Hà Nội: Bệnh tả tái xuất hiện

Hà Nội: Bệnh tả tái xuất hiện
TP - Ngày 14/3, tin từ Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư cho biết đã xác định 7 mẫu bệnh phẩm do Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia gửi tới đều dương tính với phẩy khuẩn tả. Như vậy sau hơn ba tháng yên ắng, bệnh tả đã quay lại.
Hà Nội: Bệnh tả tái xuất hiện ảnh 1

Chăm sóc bệnh nhân mắc bệnh tiêu chảy cấp tại Viện Các bệnh truyền nhiễm Quốc gia (Bộ Y tế). Ảnh: Hữu Oai

Thống kê của Viện Các bệnh truyền nhiễm quốc gia cho biết từ hơn 10 ngày qua Viện đã tiếp nhận khoảng 40 bệnh nhân bị tiêu chảy, có ngày tới 5-7 người nhập viện.

Trong số những bệnh nhân nhập viện do tiêu chảy cấp có một phụ nữ đang mang thai. Tuy nhiên, qua các xét nghiệm tại Viện cũng như xét nghiệm lại tại Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư có bảy bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn tả, các bệnh nhân này ở rải rác một số quận của Hà Nội như Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, nhưng tập trung nhiều nhất là quận Hoàng Mai. Cả bảy trường hợp này đều chưa từng uống vắc xin phòng tả đợt trước Tết Nguyên đán.

Hiện tại, sức khỏe của các bệnh nhân đều đã ổn định.  PGS.TS Nguyễn Đức Hiền – Viện trưởng Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia, cho biết bệnh nhân đều nhập viện trong tình trạng bị tiêu chảy, mất nước trầm trọng.

Được biết cho đến nay, những tỉnh trước đây có người mắc tiêu chảy cấp vẫn chưa nơi nào tái xuất hiện bệnh nhân tiêu chảy cấp. TS Hiền cho biết thêm, điều tra dịch tễ cho thấy tất cả đều có ăn rau sống, một số người dùng thịt chó mắm tôm.

Hiện tại Viện đang điều trị cho 2 bệnh nhân, 5 bệnh nhân đã được xuất viện do sức khỏe ổn định. Bệnh nhân Nguyễn Xuân Hòa (58 tuổi) được xác định bị nhiễm vi khuẩn tả, cho biết có thể ông bị nhiễm bệnh trong dịp liên hoan với nhóm bạn vào ngày 6/3.

Hôm đó cả nhóm rủ nhau ăn thịt chó, mắm tôm và rau húng chó. Ngay tối hôm ăn về, bệnh nhân Hòa thấy người mệt mỏi, bụng đầy, tức. Đến ngày 8/3, bệnh nhân mới bị đi ngoài liên tục khiến cơ thể mất nước trầm trọng làm tay chân co quắp, đi lại không vững, mệt mỏi, đau bụng... Gia đình thấy nguy cấp đã đưa ông tới bệnh viện.

Trường hợp thứ hai còn phải điều trị là bệnh nhân Trần Huy Khanh (40 tuổi, tổ 38, Thịnh Liệt, Hoàng Mai). Anh Khanh cho biết, sáng 9/3 có ăn tiết canh lợn, buổi trưa ăn cơm. Sau khi ăn cơm khoảng gần 2 tiếng anh thấy trong người mệt mỏi, tới hơn 3 giờ chiều thì bị đi ngoài liên tục.

Đến sáng hôm sau do tình trạng bệnh không đỡ, người thân đưa anh tới Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia trong tình trạng truỵ mạch, chân tay co quắp, không tự đi lại được vì bị mất nước.

Suốt 24 tiếng liên tục kể từ khi cấp cứu tại Viện, các bác sĩ đã truyền cho bệnh nhân Khanh 37 chai dịch, loại 0,5lít/chai. Anh Khanh cho biết thêm, không ai trong số những người bạn cùng ăn cơm trưa với anh bị tiêu chảy.

