Hà Nội: Chung cư mới cũng đeo 'ba lô'

Hà Nội: Chung cư mới cũng đeo 'ba lô'
TP - Tại nhiều khu đô thị mới của Hà Nội, nhà chung cư vừa mới đưa vào sử dụng tiếp tục bị cơi nới, lấn chiếm tràn lan...
Hà Nội: Chung cư mới cũng đeo 'ba lô' ảnh 1
"Ba lô", "chuồng cọp" tái xuất

"Ba lô", "chuồng cọp" tái xuất

Khu đô thị cách đây ít tháng còn thuộc dạng sốt giá nằm ven phố Tây Hoàng Đạo Thuý thuộc phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân) bao gồm 6 đơn nguyên N6A, N6B, N6C... cao sáu tầng mới đưa vào sử dụng vài năm nay đã nhếch nhác chẳng kém các khu tập thể cũ nát xây từ thời bao cấp có từ 20-40 năm tuổi như Thành Công, Trung Tự, Giảng Võ. Ba lô, chuồng cọp xuất hiện ở hầu khắp các đơn nguyên, nhiều căn hộ còn lấn ra cả mét so với giới hạn ban công theo thiết kế ban đầu.

Đi liền với những cái lồng sắt treo lơ lửng là hàng giàn ke sắt giá đỡ băm nát nhiều mảng tường, được che chắn bằng đủ mọi loại vật liệu từ cót ép, tấm nhựa, gỗ tạp, bìa các tông đủ màu sắc không theo quy cách nào. Tình trạng lấn chiếm, cơi nới diễn ra thường xuyên liên tục.

Tại dự án khu chung cư 7,2 ha thuộc phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình), chúng tôi cũng chứng kiến tình trạng vi phạm trật tự xây dựng đô thị diễn ra khá phổ biến. Nhiều căn hộ còn đua ra ở bất cứ nơi nào có thể và bằng nhiều cách khác nhau.

Theo ông Phạm Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Phúc, ngay từ năm 2005, tại dự án này, phường thống kê được gần 300 hộ dân cơi nới, lấn chiếm trái phép trong tổng số 909 hộ dân mới chuyển về sống tại các khu chung cư.

Do không được ngăn chặn kịp thời, đến nay tình trạng lấn chiếm không gian chung diễn ra khá phổ biến. Tại dự án nhà tái định cư ở ngõ 2 phố Nguyễn Văn Ngọc (quận Ba Đình), tình trạng lấn chiếm không gian diễn ra cũng khá công khai...

Xuê xoa

Hà Nội: Chung cư mới cũng đeo 'ba lô' ảnh 2
A6 - Giảng Võ, chung cư mới vẫn đeo “ba lô” - Ảnh: Nguyễn Tuấn

Tình trạng cơi nới, lấn chiếm tại các khu chung cư mới xây, nhất là tại các dự án phục vụ di dân tái định cư, các dự án thuộc quỹ nhà do thành phố quản lý để phân phối cho các đối tượng chính sách có nguyên nhân từ sự buông lỏng quản lý, thiếu chủ động của chính quyền cơ sở.

Tại dự án 7,2 ha thuộc phường Vĩnh Phúc, mặc dù từ năm 2005 UBND phường đã có kế hoạch xử lý các đối tượng lấn chiếm nhưng rồi mọi chuyện đến nay vẫn dậm chân tại chỗ!

Giải thích nguyên nhân hàng trăm hộ tại khu N phường Nhân Chính (Thanh Xuân) vi phạm trật tự xây dựng, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch UBND phường Nhân Chính cho rằng, cá nhân bà mới nhận chức từ tháng 9/2008, vị chủ tịch tiền nhiệm (trước khi bà về nhận chức) đã bị xử lý kỷ luật vì buông lỏng quản lý trật tự xây dựng!

 Theo bà Hà, bản thân Cty cổ phần đầu tư và phát triển nhà số 6 cũng có một phần trách nhiệm vì đây là đơn vị được giao quản lý xây dựng dự án này để phục vụ tái định cư. Đến nay, Cty vẫn chưa bàn giao đầy đủ các khu nhà này cho phường quản lý.

Trưởng phòng quản lý đô thị quận Ba Đình Trần Đức Dũng cho biết thêm; dự án 7,2 ha đến năm 2005 đón hơn 900 hộ dân diện tái định cư từ nhiều nơi chuyển về ở.

Ban đầu thành phố giao tòa nhà cho Cty quản lý và phát triển nhà và tại đây có nhiều loại nhà ở xen kẽ nhau như nhà thuê của nhà nước, nhà tái định cư được cấp sổ đỏ.

Sự hợp tác giữa UBND phường với Cty quản lý và phát triển nhà lại lỏng lẻo. Cơ quan chức năng của quận cũng biết và thống kê rất rõ tình trạng lấn chiếm, cơi nới.

Tuy nhiên, người sở hữu nhà cũng có ý kiến cho rằng việc thiết kế các căn hộ chung cư tại đây có nhiều điểm không đáp ứng được yêu cầu sinh hoạt.

Ví dụ như ban công quá hẹp nên thiếu chỗ phơi quần áo, diện tích nhiều căn hộ chỉ hơn 40m2, cơ cấu các phòng chức năng không hợp lý. Trước việc đã rồi, UBND phường Vĩnh Phúc vận động, thuyết phục. Nhưng biện pháp này không mấy hiệu quả nên đến nay thì đã rất nghiêm trọng.

Quận Ba Đình đã làm việc với Cty quản lý nhà về quản lý trật tự xây dựng đô thị và quản lý diện tích dịch vụ công cộng tại đây, nhưng đến nay quy chế quản lý nhà tái định cư vẫn chưa rõ ràng.

Ông Dũng cho rằng về hạ tầng, trông xe, quản lý dịch vụ công cộng cần giao cho một doanh nghiệp có chuyên môn quản lý và chịu trách nhiệm. UBND cấp phường phải chịu trách nhiệm trực tiếp trong quản lý trật tự xây dựng; thanh tra xây dựng phải giúp cho chính quyền quận kiểm soát việc này.

MỚI - NÓNG