Hạ giá thuốc: làm được, nếu quyết tâm!

Hạ giá thuốc: làm được, nếu quyết tâm!
Giá thuốc Việt Nam cao đã cả chục năm nay, nếu quyết tâm thì không phải không hạ giá được. Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ Trần Văn Bản - ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội Quốc hội - khẳng định như vậy, đồng thời cho rằng có nhiều biện pháp để giá thuốc “hạ cánh”.

Ông Bản cho rằng Luật dược đã quy định rõ trách nhiệm quản lý giá thuốc thuộc Bộ Y tế, nếu phân định chưa rõ thì trước hết Bộ Y tế vẫn phải làm. Nhưng “cửa ngõ” giá thuốc đã bị bỏ ngỏ vì cơ quan quản lý nhà nước cứ đùn đẩy nhau. Giá thuốc ở Việt Nam cao, phải nói nó tích tụ bởi rất nhiều lý do. Lý do quan trọng nhất, theo ông Bản, là vì buông lỏng quản lý, quản lý một cách bất cập, yếu kém, không đưa ra giá trần, để cơ chế thị trường đang thao túng toàn bộ.

“Khi có thầy thuốc làm môi giới cho hãng thuốc và người ta có thể khuyến mãi giá thuốc như Luật thương mại thì chết dân rồi. Người ta tặng hoa hồng, tổ chức du lịch nước ngoài... Tất cả đều đổ vào giá thuốc thì giá thấp làm sao được” - ông Bản phàn nàn.

Ông Bản cho biết có rất nhiều cách người ta có thể bán tăng giá thuốc. Cũng thuốc ấy, ban đầu nhiều hãng dược nước ngoài có thể thăm dò, đưa hàng xách tay vào VN. Sau khi móc nối, thấy bán được, họ về thay đổi tên, vẫn là hoạt chất ấy, họ chỉ thay đuôi, thay tá dược, thay đổi phương pháp bào chế một chút và nói là thuốc thế hệ mới, bán giá cao lên.

Người dân không biết, còn thầy thuốc bảo thuốc này mới, tốt lắm thì đắt mấy dân cũng phải mua. Trong khi đó, cơ quan quản lý nhà nước lại không có công cụ, cung cấp đủ thông tin cho người bệnh biết. Vậy là dân phải chịu.

Ông Bản cho rằng: "Chắc chắn phải cải tổ lại Cục Quản lý dược. Cứ để thế này chúng ta còn phải đuổi theo giá thuốc dài dài. Theo tôi, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Việc kiểm tra bác sĩ có nhận hoa hồng, đẩy giá lên cao, công an vào cuộc thử làm bệnh nhân sẽ ra ngay. Đặc biệt, Bộ Y tế phải có trách nhiệm về giá thuốc, không ai hiểu giá thuốc bằng ông thầy thuốc, chứ nói Bộ Tài chính thì không nên"

“Chỉ cần có trách nhiệm là làm được”

Trả lời câu hỏi cần làm gì để giá thuốc “hạ cánh”, ông Bản nói giá thuốc cao chính là do quản lý nhà nước, do móc nối giữa thầy thuốc và người tiếp thị... cho nên phải tập trung vào những vấn đề này.

Ông Bản cho biết: “Trước chúng ta đã quy định tỉ lệ chiết khấu cho người bán từng loại thuốc. Cùng loại thuốc ấy, vùng xa thì chiết khấu cao, vùng gần chiết khấu thấp, giá thuốc đó trên cả nước cơ bản là như nhau. Nay không phải vậy. Bộ Y tế có hướng dẫn cho các bệnh viện được đấu giá thuốc đầu vào. Nhưng không có thông tin giá thế giới thế nào, không đặt giá trần. Đang có sự việc rất lạ là cùng một tỉnh nhưng mỗi bệnh viện ký một mức giá thuốc. Dù đấu giá nhưng giá thuốc bệnh viện đôi chỗ cứ cao hơn giá nhà thuốc ngoài bệnh viện... Thế là chết rồi”.

Theo ông Bản, nếu áp giá trần hoặc có mức giá trần khuyến cáo các bệnh viện thì sẽ có cơ sở để kiểm tra nơi nào “vượt rào”. Ngoài ra, cần công khai minh bạch trong nhập khẩu thuốc, tăng cung cấp thông tin về thuốc, giá thuốc cho người dân.

“Tôi nghĩ một trong những biện pháp có thể làm ngay ở Việt Nam là Bộ Y tế phải thu thập được thông tin về giá các loại thuốc tại một số nước. Những thông tin ấy không có gì là khó, có trên các trang web hoặc hỏi là người ta nói. Chỉ cần có trách nhiệm là làm được” - ông Bản nhấn mạnh.

Theo Cầm Văn Kình
Tuổi Trẻ

“Lực bất tòng tâm”

Chiều 25-5, Ban văn hóa xã hội HĐND TP.HCM đã làm việc với Sở Y tế TP về tình hình quản lý giá thuốc trên địa bàn TP.

Báo cáo với các đại biểu HĐND, bà Phạm Khánh Phong Lan - phó giám đốc Sở Y tế TP - nói bên cạnh những vấn đề ngành y tế TP đã làm được trong quản lý giá thuốc vẫn còn những bất cập, tồn tại chưa thể giải quyết một sớm một chiều như: tình trạng mua bán thuốc lòng vòng qua nhiều tầng nấc trung gian; mua bán thuốc không hóa đơn chứng từ; vẫn còn phổ biến phòng mạch bác sĩ vừa khám bệnh vừa bán thuốc, thậm chí bóc hết nhãn mác của thuốc; có hiện tượng bác sĩ móc nối với trình dược viên hoặc nhà thuốc để kê đơn thuốc chia hoa hồng...

Theo bà Phong Lan, tuy Sở Y tế và Thanh tra sở đã cố gắng hết sức, thường xuyên thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra... nhưng thật sự vẫn còn nhiều vấn đề lực bất tòng tâm.

Bà Trần Thị Ngọc Anh - trưởng Ban văn hóa xã hội HĐND TP - nói cử tri rất bức xúc về vấn đề giá thuốc và đề nghị Sở Y tế phải thông tin cụ thể việc mua bán thuốc cho bệnh nhân viêm gan siêu vi C, cũng như vì sao những thuốc này chưa được đưa vào danh mục bảo hiểm y tế để chăm lo cho người nghèo. Bà Ngọc Anh cũng đề nghị Sở Y tế sớm tham mưu cho chủ tịch UBND TP ban hành chỉ thị về quản lý dược phẩm trên địa bàn TP.

L.TH.H.

MỚI - NÓNG