Hà Nội: Bức xúc nhà siêu mỏng và hạ tầng đô thị

Hà Nội: Bức xúc nhà siêu mỏng và hạ tầng đô thị
Ngày 8/8, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đã có cuộc khảo sát, kiểm tra công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị tại 2 quận Đống Đa và Cầu Giấy.
Hà Nội: Bức xúc nhà siêu mỏng và hạ tầng đô thị ảnh 1

Những ngôi nhà siêu mỏng như thế này lại đua nhau mọc lên hai bên đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa. Ảnh: Phùng Sưởng

Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Khôi, đại diện các cơ quan chức năng của Bộ và một số sở, ngành thành phố. Tại đây, nhiều khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các quy định quản lý đô thi đã được các cấp chính quyền trao đổi, kiến nghị thẳng thắn nhằm đưa ra những giải pháp giải quyết cụ thể, hạn chế bức xúc trong nhân dân.

Bức xúc nhà siêu mỏng

Tại quận Đống Đa, khó khăn của chính quyền địa phương hiện nay là vấn đề xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo. Theo ông Trần Đức Học - Chủ tịch UBND quận, 3/4 diện tích quận phát triển từ làng xóm với nhiều hộ nghèo nên trong các ngõ, ngách rất nhiều thửa đất có diện tích nhỏ hơn 15 m2.

Qua nhiều năm, những căn nhà này đã xuống cấp trầm trọng nhưng người dân không được cải tạo, xây dựng lại nên rất bức xúc. Trong khi đó, đối với các diện tích đất nhỏ hơn 15 m2 hoặc có hình học không phù hợp để xây dựng tại các tuyến phố mới mở, quy định không cấp phép xây dựng là đúng, nhưng những quy định, chế tài cụ thể thì chưa được đề cập.

Thực tế, nhiều ô đất còn lại chỉ là một vệt tường kéo dài cả chục mét, hay chỉ là hình tam giác, không dùng được vào việc gì nên không phường nào muốn nhận. Còn nếu quận đứng ra thu hồi thì chưa đủ điều kiện pháp lý, bởi muốn thu hồi diện tích đất nhỏ đó phải có quyết định đầu tư dự án, điều này rất khó cho chính quyền địa phương. Chính vì vậy, với trên 100 thửa đất nhỏ lẻ đang tồn tại, chính quyền chưa thu hồi được diện tích nào.

Còn theo chủ tịch UBND phường Nam Đồng Vũ Tiến Hưng, giải pháp tạm thời để xử lý vấn đề nhà siêu mỏng, siêu méo là tuyên truyền vận động các hộ dân tự hợp khối. Thế nhưng, cũng chỉ có 60% các trường hợp là thương lượng thành công, còn lại là không thành do người có đất siêu mỏng đòi giá quá cao, người muốn mua nhiều khi lại trả giá quá thấp.

Theo ông Trần Đức Học, giải pháp tốt nhất cho vấn đề này là khi lập phương án giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư nên tính toán để thu hồi hết những thửa đất nhỏ lẻ, dưới 15 m2. Sau đó, chủ đầu tư có thể bán lại cho các hộ dân liền kề với giá gần sát thị trường để thu hồi vốn.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Khôi cho biết, ngay trong tuần tới, thành phố sẽ họp bàn để xem xét thông qua những giải pháp xử lý dạng nhà này.

Khó khăn trong tuyển dụng Thanh tra viên

Liên quan tới công tác quản lý trật tự xây dựng và đô thị, nhiều ý kiến cho rằng, Nghị định số 126, Nghị định số 37, Quyết định số 89 chưa thống nhất về trình tự, thủ tục xử lý và chưa phù hợp với Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính. Mức phạt còn nhẹ, không có tác dụng răn đe, dẫn đến tiêu cực trong xử lý.

Về thí điểm thành lập lực lượng Thanh tra Xây dựng (TTXD) 3 cấp tại Hà Nội, đa số các quận huyện đều rất tán thành bởi phải có đủ quân số mới có thể quản chặt được trật tự xây dựng. Tuy nhiên, không chỉ riêng quận Đống Đa mà nhiều quận huyện khác tại Hà Nội cũng “kêu” rằng, nếu chỉ cho phép tuyển dụng TTXD có trình độ cao đẳng trở lên sẽ rất khó khăn.

Thành phố không lấy đâu ra con số hơn 1.000 thanh tra viên. Bởi thực tế hiện nay, nhiều phường rất muốn tuyển cán bộ có trình độ dù chỉ là trung cấp nhưng mời mãi chẳng được ai, còn những người giỏi có trình độ Cao đẳng, Đại học lại không muốn làm vì lương bổng, chế độ thấp.

Hạn chế trong xây dựng hạ tầng đô thị

Có đặc thù khác với quận Đống Đa, Cầu Giấy là quận mới nhưng có tốc độ đô thị hóa nhanh dẫn đến những khó khăn trong công tác xây dựng, phát triển và quản lý đô thị. Theo ông Nguyễn Lễ - Phó chủ tịch UBND quận, hệ thống hạ tầng kỹ thụât và hạ tầng xã hội (đặc biệt là các khu dân cư cũ) hiện nay không đáp ứng kịp nhu cầu.

Trên địa bàn quận có khoảng 40 dự án của Trung ương và thành phố, gần 200 công trình xây dựng của quận, phường và hơn 600 hộ dân xây dựng nhà ở. Trong khi đó, công tác cấp giấy phép xây dựng chưa có những quy định và hướng dẫn cụ thể liên quan đến các tuyến đường có quy hoạch chỉnh trang tuyến phố, khu vực giáp ranh về địa giới hành chính giữa các quận, huyện.

Công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thụât các khu đô thị mới về cơ bản thiếu đồng bộ với cơ sở hạ tầng của các khu vực dân cư cũ, thậm chí còn nhiều bất cập. Cốt cao độ của các khu chung cư mới cao hơn cốt nền của các khu dân cư, dẫn đến nhiều điểm dân cư không còn hướng thoát nước, hiện tượng úng ngập cục bộ đã gây bức xúc trong nhân dân. Quận đề nghị trung ương cho phép ban hành cơ chế đặc thù; chọn 1 địa bàn nào đó làm tốt công tác hạ tầng khung để tạo điều kiện nhân rộng ra các địa phương khác.

Về cải tạo chung cư cũ, Chủ tịch UBND phường Nghĩa Tân Nguyễn Minh Hiển cho biết, trên địa bàn phường hiện có gần 100 chung cư cũ, mặc dù mới xây dựng được hơn 20 năm nhưng hiện đang xuống cấp rất nhanh. Nhiều hộ dân chia tách căn hộ, cơi nới , lao dầm tới 1,8m để xây “chuồng cọp”, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu ngôi nhà và tính mạng của người dân trong khu vực, đề nghị được phá dỡ, xây dựng mới với quy hoạch đồng bộ và hiện đại. Tuy nhiên, để xảy ra tình trạng cơi nới, lấn chiếm trái pháp lụât trên trước hết là do sự buông lỏng quản lý, xử lý thiếu kiên quyết của chính quyền sở tại.

Nắm bắt và chia sẻ những khó khăn, bức xúc với chính quyền các cấp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cho rằng, quản lý đô thị vấn đề đầu tiên phải quan tâm đến là quy hoạch - kiến trúc. Thực tế nội hàm quy hoạch trong đô thị còn nhiều bất cập; cải tạo chung cư cũ xuống cấp đang tồn tại rất nhiều vấn đề, cần có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các sở, ngành liên quan.

Các quận nói nhiều đến chuỵên phân cấp, thiếu kinh phí, chỉ tiêu biên chế và hướng dẫn cụ thể… nhưng trước hết theo Bộ trưởng, phải hiểu đó là sự phân cấp trách nhiệm và giao quyền hạn. Lực lượng thanh tra xây dựng ở các cấp chính quyền cần chủ động, mạnh dạn hơn trong kiểm tra, xử lý vi phạm. Bộ trưởng yêu cầu các cơ quan chức năng của các quận cũng như các chủ đầu tư phải hết sức lưu ý trong triển khai xây dựng khu đô thị mới, nhất là việc xây dựng hạ tầng đô thị ở các khu tái định cư.

Bởi theo Bộ trưởng, tất cả những tồn tại, hạn chế trên là do cách làm của Hà Nội, dẫn đến những bất cập trong xây dựng và phát triển nhà ở; Hà Nội phải làm sao vừa quản lý, vừa nghiên cứu phát triển đô thị bền vững, ổn định và có bản sắc riêng.

Mnh Nghĩa
TTXVN

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.