Hà Nội: Chậm tu bổ, nhà cổ đổ

Hà Nội: Chậm tu bổ, nhà cổ đổ
TP - Sáng 11/1, phần mái cao nhất trên tầng hai căn nhà cổ tại số 100 Hàng Bạc bất ngờ đổ sập, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm kiêm Trưởng ban Quản lý phố cổ Hà Nội Hoàng Công Khôi lo lắng.

Gặp chúng tôi ngày 18/1, bà Phùng Thị Minh Tân, người sống trong căn nhà cổ tại số nhà 100 phố Hàng Bạc, cho biết khoảng 7 rưỡi sáng gạch ngói, xà gồ sập xuống, làm căn gác xép bằng gỗ phía dưới sập theo. Rất may, một thanh niên thường ngủ trên căn gác đi xem bóng đá khuya và ngủ lại nhà bạn!

Bà Tân năm nay 71 tuổi, sinh ra và lớn lên tại căn nhà cổ đó. Bà nói: “Căn nhà được xây dựng cách đây hơn 100 năm, diện tích 61 m2, hiện có bốn hộ đang sinh sống. Nhà hầu như chưa được sửa sang gì đáng kể, vì thu nhập của các hộ dân hạn chế và cũng đang có những mâu thuẫn giữa một vài hộ!”.

Cũng trên phố cổ Hàng Bạc, đi vào nhà số 47, như đi vào hang động. Cành và rễ cây si mọc um tùm giăng ra che khuất giếng trời. Ông Nguyễn Văn Ngọc, sống lâu năm tại đây cho biết, nhà được xây dựng từ khoảng năm 1886 và là một trong những nhà cổ nhất trong phố cổ Hà Nội!

Nhà không có vỉa hè, vẫn còn nguyên cả phần mái ngói âm dương rêu phong cổ kính. Nhà chật chội, xuống cấp từ lâu không được tu sửa lại, đang chứa hơn 20 nhân khẩu. “Rất nhiều đoàn khảo sát đến tìm hiểu, nghiên cứu, và cả hứa hẹn nhưng việc tu sửa vẫn dậm chân tại chỗ” - Ông Ngọc nói.

Còn có nhiều nhà khác lưu giữ những giá trị văn hóa, kiến trúc thuộc diện phải bảo tồn nhưng đang trong tình trạng xuống cấp, như nhà 99 Hàng Bạc, nhà số 16 Hàng Bè, nhà số 15 - 17 Cầu Gỗ, nhà 46 Cầu Gỗ, 29 Thuốc Bắc... Nhà số 53 Hàng Buồm chứa hơn 50 hộ. Nhà số 50 Hàng Bạc có 36 hộ. Nhà số 42 Hàng Bạc có 20 hộ... 

Theo ông Hoàng Công Khôi, các cơ quan chức năng của thành phố đang khẩn trương khảo sát, đánh giá cụ thể hơn tình trạng này để có phương án tôn tạo, tu bổ khả thi. Quy hoạch 1/2000 đối với khu phố cổ cũng đang được nghiên cứu điều chỉnh, nhằm xác định rõ hơn những khu vực bảo tồn, tôn tạo, xây dựng.

“Thành phố đang lập phương án di dời một phần dân phố cổ để tạo điều kiện cho việc tôn tạo, tu bổ. Dự kiến sẽ di dời khoảng 30% trong tổng số 84.600 nhân khẩu đang sinh sống trong  khu vực bảo tồn.

Trước mắt, với những căn nhà thuộc sở hữu nhà nước, thành phố chịu trách nhiệm tu bổ; với nhà ở thuộc sở hữu tư nhân thì thành phố sẽ tư vấn phương án cải tạo, sửa chữa...” - Ông Hoàng Công Khôi nói.

MỚI - NÓNG