanh niên. Càng chuyển sang kinh tế thị trường thì điều này càng cấp thiết. Việt Nam đang cần một cơ chế  để khuyến khích khát vọng vươn lên mà không phải là các câu khẩu hiệu vô bổ. Chúng ta hiện đang chứng kiến không ít thanh niên ta đã xa rời nếp sống có văn hóa, có thuần phong mỹ tục để chạy theo lối sống xa hoa, đua đòi, nặng về vật chất chạy theo tiền bạc một các mù quáng. Điều đó đang làm cho tệ nạn xã hội ngày càng tăng trong giới trẻ. Nếu chúng ta muốn có văn hóa phát triển cân đối với kinh tế thì việc đầu tư cho văn hóa, giáo dục nhất định phải có sự tương xứng, phải tư duy lại về cải cách giáo dục.

4. Việc đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ từ nhà trường mà cần phải có sự tham gia của doanh nghiệp. Cách đây mấy năm tôi có dịp đến thăm đại bản doanh của Tập đoàn SamSung tại Hàn Quốc. Trung tâm Nghiên cứu khoa học của Tập đoàn có 3.000 kỹ sư làm việc. Khách tham quan được giời thiệu các phát minh của Tập đoàn, từ chiếc ti vi đen trắng có kích thước rất lớn, đến ti vi mầu màn hình phẳng treo tường đủ kích cỡ. Các bo mạch, các con chíp, các loại vật liệu mới …đều được giới thiệu lai lịch, khả năng ứng dụng. Họ cho biết mỗi phát minh của kỹ sư đều được thưởng xứng đáng và được tôn vinh. Đội ngũ lao động có chất lượng cao của Tập đoàn đã ra đời và làm việc với một cơ chế như thế. Phải chăng cách làm đó chúng ta có thể học tập?

“Chúng ta rồi có thể phổ cập đại học, thạc sĩ, có nhiều tiến sĩ, giáo sư nhưng phát minh sáng kiến, công trình thì quá ít vì bảo vệ xong thì phần lớn công trình đưa ra bảo vệ lại chui và các ngăn kéo cán bộ, nhiều đề tài luận văn, luận án không thiết thực thì đưa vào cuộc sống thế nào đây? Câu chuyện “lò ấp tiến sĩ” mà báo chí đã nói nhiều mấy năm quả thật rất đáng để cho ai đẻ ra nó phải suy nghĩ. Có phải có tấm bằng tiến sĩ thì chất lượng sẽ cao ngay không để bằng mọi giá phải chạy cho ra cái bằng mới thôi?” 

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.