Gửi 27 mẫu bệnh phẩm có virus LMLM ra nước ngoài xét nghiệm

Gửi 27 mẫu bệnh phẩm có virus LMLM ra nước ngoài xét nghiệm
TPO - Nguồn tin từ Cục Thú y cho biết Cục đã lấy và gửi 27 mẫu bệnh phẩm của các gia súc bị nhiễm bệnh lở mồm long móng (LMLM) ở một số tỉnh thành ra nước ngoài để tiến hành xét nghiệm.
Gửi 27 mẫu bệnh phẩm có virus LMLM ra nước ngoài xét nghiệm ảnh 1
Cán bộ thú y đang kiểm tra bò bị bệnh dịch lở mồm long móng tại xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi

Dự kiến trong 4-6 tuần tới sẽ có kết quả cụ thể về các mẫu bệnh phẩm này.

Đại diện Cục Thú y cho biết kết quả xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm này sẽ giúp cho việc tiêm phòng vaccine tại những địa phương có dịch LMLM được hiệu quả.

Cũng theo vị quan chức này, việc gửi mẫu bệnh phẩm ra nước ngoài làm xét nghiệm là cần thiết vì các công trình nghiên cứu đã cho thấy virus LMLM đã có dấu hiệu biến chủng.

 “Các nghiên cứu cũng cho thấy, virus gây bệnh lở mồm long móng có khả năng đột biến mạnh, nên sau 2-3 năm phải khảo sát để lựa chọn vaccine phù hợp”- Vị quan chức này nói.

Ở Việt Nam trong thời gian gần đây cũng xuất hiện những type virus LMLM  mới mà cụ thể là năm nay đã xuất hiện virus type A ở miền Trung, Asia-1 ở miền núi phía Bắc.

Theo báo cáo mới nhất của Cục Thú y, tính đến ngày 17/5 có thêm 2 tỉnh nữa có gia súc bị bệnh LMLM là Hải Dương và Lai Châu. Đến thời điểm này, toàn quốc có 242 xã, của 97 huyện thuộc 30 tỉnh thành đang có dịch LMLM với tổng 11.600 con trâu, bò và 15.262 con lợn mắc bệnh. Số trâu bò chết và tiêu huỷ là 187 trâu bò và 10.449 lợn.

Nguồn tin từ Bộ NN&PTNT cho biết chiều 16/5, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã ký Quyết định số 38 về Quy định Phòng chống bệnh LMLM.

Theo quy định này, các địa phương phải tiêu huỷ bắt buộc toàn bộ số lợn, dê, cừu, hươu, nai trong cùng một ô chuồng nếu trong ô chuồng đó có con mắc bệnh với triệu chứng lâm sàng điển hình mà không phải chờ kết quả xét nghiệm.

Trường hợp còn nghi ngờ phải nuôi cách ly chờ kết quả xét nghiệm, nếu kết quả dương tính thì tiêu huỷ.

Các trường hợp trâu, bò mắc bệnh trong ổ dịch xuất hiện lần đầu tiên tại thôn; gia súc mắc bệnh với type virus LMLM mới hoặc type virus đã lâu không xuất hiện trên địa bàn tỉnh cũng bắt buộc phải tiến hành tiêu huỷ.

Trường hợp trâu, bò không thuộc diện nêu trên thì Bộ NN-PTNT vẫn khuyến khích tiêu huỷ hoặc có thể nuôi giữ nhưng phải quản lý chặt chẽ bằng cách đánh dấu bằng bấm tai và có sổ theo dõi; nuôi cách ly với đàn gia súc chưa mắc bệnh; được giết mổ, tiêu thụ tại xã và phép vận chuyển ra khỏi xã để tiêu thụ sau hai năm tính từ ngày con vật khỏi triệu chứng lâm sàng.

MỚI - NÓNG