Hà Nội: 'Cải tổ' xe buýt!

Hà Nội: 'Cải tổ' xe buýt!
TP - Sở GTCC xây dựng phương án thay thế 100% loại xe buýt 60 chỗ, 80 chỗ hoạt động tại phố cổ bằng loại xe buýt có sức chứa nhỏ. Dự kiến việc thay thế này hoàn thành trong quý III/2008.

>> Sẽ phải nộp phí giao thông trong giờ cao điểm?

Hà Nội: 'Cải tổ' xe buýt! ảnh 1
Cuối năm 2008 trên tất cả các tuyến phố cũ, phố cổ của Hà Nội sẽ không còn xe buýt 80 chỗ hoạt động - Ảnh: Phạm Yên

Sau một thời gian phát triển “nóng” xe buýt khiến phát sinh nhiều hệ lụy, sắp tới Hà Nội sẽ thực hiện giải pháp “cải tổ” mạnh mẽ hoạt động của loại hình vận tải này.

Những “đại xa” trên phố “tí hon”!

Phố Sơn Tây mặc dù chỉ rộng có 8m nhưng có đến 5 tuyến xe buýt chạy qua. Trong đó nhiều tuyến đưa loại “ đại xa” (80 chỗ) vào khai thác.

Vì thế, mỗi khi dừng đỗ, những chiếc buýt khổng lồ này  gần như choán hết lòng đường khiến các phương tiện giao thông khác rối như gà mắc tóc.

Tương tự, phố Hàng Than chỉ rộng vẻn vẹn 7 m nhưng cũng phải gánh 3 tuyến buýt đi qua với nhiều lượt xe “đại xa” 80 chỗ ghé thăm. Nói đến những chiếc buýt “quá khổ”, người ta phải kể đến nỗi khổ của các phương tiện giao thông đi trên đường Bưởi.

Bề mặt của đường Bưởi là 7m nhưng hàng ngày đón tiếp hàng trăm lượt xe buýt từ 7 tuyến ghé qua. Với tần suất cũng như chủng loại xe lớn lại hoạt động trên mặt đường hẹp, giao thông trên tuyến này thường xuyên lâm cảnh khốn đốn vì... xe buýt!?

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó GĐ Trung tâm quản lý giao thông đô thị (sở GTCC Hà Nội), tại nội thành Hà Nội có đến 171 tuyến đường có xe buýt chạy qua.

Trong đó có 47 tuyến đường có chiều rộng từ 8 m trở xuống. Trên những tuyến đường này có 20 tuyến có xe buýt 80 chỗ chạy qua và 40/47 tuyến có xe buýt 60 chỗ hoạt động...Tương tự, với 59 tuyến phố có mặt cắt 9-12m cũng có 36 tuyến có xe buýt 80 chỗ chạy qua và 45 trong số 59 tuyến có xe buýt 60 chỗ...

Theo ông Hải, việc tổ chức quá nhiều tuyến buýt đã gây nguy cơ ùn tắc giao thông tại một số điểm, tuyến; nhiều tuyến buýt còn trùng lặp và lượng xe buýt qua các nút giao thông quá dày...

Và “cải tổ” buýt

Để giải quyết vấn đề xe buýt “quá khổ” hoạt động trên các tuyến phố nhỏ, Sở GTCC xây dựng phương án thay thế 100% loại xe buýt 60 chỗ, 80 chỗ hoạt động tại phố cổ bằng loại xe buýt có sức chứa nhỏ.

Dự kiến việc thay thế này hoàn thành trong quý III/2008.

Tương tự, Sở này cũng lên kế hoạch thay thế 100% xe buýt 80 chỗ bằng xe buýt 60 chỗ hoạt động tại khu phố cũ.

Ba vấn đề lớn về hoạt động buýt mới đây đã được thành phố Hà Nội chỉ đạo thực hiện là:

Hạ tầng cho xe buýt; tổ chức luồng tuyến và thay đổi phương tiện.

Cho đến tháng 11/2007, Sở GTCC Hà Nội đã điều chỉnh 83 điểm dừng và thu hồi, hủy bỏ 99 điểm dừng bất hợp lý. Trong tháng 11/2007 và tháng 12/2007, Sở cũng điều chỉnh giảm 76 xe (1.074 lượt) xuống còn 23 xe (458 lượt) hoạt động tại khu vực phố cổ.

Tương tự, trung bình mỗi ngày, tại 21 nút giao thông của Hà Nội cũng giảm được 3.906 lượt xe buýt đi qua. “Điều này đã giảm đáng kể nguy cơ ùn tắc giao thông tại các nút giao thông trọng yếu...”- Ông Hải nói.

Ông Hải cho biết thêm, trong tháng 11 và 12/2007, Sở GTCC tiếp tục điều chỉnh 28 điểm dừng xe buýt trong đó kiên quyết thu hồi 5 điểm dừng. Đặc biết, Sở cũng sẽ đề xuất xén hè tại 54 điểm để tăng khả năng thông qua của dòng giao thông.

Bên cạnh đó, Sở GTCC đã có kế hoạch tổ chức các tuyến buýt nhanh trên cả tuyến hoặc từng đoạn tuyến. Có nghĩa là trên những tuyến này, xe buýt chạy từ điểm đầu đến điểm cuối mà không dừng dọc đường.

Đặc biệt, trong quý I/2008 Sở GTCC Hà Nội sẽ hoàn thành điểm trung chuyển xe buýt Long Biên kết hợp tổ chức lại giao thông tại khu vực Yên Phụ - Trần Nhật Duật - Trần Quang Khải.

Hiện tại, Sở GTCC cũng đang lên kế hoạch nối lại hoạt động xe buýt đưa đón học sinh tại các trường học phổ thông trên địa bàn. Kèm theo đó là xây dựng cơ chế chính sách về trợ giá, giờ giấc hoạt động cho loại buýt đặc thù này. Dự kiến đầu quý III/2008 hoạt động này được thực hiện.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.