Gương đi đường

Gương đi đường
TP - Đi lại trên đường hiện nay, dường như đang theo qui luật mạnh được yếu thua. Giữa cảnh chen lấn hỗn độn, người nào lỳ lợm, táo tợn, sẽ giành được phần đi trước. Ngược lại, bị chèn ép, chê bai. Ở tất cả các ngả đường, chưa có những tấm gương đủ mạnh về nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ giao thông cho cả xã hội noi theo.

Một xã hội có nhiều tầng lớp, cao thấp, sang hèn, mạnh yếu khác nhau. Tầng lớp càng cao, sang, có sức mạnh thì sự tác động xã hội càng lớn.

Thuở nào gọi tầng lớp bên trên là thượng lưu, quý tộc, cũng có nơi gọi là tầng lớp tinh hoa của xã hội. Ở nước ta hiện nay hay gọi là cán bộ cấp cao hoặc những người có trọng trách lớn với dân, với nước.

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh vừa có bài trên Tiền Phong, kể rằng, năm 2009, ông về một tỉnh ĐBSCL, gặp vị chủ tịch tỉnh không biết bên con đường mới mở thênh thang giữa nơi vắng vẻ, có tấm biển hạn chế tốc độ ô tô tối đa 40 km/giờ.

Chưa nói về sự bất hợp lý của tấm biển, ở đây lộ ra xe chở ông chủ tịch tỉnh chưa bao giờ phải tuân thủ qui định của tấm biển, cũng có nghĩa xe chở ông không phải chấp hành luật lệ giao thông.

Cuối năm 2009, vẫn trong bài của tiến sỹ Doanh, ông được đi nhờ một chiếc xe biển xanh 80B, có gắn còi hụ, từ Hạ Long về Hà Nội, chỉ mất một giờ 45 phút, thay vì ba giờ rưỡi đến bốn giờ như xe bình thường. Vị cán bộ cấp cao cho ông Doanh đi nhờ “thú thực chưa bao giờ biết cảnh hạn chế tốc độ”.

Tiến sỹ Doanh kết luận: “Đành rằng thủ trưởng cần đi nhanh nhưng đến cái mức vì thế mà mất cả liên hệ với cuộc sống thực của dân thì cần phải xem lại”.

Xe gắn đèn quay còi hụ, bây giờ rất nhiều, từ cấp tỉnh trở lên. Chẳng còn hiếm chuyện không phải nguyên thủ quốc gia, đôi lúc là bộ trưởng, thậm chí cán bộ đã nghỉ hưu, về địa phương được bố trí xe đèn quay còi hụ rầm rộ đưa rước, có cả cảnh sát dẫn đường dứ dùi cui vào đầu dân chúng bắt nép nhanh vào lề đường.

Như thế, rất nhiều người quyền cao chức trọng hiện nay, đi đường ít phải tuân thủ luật lệ giao thông. Họ luôn được đi nhanh, đi trước, bất kể dân chúng đang phải chen chúc khổ sở như thế nào.

Phải chăng, vô tình vì thế đã trở thành những tấm gương bất chấp luật lệ giao thông, gieo ảnh hưởng xấu trong xã hội?

Dĩ nhiên, quản lý giao thông cũng đang có vấn đề, như lạc hậu về phương pháp lẫn phương tiện. Chẳng hạn khi đã gắn camera đủ khả năng phát hiện mọi hành vi vi phạm luật lệ giao thông, có thể xử lý công bằng với mọi người hay chưa?

Vấn đề “đảng viên đi trước làng nước theo sau” lại nổi lên. Và tại sao trong cuộc vận động học tập tấm gương đạo đức Bác Hồ, chưa có nội dung cụ thể như cán bộ, đảng viên nêu gương chấp hành luật lệ giao thông ?

MỚI - NÓNG