Hà Nội: “Chót vót” giá nhà dự án!

Hà Nội: “Chót vót” giá nhà dự án!
Để mua được một căn hộ chung cư hiện đại, rộng khoảng 100 m2, người mua phải trả khoảng 800 triệu đồng, trong đó thanh toán ngay đợt đầu 500 triệu...
Hà Nội: “Chót vót” giá nhà dự án! ảnh 1
Mô hình khu đô thị Mỹ Đình 2

Với mức giá này, không phải ai cũng có thể đáp ứng, ngay cả khi đã nhận được ưu đãi.

Chủ dự án được quyền quyết định giá?

Vấn đề được đề cập ở đây là tuy chưa tính đến chuyện lòng vòng mua đi bán, ngay giá bán nhà dự án tại Hà Nội do các chủ đầu tư tự đưa ra (gọi là giá gốc) đã ở mức rất cao.

Theo đánh giá của các ngành chức năng, giá bán nhà chung cư (thuộc quỹ nhà do thành phố điều tiết để bán cho đối tượng là CBCNVC, người lao động có khó khăn về nhà ở) do một số chủ đầu tư tự đưa ra (giá gốc) đã ở mức xấp xỉ 8 triệu đồng/m2 sàn.

Do đó so với giá thị trường, người mua hầu như không còn được hưởng chút lợi nào cho dù được duyệt mua nhà trả chậm theo Quyết định 87/2004/QĐ-UB của thành phố.

Nguyên nhân, theo lãnh đạo thành phố Hà Nội thì do công tác quản lý giá của Nhà nước chưa chặt chẽ trong khi thị trường bất động sản, thị trường vật liệu xây dựng có nhiều biến động.

Đối với công tác quản lý giá bán nhà, Sở Tài chính thành phố đã thừa nhận, do các cơ quan chức năng tham mưu thiếu phối hợp đồng bộ nên các chủ đầu tư lờ luôn việc thực hiện các quy định mà Quyết định 87/2004/QĐ-UB của UBND thành phố đã ban hành, đẩy giá lên cao, khiến người có nhu cầu cũng không thể mua nổi, một số phải trả lại tiêu chuẩn đã được duyệt cho dù đã được hưởng chế độ ưu đãi trả chậm.

Việc các cơ quan chuyển danh sách đến các chủ đầu tư tuy giảm bớt tình trạng hồ sơ đi vòng vèo nhưng đã gây ra không ít những lộn xộn. Do vậy, thành phố sớm xây dựng quy trình rõ ràng hơn để tạo thuận lợi cho người được mua nhà chung cư.

Giải quyết như thế nào?

Cục Thuế thành phố Hà Nội đã có ý kiến cho rằng nên chăng thành phố đưa ra một mức giá sàn nhất định và chỉ cho phép các chủ đầu tư đưa ra mức giá dao động trong khoảng 15 - 20% so với giá sàn chung. Giá sàn sẽ tạo mặt bằng giá ổn định, bảo đảm quyền lợi của người được mua nhà.

Tuy nhiên, trong thực tế cũng phải tính đến khó khăn của các chủ đầu tư, vì theo các chính sách quy định hiện hành mà chủ đầu tư phải tuân thủ, đối với các dự án xây dựng nhà chung cư, tiền sử dụng đất đã tăng rất cao so với những năm trước.

UBND thành phố Hà Nội đã giao cho Sở Tài chính thành phố chủ trì, cùng các ngành liên quan là: Tài nguyên Môi trường - Nhà đất, Xây dựng và Thuế nghiên cứu giải pháp xử lý một số vấn đề bất hợp lý trong quá trình xây dựng giá bán nhà dự án.

Đối với nhà ở thấp tầng, nhà vườn thuộc quỹ nhà 20% còn lại, thành phố sẽ cho phép tiến hành đấu giá quyền sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được duyệt.

Đối với các trường hợp khác, thành phố giao Sở Tài nguyên - Môi trường - Nhà đất tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, thụ lý hồ sơ để trình UBND thành phố quyết định.

