Hà Nội: Bệnh nhân 1956 không khai báo rõ thời gian tiếp xúc bệnh nhân 1883

TPO - Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, trường hợp mắc COVID-19 ở 88 Láng Hạ không khai báo rõ thời gian tiếp xúc với F0 là bệnh nhân 1883, gây khó khăn cho việc truy vết, nên phải quyết định khoanh vùng cả tòa nhà 88 Láng Hạ để thực hiện xét nghiệm.
Hà Nội: Bệnh nhân 1956 không khai báo rõ thời gian tiếp xúc bệnh nhân 1883 ảnh 1

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng phát biểu tại cuộc họp

Chiều 5/2, Hà Nội họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19. Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, Hà Nội vừa ghi nhận thêm 2 ca mắc COVID-19 là bệnh nhân 1956 và 1958. Trường hợp bệnh nhân 1958 ở Cầu Giấy tạm thời kiểm soát tốt vì trước đó đã được cách ly tập trung, tìm hiểu được thời gian tiếp xúc của ca bệnh.

Tuy nhiên, theo ông Hiền, trường hợp ca bệnh ở 88 Láng Hạ (ca bệnh 1956) rất khó khăn, bởi bản thân người này không khai báo rõ thời gian tiếp xúc với ca bệnh 1883, gây khó khăn cho việc truy vết, vì thế, phải khoanh vùng cả tòa nhà để xét nghiệm. 

"Chứ không phải cứ có trường hợp nào mắc COVID-19 ở tòa chung cư cũng phải khoanh vùng và xét nghiệm hết. Các quận huyện phải lưu ý, vì nếu cứ làm thế thì rất khó khăn", ông Hiền nói đồng thời cho rằng, các đơn vị nên kiểm tra lại camera an ninh để trích xuất việc đi lại, quyết định khoanh vùng cả tòa nhà hay từng tầng trong tòa nhà.

Liên quan đến ý kiến băn khoăn của người dân về quê đón Tết, ông Hiền thông tin, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo số 931 ngày 5/2, trong đó Thủ tướng có chỉ đạo yêu cầu các tỉnh, thành phố rà soát, tính toán làm sao khoanh vùng khu vực có dịch gọn nhất, hạn chế tối đa tác động tới sinh hoạt, đời sống của người dân, sản xuất kinh doanh và vận chuyển hàng hóa. 

"Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ y tế kiểm tra chỉ đạo xác định cụ thể vùng cách ly theo nguyên tắc khoanh gọn nhất có thể để phục vụ mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế", ông Hiền thông tin. 

Ông Hiền cũng cho biết, Bộ cũng đã có quan điểm về việc cách ly với các trường hợp dưới 5 tuổi và trên 5 tuổi. Theo đó, trẻ dưới 5 tuổi sẽ được cho cách ly tại nhà, nhưng phải có người chăm sóc và đảm bảo không có người già ở cùng. Trẻ hơn 5 tuổi thì trong vòng 1 tuần phải xét nghiệm 3 lần, nếu âm tính thì cho cách ly tại nhà. Như các trường hợp đang cách ly ở trường tiểu học Xuân Phương, theo ông Hiền, đã xét nghiệm âm tính lần 1, hôm nay và ngày thứ 2 sẽ lấy mẫu, nếu âm tính sẽ cho phép cách ly tại nhà. 

Ông Hiền lưu ý thời gian trước, trong và sau Tết, cần thực hiện nghiêm các quy định về đeo khẩu trang, sát khuẩn. Tâm lý người dân cho rằng ngày Tết không ai xử phạt, vì thế cần phải thực hiện nghiêm túc để phòng chống dịch... 

Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cũng nhấn mạnh, việc khai báo không trung thực của một số trường hợp F0, F1 như 1883, 1956 khiến rất vất vả cho công tác truy vết. Như trường hợp 1956 có nhiều thông tin không chính xác. Ông Dũng đã phải trao đổi với tổ công nghệ thông tin để truy vết lại các thông tin này. Theo ông Dũng, nhiều người thiếu sự hợp tác với cơ quan chức năng, đặc biệt, có trường hợp còn tắt điện thoại.

Ông Dũng lưu ý, thời gian tới cần tiếp tục thực hiện nguyên tắc ngăn chặn, truy vết sớm, lấy mẫu kịp thời, xét nghiệm nhanh, xử lý nhanh. Về truy vết, cần phát huy các tổ COVID-19 công đồng, ứng dụng công nghệ thông tin. Có những thông tin khai báo không đúng, dùng công nghệ thông tin truy vết là phát hiện được.

Ông Dũng cũng nhấn mạnh ý thức của người dân trong việc phòng chống dịch. Như ở chung cư 88 Láng Hạ, hơn 300 người đã rời đi khi thấy tòa nhà bị cách ly y tế. Hiện nay, theo ông Dũng, chu kỳ lây bệnh, phát bệnh rất ngắn, chỉ 3 - 4 ngày, nếu trong hơn 300 trường hợp đó có người mắc bệnh rẽ rất khó, rất khổ cho mọi người. 

Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng lưu ý việc tăng cường xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm quy định về phòng chống dịch như không đeo khẩu trang. Công tác tổ chức lễ hội phải thực hiện nghiêm việc phòng chống COVID-19. Các nhà hàng, siêu thị nếu không đảm bảo phòng chống dịch thì yêu cầu đóng cửa, xử phạt.

Ông Dũng yêu cầu công tác cách ly, phong tỏa phải ở diện hẹp nhất có thể, nhưng phải chính xác và an toàn, để người dân có cuộc sống bình thường. Ông Dũng nhấn mạnh việc không nên kỳ thị với các ca bệnh, các trường hợp F1, F2, để họ yên tâm cách ly, chữa bệnh, phối hợp tốt hơn trong truy vết dịch tễ....

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.