Hà Nội cần có biểu tượng kiến trúc xứng tầm

Hà Nội vẫn chưa có công trình kiến trúc xứng tầm. Ảnh: Phạm Yên
Hà Nội vẫn chưa có công trình kiến trúc xứng tầm. Ảnh: Phạm Yên
TP - Trao đổi với Tiền Phong, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm (ảnh) - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội - nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội- cho rằng, Thủ đô đang lúng túng khi chọn cho mình một biểu tượng xứng đáng về kiến trúc - đô thị.
Hà Nội vẫn chưa có công trình kiến trúc xứng tầm. Ảnh: Phạm Yên
Hà Nội vẫn chưa có công trình kiến trúc xứng tầm. Ảnh: Phạm Yên.

Ông Đào Ngọc Nghiêm nói: Hà Nội là đô thị có quá trình phát triển nhưng không thuận buồm xuôi gió mà đầy thăng trầm. Thăng Long được chọn làm kinh đô từ thế kỷ thứ X, cho đến thời nhà Nguyễn. Dù vậy, xuyên suốt lịch sử, Hà Nội luôn được coi là vùng trung tâm. Người Pháp có thời gian muốn xây dựng Hà Nội như thủ phủ của khu vực Đông Dương. Trong kháng chiến chống Mỹ, Hà Nội bị máy bay B52 và nhiều loại vũ khí hạng nặng tàn phá. Trước đó, thực dân Pháp khi chiếm Hà Nội cũng đã phá đi nhiều công trình văn hoá, tôn giáo...

Ông có nhận xét gì khi Hà Nội tròn một ngàn năm tuổi và đã là một trong những thủ đô lớn của thế giới nhưng vẫn chưa thực sự có biểu tượng về kiến trúc, về đô thị?

Tôi đồng ý là hiện nay Hà Nội là Thủ đô có dân số, diện tích vào hạng cao so với các thủ đô trên thế giới. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, lâu nay tư duy của người Việt Nam khi làm các công trình quy mô thường không lớn, ít có tư tưởng phô trương hoành tráng mà thiên về những công trình vừa phải. Kiến trúc là biểu hiện của văn hoá, thể hiện lợi ích chung của toàn xã hội chứ không phải của một cá nhân hay quyền lực nào.

Ông Đào Ngọc Nghiêm
Ông Đào Ngọc Nghiêm.

Chúng ta cũng từng tìm kiếm các biểu tượng cho Thủ đô nhưng hầu hết các hình ảnh đó chưa gắn với tính liên tục trong phát triển đô thị Hà Nội. Không lâu nữa, Hà Nội sẽ cơ bản là thành phố công nghiệp. Vậy văn hoá Hà Nội có gì đặc trưng? Chúng ta đang lúng túng, lúc thì lấy hình ảnh chùa Một Cột, lúc thì lấy Khuê Văn Các.

Thực ra đó chỉ là những công trình rất nhỏ bé trong tổng thể văn hoá, không tương xứng với tầm vóc của người Việt Nam. Đã đến lúc những người làm chuyên môn và các nhà lãnh đạo chính quyền phải nghĩ tới việc xây dựng một biểu tượng đô thị đặc trưng cho Hà Nội.

Đây cũng là mong muốn của nhân dân, của du khách mỗi khi đến Hà Nội và tôi nghĩ chúng ta đã có đủ tiềm lực để làm việc này. Vị thế của Hà Nội không chỉ thể hiện qua kinh tế, chính trị mà cũng cần những biểu tượng về kiến trúc, văn hoá.

Cần phải xây dựng hình ảnh mới có tính biểu tượng cao về kiến trúc xứng tầm một Thủ đô hiện đại, phát triển.

Thưa ông, khi ông làm lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, vấn đề này đã được đặt ra như thế nào?

Đã có một số ý tưởng nêu ra nhưng chưa được bàn thấu đáo. Có người cho rằng nên lấy hình ảnh toà tháp cao hơn 60 tầng đang xây cạnh khách sạn Daewoo Hà Nội làm biểu trưng, nhưng ngay sau đó có người cho rằng lại có những toà tháp cao hơn như Keangnam và một toà tháp khác cao hơn 100 tầng nên đây chỉ là những trao đổi bên ngoài, chưa chính thức.

Tôi cũng nói thêm là, mặc dù nhiều khó khăn nhưng Hà Nội đã rất cố gắng trong việc quy hoạch để bảo tồn và phát triển phố cổ, phố cũ, khu vực trung tâm và nhiều di tích lớn như Hoàng Thành, Cổ Loa... Từ những năm 1990, nhiều quy hoạch quan trọng đã được đặt ra. Nhiều quy hoạch của Hà Nội được trực tiếp Thủ tướng Chính phủ và cơ quan trung ương chỉ đạo. Tuy nhiên, tôi cần lưu ý rằng quy hoạch chỉ là định hướng còn việc phát triển cần nhiều ở sự quyết tâm của chính quyền và các cơ quan quản lý khác.

Hình ảnh của đô thị phải tượng trưng cho văn hoá, thể hiện khát vọng của cộng đồng. Có thời gian dài chúng ta chưa tính đến việc này. Nếu như lịch sử không để lại được những hình ảnh, công trình xứng tầm thì trách nhiệm chúng ta hiện nay là phải xây dựng nên hình ảnh mới cho xứng đáng. Mức độ phát triển kinh tế xã hội, thu nhập của người dân cũng tác động rất lớn đến điều này.

Nhưng tại nhiều quốc gia, thu nhập đầu người còn thấp nhưng vẫn có biểu tượng đô thị đậm nét?

Như tôi đã nói một ảnh hưởng quan trọng đó là lịch sử phát triển của Hà Nội quá thăng trầm. Chiến tranh tàn phá liên miên. Ngay khi người Pháp chiếm đóng Hà Nội, họ đã xây dựng nên hình hài đô thị như mô hình “thành phố vườn” là mô hình hiện đại của thế kỷ 19, nhưng ngược lại cũng phá đi nhiều giá trị văn hoá.

Chúng ta cần thống nhất về mục tiêu, ý tưởng, rồi cùng thảo luận để tìm ra biểu tượng đô thị cho Hà Nội. Có thể là công trình kiến trúc, có thể là cảnh quan, có thể là hình ảnh phi vật thể...Nhưng thông thường hình ảnh của đô thị trên thế giới đó là công trình kiến trúc.

Minh Tuấn (thực hiện)

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.