GPMB nút giao Thanh Xuân: Tháng Tư phải xong

GPMB nút giao Thanh Xuân: Tháng Tư phải xong
TP - Thành phố Hà Nội cơ bản hoàn thành các phương án đền bù, hỗ trợ đối với các hộ dân nút giao thông Thanh Xuân và quyết tâm giải phóng mặt bằng (GPMB) xong trong tháng Tư.
GPMB nút giao Thanh Xuân: Tháng Tư phải xong ảnh 1

Nút giao Thanh Xuân đường vành đai ba, công trình kỷ niệm ngàn năm Thăng Long  Ảnh: Phùng Sưởng

UBND TP Hà Nội cho biết, hơn một ngàn hộ trong tổng số hơn 1.400 hộ thuộc phương án GPMB tại đường Khuất Duy Tiến và nút giao Thanh Xuân đã được đền bù, hỗ trợ, tái định cư. Riêng nút giao Thanh Xuân, đến thời điểm này, Thành phố cơ bản lập xong 346 phương án đền bù và di dời.

Về chính sách đền bù, tái định cư, lãnh đạo Thành phố thống nhất cho áp dụng cơ chế đặc thù đối với dự án đường vành đai 3. Theo đó, người được mua nhà tái định cư theo giá có một phần bao cấp, không tính trượt giá theo Quyết định 15 của thành phố (áp dụng từ trước năm 2006); các hộ không thuộc diện được đền bù cũng được xem xét áp dụng mức hỗ trợ cao nhất, tối đa tới 50 phần trăm giá đất ở.

Một số trường hợp tự chuyển đổi đất nông nghiệp, hộ do HTX và UBND xã cho thuê làm kios có 12 mét vuông, dân lấn chiếm lên tới hàng trăm mét vuông, cũng được xem xét hỗ trợ. “Đây là cơ chế đặc thù, chỉ có ở Hà Nội, trên cơ sở có tính đến điều kiện thực tế của Thủ đô, đảm bảo quyền lợi cho dân cao nhất” – Ông Biền nói.

Theo báo cáo khả thi được phê duyệt, nút giao Thanh Xuân được thiết kế phương án cân nhỏ, hoàn toàn nằm trong chỉ giới tổng thể nút thiết kế ban đầu, không phát triển ra bên ngoài. Được biết tại đây, ngoài nút giao cắt đường bộ, sẽ thiết kế điểm giao cắt đường sắt đô thị Hà Nội - Hà Đông.

Công khai phương án đền bù, hỗ trợ

Xung quanh nút giao Thanh Xuân, TP Hà Nội làm rõ các kiến nghị, bức xúc của dân thuộc phạm vi dự án. Các thắc mắc chủ yếu về nguồn gốc đất, chế độ chính sách liên quan. Thành phố công khai phương án, cho áp dụng cơ chế đặc thù, xem xét bố trí nơi tái định cư tốt nhất, hỗ trợ tối đa cho các hộ. Thắc mắc về chỉ giới đường đỏ, bên cạnh mặt cắt điển hình 68 m (nhưng có nơi 71m, nơi lại 73m) cũng được làm rõ.

Tại Văn bản số 140, (ngày 4/2/2002), Thủ tướng giao cho Bộ trưởng Bộ GTVT và Chủ tịch UBND TP Hà Nội xem xét quyết định, chịu trách nhiệm về việc mở rộng chỉ giới GPMB, chỉ giới xây dựng một số đoạn thuộc dự án vành đai 3 (đoạn Mai Dịch – Pháp Vân) phù hợp với quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết.

Theo đó, chỉ giới xác định từ thực tiễn, điển hình là 68m, nhưng có chỗ 73, có chỗ 71m, do thực tế đã triển khai những công trình vĩnh cửu từ trước đó, ngoài ra có chỗ sử dụng làm vỉa hè, hành lang, cây xanh, công trình giao thông tĩnh.

Trưởng ban Chỉ đạo GPMB Thành phố cho biết, đợt này có hơn 100 hộ dân đã bàn giao mặt bằng, nhận nhà tái định cư. Cùng với đẩy nhanh tiến độ, Thành phố đang khẩn trương rà soát, tiếp tục xem xét kiến nghị của dân.

Khi tái định cư về khu đô thị Trung Hòa-Nhân Chính, các hộ dân được chọn căn hộ. “Kiến nghị về việc bố trí thêm căn hộ tái định cư, theo nhu cầu thực tế của dân đã được xem xét, giải quyết. Một số trường hợp còn lại sẽ giải quyết trước ngày 20/3” – Ông Biền nói.

"Trường  hợp thuộc diện được hỗ trợ (không được đền bù) sử dụng đất trước 15/10/1993, Thành phố sẽ hỗ trợ một nửa giá đất ở (60m2 đầu tiên), 30 phần trăm giá đất ở của 60m2 tiếp theo, còn lại hỗ trợ theo giá đất nông nghiệp. Trường hợp sử dụng đất sau ngày 15/10/1993 đến 1/7/2004, được hỗ trợ 30 phần trăm giá đất ở (60m2 đầu tiên), và 20 phần trăm cho 60m2 tiếp theo, còn lại hỗ trợ theo giá đất nông nghiệp" Ông Nguyễn Đức Biền - Trưởng ban Chỉ đạo GPMB Thành phố Hà Nội nói

MỚI - NÓNG
Chủ tịch Cần Thơ yêu cầu kịp thời thay thế cán bộ 'đùn đẩy, sợ trách nhiệm'
Chủ tịch Cần Thơ yêu cầu kịp thời thay thế cán bộ 'đùn đẩy, sợ trách nhiệm'
TPO - Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ vừa có chỉ đạo tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn thành phố. Trong đó, yêu cầu kịp thời thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm...