Hà Nội cách ly, khoanh vùng, dập từng đốm nhỏ ứng phó đại dịch COVID -19

Phun khử khuẩn quanh những trạm test nhanh dã chiến
Phun khử khuẩn quanh những trạm test nhanh dã chiến
TP - Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện cách ly xã hội là để chia nhỏ, không giao tiếp để tránh lây lan. Trong trường hợp bùng phát bệnh cũng sẽ khoanh vùng và dập “từng đốm nhỏ”, không để bùng phát thành các “đốm dịch to”.

Phát biểu tại phiên họp Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 thành phố Hà Nội mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói Hà Nội đang là nơi có số ca nhiễm bệnh nhiều nhất cả nước, trong đó nhiều ca phát hiện ngay trên địa bàn. Giai đoạn 1, thành phố đã ngăn chặn kịp thời toàn bộ nguồn lây từ Trung Quốc, Hàn Quốc, rồi từ những người nhập cảnh trước 0h ngày 14, trước 0h ngày 18 và trước 0h ngày 21/3.

“3.082 trường hợp, đến nay đã có 16 trường hợp lây nhiễm. Còn 800 trường hợp sẽ xét nghiệm nốt. Qua việc xét nghiệm 2.300 mẫu thì thấy cơ bản tỷ lệ dự báo tương đối sát”, ông Chung nói, đồng thời cho biết, “nguồn này đang tương đối yên tâm”, vì đã cách ly được hết, nếu có phát bệnh cũng không thể lây lan rộng. Ông Chung đánh giá, thành phố đã cơ bản rà soát được các trường hợp ra vào Bệnh viện Bạch Mai, có yếu tố liên quan đến Bạch Mai.

Hà Nội cách ly, khoanh vùng, dập từng đốm nhỏ ứng phó đại dịch COVID -19 ảnh 1 Nhà thờ lớn Hà Nội vắng vẻ trong những ngày người dân được khuyến cáo ở nhà phòng chống COVID-19. Ảnh: Trường Phong
Ông Chung dẫn tổng kết từ Trung Quốc cho thấy, tỷ lệ người nhiễm bệnh nhưng không hề có biểu hiện bên ngoài chiếm tới 65%. Thực tế trong thời gian vừa qua cũng rà soát và tìm thấy những trường hợp dương tính rồi vẫn bình thường, khi giao tiếp vẫn lây lan. Chính vì thế, theo ông Chung, Thủ tướng yêu cầu thực hiện cách ly xã hội là để chia nhỏ, không giao tiếp để tránh lây lan. Trong trường hợp phát bệnh cũng sẽ khoanh vùng và “dập từng đốm nhỏ”, chứ không để bùng phát thành “các đốm dịch to”.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhắc lại, 3 - 4 phiên họp trước, ông đã giới thiệu clip mô phỏng về các biện pháp chống dịch. Theo đó, nếu không có biện pháp gì thì quả chuông (biểu đồ thể hiện số lượng người lây nhiễm - PV) lên càng cao. Nếu có biện pháp thì hình quả chuông thấp đi. “Biện pháp phòng ngừa duy nhất hiện nay là mọi người tránh giao tiếp, ở trong nhà càng nhiều càng tốt”, ông Chung lưu ý. 

Tình hình căng nữa sẽ cách ly tuyệt đối

Theo ông Chung, hiện nay toàn bộ học sinh, sinh viên đã ở nhà. Thành phố đã cụ thể hóa chỉ thị của Thủ tướng để các quận, huyện dễ triển khai, nếu làm triệt để được thì trong những ngày tới sẽ khoanh vùng và xử lý được. Song song với đó, ông Chung yêu cầu tiếp tục rà soát các trường hợp liên quan đến Bạch Mai, các trường hợp nhập cảnh… theo hướng càng nhanh càng tốt, xét nghiệm nhanh để xử lý.  “Qua đánh giá của một nhóm chuyên gia, khi thực hiện hành vi cách ly xã hội mà chỉ cần một bộ phận nhỏ dân số không hợp tác thì cũng dẫn đến không tạo được tác động. 

