Hà Nội: Còn 20 cán bộ, công an bị giữ tại Đồng Tâm

Đường vào xã Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội) bị người dân chặn lại. Ảnh: Văn Kiên.
Đường vào xã Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội) bị người dân chặn lại. Ảnh: Văn Kiên.
TP - Ngày 18/4, thành phố Hà Nội thông tin một số nội dung về vụ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực sử dụng đất quốc phòng, gây rối trật tự công cộng ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức. “Đến hôm nay, họ đã trao trả 15 người, chiến sĩ cảnh sát cơ động và có 3 đồng chí nữa tự giải cứu mình. Tổng số là 18 người. Hiện họ còn giữ 20 người”, đại diện cơ quan chức năng Hà Nội nói.

Đập phá, bắt giữ người trái pháp luật

Theo thông tin từ thành phố Hà Nội, thời gian gần đây, trên địa bàn xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực sử dụng đất quốc phòng, gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, bắt giữ người trái pháp luật. Ngày 30/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về hành vi “gây rối trật tự công cộng”. Ngày 15/4, Công an Thành phố Hà Nội đã áp dụng biện pháp ngăn chặn, bắt giữ 4 công dân về hành vi gây rối trật tự công cộng để điều tra.

Ngay sau khi công an thành phố triển khai bắt giữ các đối tượng trên, số công dân xã Đồng Tâm đã tập trung đông người bao vây, không cho xe ô tô của các lực lượng làm nhiệm vụ ra khỏi địa bàn ở xã Đồng Tâm; giữ, đập phá 5 xe ô tô của lực lượng chức năng (gồm 1 xe chở quân, 3 xe Innova, 1 xe cứu thương); giữ trái phép 38 cán bộ huyện Mỹ Đức và cán bộ, chiến sỹ công an thành phố Hà Nội tại Nhà văn hóa thôn Hoành. Số đối tượng cầm đầu tăng cường bố trí lực lượng, chặt cây to chắn đường vào làng; đồng thời chuẩn bị gậy, đất, cát và vôi bột, xăng, kẻng sẵn sàng chống trả khi lực lượng chức năng tổ chức phương án giải cứu số cán bộ bị giữ trái pháp luật.

Lãnh đạo thành phố cũng đã trực tiếp tuyên truyền, vận động với số cầm đầu, quá khích, giải thích rõ việc bắt giữ người là hành vi vi phạm pháp luật; yêu cầu thả cán bộ, chiến sỹ bị bắt giữ trái pháp luật. Thành phố tổ chức 2 tổ công tác trực tiếp xuống địa bàn tuyên truyền, vận động quần chúng, tuy nhiên, các đối tượng không hợp tác, ném cát sỏi, đá vào các tổ công tác làm một số cán bộ, chiến sỹ công an bị thương.

Theo thành phố Hà Nội, đây là những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cần phải xử lý nghiêm minh; không để ảnh hưởng đến tư tưởng trong cán bộ và nhân dân huyện Mỹ Đức nói riêng, thành phố Hà Nội nói chung; gây xáo trộn, hoang mang tư tưởng, chia rẽ nội bộ nhân dân. Hiện nay các cơ quan chức năng đang tiếp tục giải quyết và triển khai các biện pháp ổn định tình hình an ninh, trật tự tại xã Đồng Tâm.

“Họ bắt giữ tất cả 38 người, trong đó có cán bộ huyện, cán bộ chiến sĩ công an thành phố Hà Nội. Chúng tôi đang trong quá trình giải quyết để yêu cầu các đối tượng này trả lại tự do cho các cán bộ chiến sĩ và cán bộ huyện Mỹ Đức. Đến hôm nay (tức 18/4), họ đã trao trả 15 người. Có 3 đồng chí nữa cũng tự giải cứu mình. Tổng số là 18 người. Hiện nay họ còn giữ 20 người”, đại diện cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội nói. Cũng theo vị này, lực lượng chức năng của thành phố đang tiếp tục thuyết phục để người dân tự giác trao các chiến sĩ, cán bộ huyện đang bị giữ tại nhà văn hóa.

Lấn chiếm đất quốc phòng

Về sự việc, theo thông tin từ thành phố Hà Nội, từ cuối năm 2016 đến nay, tình hình nội bộ nhân dân tại xã Đồng Tâm diễn biến phức tạp, liên quan chủ yếu đến việc một số công dân khiếu kiện, tổ chức các hoạt động “đòi đất” quốc phòng, tổ chức nhiều hoạt động gây phức tạp tại địa phương. Đáng chú ý, từ giữa tháng 2/2017 đến nay, khi Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel triển khai việc thi công Dự án A1 thì số công dân khiếu kiện tại địa bàn tổ chức nhiều hoạt động gây mất an ninh trật tự tại địa bàn khu vực đất quốc phòng trên với tính chất phức tạp ngày càng tăng.

Cùng với việc lấn chiếm trái phép đất quốc phòng tại khu vực đồng Sênh, số công dân trên còn tổ chức nhiều hoạt động gây mất an ninh trật tự tại địa bàn xã Đồng Tâm như công khai sử dụng hệ thống loa phóng thanh tuyên truyền trái pháp luật nhiều nội dung kích động, xuyên tạc sự thật về đất quốc phòng; tụ tập đông người kéo đến trụ sở UBND xã để phản ứng với chính quyền địa phương; tập trung đông người tại đồng Sênh để tham gia xây dựng và ủng hộ số công dân khiếu kiện; chửi bới, lăng mạ cán bộ chính quyền xã tại nhà riêng; cắt loa phát thanh của xã; kích động một bộ phận quần chúng nhân dân buộc con em mình nghỉ học... Công an Thành phố, Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã phối hợp với các đơn vị có liên quan đã thu thập tài liệu, củng cố chứng cứ hồ sơ về những hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng.

Ngày 30/3, Công an Thành phố đã ra quyết định khởi tố vụ án “Gây rối trật tự công cộng” theo điều 245 Bộ luật Hình sự; Cục Điều tra Hình sự Bộ Quốc phòng đã ra quyết định khởi tố vụ án “Chống người thi hành công vụ” theo điều 257 và vụ án “Vi phạm các quy định về sử dụng đất đai” theo điều 173 Bộ Luật hình sự.

Về sự việc, theo thông tin từ thành phố Hà Nội, từ cuối năm 2016 đến nay, tình hình nội bộ nhân dân tại xã Đồng Tâm diễn biến phức tạp, liên quan chủ yếu đến việc một số công dân khiếu kiện, tổ chức các hoạt động “đòi đất” quốc phòng, tổ chức nhiều hoạt động gây phức tạp tại địa phương. Đáng chú ý, từ giữa tháng 2/2017 đến nay, khi Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel triển khai việc thi công Dự án A1 thì số công dân khiếu kiện tại địa bàn tổ chức nhiều hoạt động gây mất an ninh trật tự tại địa bàn khu vực đất quốc phòng trên với tính chất phức tạp ngày càng tăng. 

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.