Đối với diện tích nhà thuộc quỹ nhà 30% tại các dự án nhà chung cư nhỏ lẻ, hội đồng thẩm định giá thành phố sẽ kiểm tra lại toàn bộ. Trường hợp chủ đầu tư không đồng ý với kết quả giám định của hội đồng thì có thể tiến hành đấu giá.

Đối với diện tích nhà thuộc quỹ nhà 50%, chủ đầu tư sẽ phải giải trình giá bán trước khi nhận được quyết định giao đất của thành phố. Việc thẩm định giá do chủ đầu tư đưa ra sẽ do Hội đồng thẩm định giá thành phố đảm nhận.

Ông Lê Quý Đôn - Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội - nhấn mạnh: Đương nhiên là đối với từng dự án cụ thể sẽ có những quy định khác nhau, nhưng chắc chắn không thể tái diễn cảnh chủ đầu tư toàn quyền quyết định giá bán nhà như hiện nay.

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Nguyễn Loan; IP Address: 203.162.72.38

Chung cu Hà nội - có quY hoạch hay chỉ chạY theo lợi nhuận trước mắt?

Nhân nói về chung cư Hà nội, tôi xin phản ánh hiện tượng hiện nay có rất nhiều chung cư được xây trên diện tích nhỏ trong khu vực trung tâm. Điển hinh là những chung cư như ở phố Lò Đúc, hay trên đường Ngọc Khánh đã có đến 2 khu chung cư được xây dựng tại các số nhà 178 và 15 - 17, tại làng Hoàng Cầu, một hồ rau muống cũng vừa được lấp đi để xây đến 4 chung cư...

Đây là những địa bàn vốn đã có mật độ dân số rất cao, hạ tầng cơ sở thì manh mún không được quy hoạnh, các công trình công cộng như trường học, bệnh viện... đều đã rất quá tải, các khu vực vui chơi cho trẻ em thì hầu như không có hoặc rất nhỏ bé, sơ sài, còn đường giao thông thì... quá chật hẹp và hiện đã rất rất quá tải.

Vậy mà không hiểu những người chịu trách nhiệm về quy hoạch của Hà Nội đã dựa trên yếu tố gì để phê duyệt những dự án phát triển chung cư như vậy? Chỉ có một điều rất rõ ràng là những khu chung cư 'phố' này rất có giá, cả giá gốc và nhất là phần 'chênh lệch'. Chằng hạn chung cư 15 - 17 Ngọc Khánh phần chênh lệch này vào khoảng 500 triệu đồng/căn hộ. Và ai là người kiếm được phần chênh lệch này?

Còn nhớ trước đây có bài báo phân tích về khu đô thị mới Trung Hoà - Nhân chính của Vinaconex đã đề cập đến tỷ lệ giữa mật độ dân số và các công trình công cộng.

Thêm nữa dư luận hiện đang rất bức xúc về giao thông của Hà nội. Phải chăng những chung cư 'phố' này vô can? Thử hính dung một chung cư như chung cư 15 - 17 Ngọc Khánh với số lượng ít nhất là trên 100 căn hộ thì đã làm cho mật độ dân số, mật độ xe cộ ở khu vực này tăng gấp 70 - 80 lần. Và cũng mang lại mức 'chêng lệch' khoảng 50 tỷ đồng cho các nhà 'đầu tư', có lẽ còn lãi hơn cả mức lãi của dự án.

Chúng tôi rất mong mỏi Tiền phong có một phóng sự điều tra và kiến nghị thành phố Hà Nội dừng ngay việc cho phép xây dựng những chung cư 'phố' như vậy vì những dự án này chỉ nhằm khai thác một số lợi trước mắt cho một nhóm nhà 'đầu tư' trong khi sẽ làm trĩu gánh nặng quy hoạch dân số và giao thông của Hà Nội, làm cho Hà Nội ngày càng quá tải và ngột ngạt hơn.

MỚI - NÓNG