Nghiên cứu từ Bỉ cho thấy, hành vi sai trái của 10% dân số (tăng tần suất đi ra ngoài) có thể nâng tỷ lệ lây nhiễm từ 30% lên xấp xỉ 60% dân số. Nếu như hành vi sai trái được thực hiện bởi 40% dân số thì việc cách ly không tạo ra được khác biệt nào, không có giá trị. Chính vì vậy công tác đôn đốc, giám sát, tuyên truyền để cho mọi người dân thực hiện cách ly tại nhà là giải pháp phòng ngừa được dịch bệnh này”, ông Chung phân tích.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nói thành phố đang kiểm soát tốt và làm chủ tình hình, áp dụng nhiều biện pháp, trong đó có biện pháp xét nghiệm trên diện rộng để phát hiện các ca “lang thang ngoài xã hội”. Từ việc xét nghiệm ban đầu những trường hợp có yếu tố liên quan đến Bạch Mai, thành phố mở rộng diện xét nghiệm trên địa bàn để đánh giá tỷ lệ ngoài cộng đồng, từ đó có các biện pháp quyết liệt hơn, tìm được nguồn gốc dịch bệnh.

 Trao đổi với phóng viên Tiền Phong chiều 2/4, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho rằng, cần hiểu đúng về “cách ly xã hội” có nghĩa là hạn chế một cách tối đa, những người không có việc cần thiết thì không nên đi ra ngoài, chứ không phải cách ly tuyệt đối. “Ví dụ một khu vực có bệnh nhân dương tính COVID-19 thì sẽ triển khai biện pháp khoanh vùng cách ly, đó là cách ly tuyệt đối, nội bất xuất ngoại bất nhập. Cách ly xã hội thì vẫn có việc ra vào, tuy nhiên ở mức độ hạn chế ”, ông Tuấn nói, đồng thời cho biết, người dân vẫn có thể đi mua lương thực, thực phẩm, đồ ăn, nhu yếu phẩm hàng ngày.

 Ông Tuấn lưu ý, việc thực hiện cách ly xã hội phụ thuộc vào ý thức của mỗi cá nhân. Muốn bảo vệ bản thân thì cần thực hiện cách ly xã hội tốt nhất. Trong khi cả đất nước đang thực hiện cách ly xã hội mà người nào đi ra ngoài thì bản thân người đó có nguy cơ lây nhiễm cao nhất, chưa kể nếu đã mắc bệnh thì lại lây nhiễm cho người khác.

“Bây giờ vẫn khuyến cáo và vận động. Còn khi nào mà tình hình căng hơn nữa, gọi là cách ly tuyệt đối thì mới có việc hạn chế tuyệt đối việc đi lại”, ông Tuấn nói thêm. Phó Giám đốc CDC Hà Nội cũng cho biết, thành phố sẽ tiếp tục triển khai việc xét nghiệm nhanh để rà soát các trường hợp có nguy cơ trong cộng đồng, loại bỏ nguy cơ lây lan. “Test nhanh sẽ xác định được những người có nguy cơ sớm hơn. Nếu không lại phải tập trung vào làm xét nghiệm bình thường, mất nhiều thời gian hơn, tốn kém và nhiều thứ liên quan”, ông Tuấn nói.

Hưng Yên cách ly thôn có bệnh nhân số 219

Ngày 2/4, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên ký quyết định về việc thiết lập vùng cách ly phòng, chống dịch COVID - 19 ở thôn Chí Trung (xã Tân Quang, huyện Văn Lâm) ngay sau khi xuất hiện ca nhiễm 219 là người thôn này. Theo đó, tỉnh Hưng Yên quyết định thiết lập vùng cách ly phòng, chống dịch COVID - 19 tại thôn Chí Trung, xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, trên diện tích 2,5 hecta với 1.404 người. Thời gian cách ly tối thiểu 28 ngày kể từ 2/4. Chủ tịch tỉnh cũng giao chủ tịch UBND huyện Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Tân Quang triển khai thực hiện việc thiết lập vùng cách ly. Sở Y tế, các sở, ban ngành phối hợp thực hiện vùng cách ly. 

Trao đổi với phóng viên, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hưng Yên Nguyễn Thị Anh thông tin thêm, bệnh nhân 219 là bà P.T.C (SN 1961), con của cụ N.T.H (88 tuổi, bệnh nhân số 161). Bệnh nhân C. có tiền sử dịch tễ là đi chăm sóc mẹ tại Khoa Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai, cùng phòng bệnh với bệnh nhân 133 từ ngày 16/3.

MỚI - NÓNG