Hà Nội áp dụng quy trình xử lý chất thải y tế như dịch Sars năm 2003

Công nhân môi trường xử lý rác sau Tết
Công nhân môi trường xử lý rác sau Tết
TPO - Ngoài việc đối mặt với lượng rác tăng cao sau Tết, công nhân môi trường cần phải áp dụng các quy trình xử lý rác nghiêm ngặt để phòng tránh dịch cúm đang diễn biến phức tạp.

Từ sau Tết đến nay, các công nhân môi trường thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO) áp lực làm việc ngày càng lớn. Được biết, lượng rác trước Tết từ ngày 23 Tháng Chạp đến 29 Tết tăng đến 50%. Sau đợt Tết, bắt đầu từ mùng 2 Tết đến nay, lượng rác sinh hoạt tiếp tục tăng trên 30%.   

Tương tự, trên địa bàn Hà Đông, Mê Linh, Mỹ Đức… do Công ty cổ phần đầu tư và phát triển công nghệ cao Minh Quân thu gom, xử lý, lượng rác tăng mạnh, gần gấp đôi so với khối lượng ngày thường. Theo đại diện đơn vị, mặc dù chỉ ký hợp đồng thu gom rác cho huyện Mê Linh với khối lượng 50 tấn nhưng từ Tết đến nay đều quá khối lượng. Chưa bao giờ rác thải huyện Mê Linh bằng một quận nội thành với khối lượng 200 tấn/ngày. Tương tự ở huyện Mỹ Đức, khối lượng cũng tăng đến gần 100 tấn/ngày. Đơn vị này đã bổ sung một số xe vận chuyển rác ngoài đấu thầu nhưng vẫn chưa thể đáp ứng khối lượng rác thải.

Không chỉ đối mặt với lượng rác tăng nhiều lần, công nhân môi trường đang là đối tượng dễ bị ảnh hưởng, lây nhiễm bởi dịch viêm phổi cấp do virus Corona diễn ra phức tạp. Nhiều công nhân cho biết, do tiếp xúc với nhiều nguồn rác nên đa số công nhân đều tự trang bị thêm khẩu trang, cồn rửa tay để phòng bị cho cá nhân và người thân trong gia đình. “Mỗi ngày về tôi đều giặt ngay đồ bảo hộ, tắm gội ngay sau mỗi ca làm việc để đảm bảo an toàn cho bản thân và cả nhà”, một công nhân phụ trách khu vực quận Hai Bà Trưng nói.

Hà Nội áp dụng quy trình xử lý chất thải y tế như dịch Sars năm 2003 ảnh 1 Thời điểm gần đây, khẩu trang người dân sử dụng xong vứt rất nhiều ngoài đường, đây cũng là nguy cơ lây nhiễm bệnh cúm. Ảnh: Nhật Tân

Cùng với đó, các Công ty môi trường đều đã có tập huấn, tuyên truyền để cán bộ công nhân viên tự bảo vệ sức khỏe bản thân. Urenco vừa có công văn yêu cầu toàn bộ cán bộ công nhân viên thực hiện nghiêm túc các biện pháp chống dịch cho cá nhân theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Đặc biệt, đối với người lao động thu gom chất thải y tế và công nhân thường xuyên tiếp xúc với rác thải phải sử dụng đầy đủ trang thiết bị bảo hộ lao động, găng tay, khẩu trang, quần áo bảo hộ lao động. Trong khi chờ các cơ quan chức năng ban hành quy trình xử lý chất thải tại những nơi có dịch, Urenco yêu cầu các đơn vị xử lý chất thải tuân thủ quy trình ứng phó như dịch Sars năm 2003.

Đại diện Urenco cho biết, đơn vị đang xử lý chất thải y tế cho một số bệnh viện của Hà Nội như: Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Xanh Pôn… Công ty đã có công văn gửi Sở Y tế, các bệnh viện đề nghị phải phân tách riêng các loại rác từ nguồn bệnh nhân có nguy cơ nhiễm dịch. Trước khi thu gom công nhân mặc bảo hộ, khẩu trang, kính, ủng an toàn. Trước khi thu gom phun khử khuẩn đậm đặc, khi thu gom đưa lên thùng tiếp tục phun diệt khuẩn. Quy trình xử lý chất thải được phân tách riêng, hấp sấy bằng nhiệt độ cao trước khi xử lý.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.