Hạ Long: Môi trường di sản đang bị tàn phá

Hạ Long: Môi trường di sản đang bị tàn phá
TP - Trước cửa một số hang động lớn ở vịnh Hạn Long, như Thiên Cung, Sửng Sốt... du khách vừa đặt chân lên bờ đã thấy bày bán đủ thứ từ tăm, thuốc lá, các loại hoa quả, hải sản...
Hạ Long: Môi trường di sản đang bị tàn phá ảnh 1

Bán hàng kiêm ăn xin – cảnh này bao giờ chấm dứt? Ảnh: Cẩm Ninh

Với số lượng vài ngàn lượt khách thăm mỗi ngày, vịnh Hạ Long đang là nơi kiếm tiền của nhiều cư dân.

Chỉ một quả ổi đã là 5.000 đồng, bao thuốc 12.000 đồng, chai nước giá gấp đôi trên bờ.

Tại làng chài Cửa Vạn, một số khu vực nuôi cá lồng bè, tàu du lịch đưa khách ra tham quan mua hải sản thì lập tức bị một đội quân bán hàng tấp ngay mạn tàu.

Những đứa trẻ xuất thân từ những khu dân cư trên vịnh, hằng ngày chỉ bám các tàu du lịch kiếm sống. Bán một cành san hô lấy từ đáy vịnh sau khi luộc, ngâm vôi, tạo hình đơn giản bán từ 50.000– 100.000 đồng nên họ bất chấp để hành nghề.

Theo thống kê của Ban quản lý vịnh Hạ Long, riêng 6 tháng đầu năm 2006 đã xử lý 32 vụ vi phạm quy định. Trong đó có 11 vụ vi phạm về tài nguyên môi trường, 6 vụ vi phạm an ninh trật tự...

Đó là những vụ điển hình và đã được BQL vịnh phối hợp với các ngành chức năng xử lý kiên quyết. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm như bán hàng rong, ăn mày... cứ dẹp rồi lại đâu vào đấy. Đáng lo nhất là một số hộ dân khai thác và buôn bán trái phép san hô.

Mới đây, Đội kiểm tra BQL Vịnh đã bắt giữ một thuyền gỗ tàng trữ hàng chục kg san hô của một hộ dân sinh sống trên vịnh. Chỉ trong tháng 6/2006, cơ quan chức năng đã phát hiện 4 vụ tàng trữ và buôn bán loại hàng cấm này.

Tuy rất kiên quyết xử lý nhưng san hô bằng nhiều cách vẫn được đưa tới tay du khách, thậm chí có người còn rao bán cả động vật quý hiếm.

Ông Phùng Đức Tín – Phó trưởng ban quản lý Vịnh Hạ Long cho biết: “Thực tế chúng tôi đã bắt, phạt nhiều lần, rồi tuyên truyền, bắt ký cam kết... tạo cả việc làm thu nhập ổn định cho họ nhưng chỉ một thời gian đâu lại hoàn đó.

Môi trường du lịch, môi trường di sản bị tàn phá ngay trong lòng vịnh khiến những người làm công tác quản lý và du khách bức xúc.

Thế nhưng, khó khăn trong việc quản lý lại xảy ra ngay trong hệ thống quản lý, khi BQL vịnh không thể tự xử phạt và chưa có thẩm quyền xử lý các vi phạm hành chính nên khi phát hiện đối tượng vi phạm phải báo cho Công an, Thanh tra Tài nguyên&Môi trường, Chi cục Nguồn lợi thủy sản... vừa mất thời gian đủ các thành phần mà hiệu quả không cao.

MỚI - NÓNG