Hà Nội: 77 cơ sở bán gà sạch có đáng tin cậy?

Hà Nội: 77 cơ sở bán gà sạch có đáng tin cậy?
TP - Nguy cơ lây lan dịch bệnh và ngộ độc thực phẩm từ gà không rõ nguồn gốc, gà hết hạn sử dụng ở chính những điểm kinh doanh gà sạch là có thật
Hà Nội: 77 cơ sở bán gà sạch có đáng tin cậy? ảnh 1
Kiểm tra việc kinh doanh gà sạch tại siêu thị Intimex

Thực tế này được rút ra khi chúng tôi tiến hành Khảo sát một vài cơ sở có tên trong danh sách 77 điểm được cấp phép kinh doanh gà sạch, do Sở Thương mại Hà Nội công bố.

Tại ki ốt số 4 của cơ sở Duyên - Nghĩa, chợ Hôm - Đức Viên, chiều 7/2, hàng loạt gà làm sẵn buộc theo kiểu “cánh tiên” không dấu kiểm dịch được bày bán công khai.

Người bán hàng cho biết đây là gà mua ở quê, “ta” 100%, giá 70.000đ/kg. “Gà ta mới ngon chứ muốn có dấu thì ăn gà công nghiệp, chẳng ra gì đâu”, chị bán hàng nói xong mở tủ lôi ra một con gà đông lạnh trắng bệch không hề có bao bì, nhãn mác và giải thích là vừa xé túi bóng ra để chuẩn bị làm giò!

Tại ki ốt số 142 của cơ sở Thanh Nga, chợ Hàng Da, người bán hàng sẵn sàng chìa cho khách xem giấy giao hàng của chợ đầu mối Bắc Thăng Long, số lượng 10 con, giao ngày 7/2.

Tuy nhiên, số gà có trong tủ kính lại nhiều hơn số ghi trên giấy và không hề có dấu kiểm dịch ngoài một tờ giấy kiểm dịch có thể áp dụng cho bất cứ con gà nào đang nằm trong tủ kính.

Bên ngoài chiếc túi nilon bao ngoài buộc túm lại bằng dây lạt hết sức thủ công, không thấy nhãn mác cho biết gà của đơn vị nào, không có ngày sản xuất, hạn sử dụng, điều kiện bảo quản – những chỉ số quan trọng chứng minh đó là gà sạch.

Không những thế, tại cơ sở “gà sạch, gà ta 100%” số 183 Giảng Võ, chúng tôi bắt gặp một tủ đông lạnh đựng toàn gà hết hạn sử dụng!

Trên bao nilon đựng gà dán mác của cơ sở Quang Thiết, Hà Tây, số điện thoại 034. 855619, ngày sản xuất 17/1 và 3/2, hạn sử dụng ba ngày trong điều kiện nhiệt độ 0 – 4oC, 1 ngày khi để ở 28 – 30oC.

Nghĩa là, vào thời điểm chúng tôi đi mua gà, 2/7, gà của cửa hàng này đã hết hạn ít nhất 1 ngày! Vậy mà cô bé bán hàng vẫn một mực khẳng định “người ta cứ ghi thế thôi chứ để lạnh thế này bao lâu chẳng được!”.

Cô còn cho biết đây là gà ký gửi nên nếu hết hạn sẽ gửi trả lại nơi cung cấp. Nhìn những túi nilon đựng gà không hề có dấu niêm phong, nhãn mác dính hờ hững, chúng tôi tự hỏi liệu những con gà hết hạn này sau khi bị gửi trả lại có tiếp tục được quay vòng với một hạn sử dụng mới?

Trách nhiệm của cơ quan quản lý đến đâu?

Trao đổi với Tiền Phong, Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Hoàng, cho biết, 77 cơ sở nói trên đều đã được thanh kiểm tra cẩn thận, đủ điều kiện mới cấp phép.

Việc kiểm tra sau cấp phép là trách nhiệm của ba đơn vị, gồm Trung tâm Y tế dự phòng, Chi cục Thú y, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội.

Trả lời câu hỏi của Tiền Phong về kết quả của những đợt “thanh kiểm tra thường xuyên” này, ông Nguyễn Bá Khánh, Phó phòng Quản lý Thương mại, Sở Thương mại Hà Nội khẳng định: “Đến thời điểm này, báo cáo từ phía ba đơn vị nói trên cho hay tất cả các cơ sở được cấp phép đều chấp hành tốt”!

Vậy mà, chỉ trong một buổi chiều, khảo sát ngẫu nhiên 3 điểm bán gà sạch được cấp phép đều cho thấy sai phạm.

Đó là chưa kể, trong số những cơ sở được phép cung cấp gà sạch cho thị trường Hà Nội như Phúc Thịnh, CP, Thụy Phương, không hề có gà Quang Thiết, dù cả một tủ gà Quang Thiết hết hạn đã được bày bán công khai.

Vừa qua, khoa Chống độc BV Bạch Mai tiếp nhận 10 trường hợp ngộ độc do ăn thịt gà để quá lâu trong tủ lạnh nên đã nhiễm khuẩn (báo Tiền Phong ngày 7/2/2006 đã đưa tin).

Số người ngộ độc gà “bẩn” liệu có dừng lại ở đó nếu những tình trạng nói trên tiếp tục tái diễn? Trong đó, một loạt cơ sở nữa lại sắp được Sở Thương mại cấp phép “đủ điều kiện bán gà sạch”.

Nguy cơ một đợt dịch cúm mới bùng phát trở lại dường như vẫn là chuyện ở đâu đâu.

MỚI - NÓNG