Hà Nội : 20% số vịt chưa tiêm phòng nhiễm virus

Hà Nội : 20% số vịt chưa tiêm phòng nhiễm virus
TP - Đây thông tin được Trung tâm chẩn đoán thú y TW đưa ra tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống cúm gia cầm và bệnh lở mồm long móng diễn ra chiều nay, 12/6, tại Hà Nội.

>> P/S ảnh : Gia cầm chết gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng 

Hà Nội : 20% số vịt chưa tiêm phòng nhiễm virus ảnh 1

1/5 số vịt chưa tiêm phòng bán trên thị trường có virus cúm gia cầm

Tại cuộc họp, đại diện Trung tâm chẩn đoán thú y TW cho biết trong tuần qua, trung tâm đã tiến hành giám sát gia cầm sau tiêm phòng ở một số địa phương như Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang… cho thấy tỷ lệ bảo hộ đàn gia cầm tại Hà Nội và Bắc Ninh đạt khá cao, tại Hà Nội là  81,15%, Bắc Ninh 73,03%. Riêng Bắc Giang, tỷ lệ bảo hộ là hơn 31%, rất thấp so với yêu cầu.

Trung tâm cũng đã lấy mẫu xét nghiệm đối với một số thuỷ cầm chưa được tiêm phòng cũng cho thấy tỷ lệ nhiễm bệnh rất cao, trung bình ở mức 12,8%, riêng Hà Nội là 21,7%, có nghĩa là cứ có 5 con vịt bán chưa tiêm có thể có 1 con có virus.

Tại cuộc họp, đại diện của Cục chăn nuôi cũng bày tỏ sự lo lắng về tình hình dịch cúm gia cầm ở các tỉnh khu vực phía Nam trong thời gian tới sẽ giống như tại miền Bắc nếu không có biện pháp phòng, chống ngay từ bây giờ.

Theo Cục chăn nuôi, hiện nay dịch cúm gia cầm chưa bùng phát mạnh ở khu vực phía Nam là do số lượng vịt thả đồng đang được nuôi nhốt. Tuy nhiên, đến thời điểm thu hoạch lúa Đông Xuân thì theo tập quán số thuỷ cầm sẽ tiếp tục được chăn thả tự do và điều này sẽ là cơ hội tốt để dịch lây lan và bùng phát.

Cũng theo Cục Chăn nuôi, hiện dịch cúm gia cầm đang lây lan trên diện rộng tại các địa phương trên cả nước trong vòng hơn 1 tháng qua  trong đó chủ yếu là ở khu vực phía Bắc.

Điều dễ nhận thấy nhất là ở nhiều địa phương đã có dịch vẫn phát hiện thêm nhiều ổ dịch mới như Cần Thơ, Bắc Giang, Hải Phòng… Nguyên nhân của điều này là do công tác tổ chức tiêm phòng chưa tốt, kỹ thuật tiêm phòng chưa được đảm bảo cũng như việc có dấu hiệu khai báo khống lượng gia cầm được tiêm phòng.

Tiêm phòng triệt để 100% đàn vịt

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT vừa có Công điện khẩn số 22 BNN/CĐ gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, TP, các Bộ, ngành trong Ban chỉ đạo quốc gia về việc tiếp tục triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch cúm gia cầm.

Theo đó, cần tiêm phòng triệt để 100% đàn vịt đến tuổi tiêm phòng; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho mọi người hiểu biết về sự nguy hại của bệnh cúm gia cầm, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi gia cầm để chủ động ngăn chặn dịch tái phát và lây lan; cần nhấn mạnh một số nguy cơ phát dịch, như: nuôi gia cầm không rõ nguồn gốc; nuôi vịt không được tiêm phòng; nuôi chung gà, vịt và các loại gia cầm khác; vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm không được kiểm dịch.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, hiện nay số lượng vaccine để cung cấp cho tiêm phòng cũng còn rất ít, hiện cả nước chỉ còn khoảng 30 triệu liều và như vậy lượng vaccine hiện có chỉ “cầm cự” được trong vòng 1 tháng nữa.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, kế hoạch tiêm phòng của các địa phương luôn bị phá vỡ do tình trạng ấp nở trái phép, việc tái đàn không được kiểm soát ở các địa phương đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt vaccine như hiện nay.

Theo Cục trưởng Cục Thú y Bùi Quang Anh, từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã chi hơn 60 tỷ đồng để nhập 250 triệu liều vaccine cúm gia cầm. Theo kế hoạch ban đầu, trong 2 năm 2007-2008, Việt Nam sẽ chi khoảng 100 tỷ đồng để nhập tổng cộng 500 triệu liều vaccine.

Cũng theo ông Quang Anh, hai năm trước đó (2005-2006), Việt Nam đã phải chi khoảng 130 tỷ đồng để nhập tổng cộng 640 triệu liều vaccine cúm gia cầm.

Để ngăn chặn dịch tiếp tục bùng phát trong thời gian tới, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu các bộ ngành liên quan cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; kiểm soát việc ấp nở chăn nuôi, đặc biệt là đối với thuỷ cầm. Ngoài ra, đối với công tác tiêm phòng, các địa phương cần rà soát lại và giao trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, nếu cơ quan nào làm không tốt cần phải có hình thức kiểm điểm.

MỚI - NÓNG