Nguy cơ bùng phát dịch tả đã được báo trước

Hà Nội: Bệnh tả tái xuất hiện ảnh 2
Phun thuốc tẩy trùng thường xuyên sẽ góp phần ngăn chặn bệnh tiêu chảy cấp Ảnh: Phạm Yên

Dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm đã khiến khoảng 2.000 người ở hơn 10 tỉnh miền Bắc nhập viện kể từ 23/10/2007, trong đó gần 300 người dương tính với tả. TS Trịnh Quân Huấn – Thứ trưởng Bộ Y tế đã cảnh báo nguy cơ dịch tả xuất hiện trở lại rất cao vào mùa xuân - hè 2008 nếu người dân không từ bỏ thói quen ăn uống mất vệ sinh cũng như môi trường sống không trong lành. Có vẻ như lời cảnh cáo ấy đã trở thành hiện thực với 7 ca xét nghiệm “dính” vi khuẩn tả.

Để phòng dịch tả quay trở lại, ngay trước Tết Nguyên đán, Bộ Y tế đã tổ chức hai đợt uống vắc xin tả ở hai quận Hoàng Mai và Thanh Xuân. Đây là nơi có nhiều bệnh nhân nhiễm bệnh tả nhất trong đợt dịch cuối năm 2007. Tuy nhiên, hiệu quả bảo vệ của vắc xin này chỉ đạt gần 70%. Do vậy những người đã uống vắc xin vẫn có thể nhiễm tả nếu ăn uống và sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh.

Theo TS Nguyễn Đức Hiền, nguy cơ xuất hiện bệnh tả cũng như các bệnh về đường tiêu hóa tăng vào mùa hè. Tuy nhiên, số lượng người mắc tăng hay giảm phụ thuộc vào yếu tố rất quan trọng là ý thức của mỗi người trong việc đảm bảo vệ sinh môi trường sống, chế độ ăn uống hợp vệ sinh.

Trước khả năng có thể bùng phát dịch tả vào mùa hè, Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia luôn trong tư thế sẵn sàng phòng chống dịch. Hiện Viện đã chuẩn bị nhân lực cũng như thuốc men, tổ chức khu vực cách ly... để không lúng túng nếu phải tiếp nhận nhiều bệnh nhân.

Bệnh tả: Do vi khuẩn Vibrio cholerae gây nên. Thời gian ủ bệnh trung bình 5 ngày. Triệu chứng thường gặp là sôi bụng, đi ngoài nhiều lần trong ngày, phân lờ lờ như nước vo gạo, không đau bụng, không sốt, có thể tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng. Bệnh dễ gây thành dịch.

Bộ Y tế khẩn cấp khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau để phòng bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm và bệnh tả:

1. Vệ sinh cá nhân và môi trường: Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi vệ sinh. Mỗi gia đình có một nhà tiêu hợp vệ sinh, cấm đi tiêu bừa bãi. Gia đình có bệnh nhân cần rắc vôi bột hoặc Chloramin B sau mỗi lần đi tiêu. Phân và chất thải bệnh nhân phải đổ vào nhà tiêu, cho vôi bột và Chloramin B sau mỗi lần đi ngoài để sát khuẩn.Tránh tập trung ăn uống đông người như ma chay, cưới xin...

2. An toàn thực phẩm: Ăn chín uống sôi, không ăn rau sống hay uống nước lã, không ăn các thực phẩm dễ bị nhiễm khuẩn, đặc biệt là mắm tôm sống, hải sản tươi sống, gỏi cá, tiết canh, nem chua.

3. Bảo vệ nguồn nước và dùng nước sạch: Nguồn nước ăn uống phải được bảo vệ sạch sẽ. Tất cả nước ăn, uống đều phải được sát khuẩn bằng hóa chất Chloramin B.

Cấm đổ chất thải, nước giặt, rửa đồ dùng của bệnh nhân hay vứt súc vật chết, rác xuống ao, hồ, sông, giếng. Khi có người tiêu chảy cấp, nhanh chóng báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời.

MỚI - NÓNG