Hà Nội cần 260 nghìn tỷ đồng phát triển hạ tầng giao thông

Hà Nội cần 260 nghìn tỷ đồng phát triển hạ tầng giao thông
TP - Ngoài trục Hồ Tây - Ba Vì, thời gian tới Hà Nội sẽ xây thêm 20 trục giao thông và hoàn thiện 6 tuyến cao tốc để hóa giải ùn tắc. Theo kế hoạch, 5 năm tới Hà Nội cần tới 260 nhìn tỷ đồng để phát triển hạ tầng giao thông.

Sẽ xây dựng 20 trục giao thông

Trong kế hoạch phát triển giao thông Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 đến 2015 được Sở GTVT trình UBND TP Hà Nội ngày hôm qua (19-4), 5 năm tới, ngoài hoàn chỉnh và duyệt xong các quy hoạch chuyên ngành (quy hoạch phát triển GTVT giai đoạn 2030 tầm nhìn 2050, quy hoạch mạng lưới giao thông tĩnh, vận tải hành khách công cộng), Sở GTVT sẽ tập trung phát triển hệ thống hạ tầng GTVT khung.

Cụ thể, nhanh chóng phát triển các tuyến giao thông chính, các tuyến giao thông có tính kết nối, liên thông cao theo mạng. Cụ thể, ngoài trục Hồ Tây - Ba Vì, thành phố sẽ tập trung xây dựng thêm 20 trục giao thông, với một số trục quan trọng như: trục Hồ Tây - Tây Hồ Tây - Khu công nghiệp Nam Thăng Long, trục Tây Thăng Long (Đan Phượng - Phúc Thọ - Sơn Tây), trục phía bắc cầu Vĩnh Tuy (Sài Đồng - Ninh Hiệp), trục Hoàng Quốc Việt kéo dài - Khu công nghiệp Nam Thăng Long, trục Văn Cao - Hồ Tây…

Cùng với đó, 6 tuyến cao tốc đã quy hoạch, trong đó có một số tuyến được nâng cấp từ quốc lộ lên như Lào Cai - Hà Nội - Quảng Ninh, Hà Nội - Hòa Lạc - Hòa Bình, Hà Nội - Hải Phòng (hướng Đông - Tây); Hà Nội - Lạng Sơn, Hà Nội - TP HCM, Hà Nội - Thái Nguyên, cao tốc phía Tây trùng đường Hồ Chí Minh (hướng Bắc - Nam) cũng sẽ được hoàn thiện.

Cũng theo Sở GTVT, sẽ nhanh chóng hoàn chỉnh và khép kín các tuyến vành đai như vành đai 1, vành đai 2, vành đai 3, thậm chí là vành đai 4, vành đai 5 và vành đai 3,5.

Băn khoăn vì vốn quá lớn

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT cho biết, để thực hiện kế hoạch trên, Sở GTVT cần đầu tư gần 12 tỷ USD (tương đương 260 nghìn tỷ đồng). Số tiền ngân sách thành phố hơn 2,6 tỷ USD (khoảng 53 nghìn tỷ đồng), còn lại sẽ huy động từ vốn ODA, BT, BOT, PPP và ngân sách T.Ư hỗ trợ.

Ngoài thực hiện các dự án trên, theo ông Hùng, trong 5 năm tới, kế hoạch còn đảm bảo cho 100% các quận huyện, thị xã có quy hoạch chi tiết mạng lưới hạ tầng GTVT.

Cùng với đó, tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông cũng tăng lên, cụ thể trong giai đoạn 2011 đến 2015 phải phấn đấu tăng từ 0,8 đến 1%/ năm để đến năm 2015 quỹ đất dành cho giao thông đạt 11 đến 12% / diện tích đất xây dựng đô thị (hiện có 7%). Các vấn đề phát triển vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), xây dựng các bãi đỗ xe cũng được Sở GTVT chú trọng trong giai đoạn này.

Đồng tình với kế hoạch, song đại diện nhiều sở ngành vẫn còn băn khoăn do số vốn quá lớn. Đại diện Sở Tài chính cho rằng, với số vốn như vậy kế hoạch rất khó thực hiện, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nêu rõ, tổng vốn đầu tư cho xây dựng cơ bản trên địa bàn thành phố giai đoạn từ 2011 đến 2015 khoảng 144.000 tỷ đồng, song số vốn cho kế hoạch trên đã vượt gần gấp đôi, vì vậy cần cân nhắc kỹ.

Đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc và Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cũng cho rằng, các công trình trên nên đầu tư theo giai đoạn và phân đối tượng, công trình nào là vốn T.Ư, công trình nào là vốn thành phố, công trình nào là vốn xã hội hóa để dễ điều tiết ngân sách.

Ông Nguyễn Văn Khôi, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo, Sở GTVT cần phải tiếp thu những ý kiến trên và có những điều chỉnh hợp lý để thành phố trình và lấy ý kiến HĐND.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG